“Xác định đúng vị trị và tầm quan trọng của nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện, hiệu quả; gắn với giải quyết tốt vấn đề nông dân và nông thôn. Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới để xây dựng nền nông nghiệp phát triển hiện đại, bền vững”. Đây là nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ Quảng Trị lần thứ XVI. PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị về vấn đề này.
Ông Hà Sỹ Đồng.
PV:Xin ông cho biết mục tiêu của Quảng Trị liên quan đến nông nghiệp, nông thôn (NNNT) của tỉnh trong năm 2016 và những năm tiếp theo?
Ông Hà Sỹ Đồng: Quảng Trị đã qua chặng đường 5 năm xây dựng nông thôn mới (NTM). Dù có những khó khăn nhất định nhưng tỉnh đã huy động được tổng kinh phí gần 7.000 tỷ đồng để đầu tư vào NNNT, trong đó có nguồn lực đóng góp trên 1.100 tỷ đồng của nhân dân cho chương trình xây dựng NTM. Bức tranh NTM ở Quảng Trị thay đổi rõ nét. Đến thời điểm cuối năm 2015, tỉnh có 18/117 xã đạt chuẩn NTM. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quảng Trị lần thứ XVI đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có từ 40 đến 50% số xã và 2 huyện đạt chuẩn NTM.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là nguồn đầu tư cho NNNT còn hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư đạt chuẩn của các địa phương trong tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 còn rất lớn. Cơ chế, chính sách ưu đãi chưa đủ mạnh, chưa hấp dẫn nên ít có doanh nghiệp đầu tư vào NNNT. Nâng cao thu nhập là vấn đề cốt lõi trong xây dựng NTM, tuy nhiên việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động trong nông thôn theo hướng tăng thu nhập bền vững cho đa số nông dân đang còn gặp khó khăn. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số địa bàn nông thôn đang là vấn đề bức bối xuất phát từ việc lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu trong sản xuất, canh tác.
Thách thức trong lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp của Quảng Trị khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là gì thưa ông?
- Như tôi đã đề cập, nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của Quảng Trị. Năm 2015, tốc độ tăng trưởng GRDP toàn tỉnh là 7,1%. Trong đó tốc độ tăng trưởng của riêng nông nghiệp là 4,1%. Cơ cấu nông – lâm – ngư nghiệp chiếm 22,9% tổng sản phẩm của tỉnh.
Khó khăn lớn nhất hiện nay của Quảng Trị là chưa xây dựng được các thương hiệu nông sản có thế mạnh. Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chưa qua chế biến sâu nên khả năng thâm nhập thị trường còn hạn chế. Sản xuất của nông dân vẫn còn nhiều manh mún, quy mô diện tích nhỏ. Sản phẩm của hộ nông dân ít, chất lượng không đồng đều, tiêu thụ chủ yếu ở dạng thô, phụ thuộc vào thương lái nên giá cả bấp bênh. Tình trạng “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa” vẫn diễn ra.
TPP tạo thuận lợi cho nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh của Quảng Trị như cao su, cà phê, hồ tiêu, chế biến gỗ, tôm sú, tôm thẻ chân trắng…, thâm nhập thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, TPP là cơ hội nhưng cũng đồng thời là thách thức do các mặt hàng nông – lâm – thủy sản của Quảng Trị còn được sản xuất, chế biến ở quy mô nhỏ, trong phạm vi hộ gia đình. Chăn nuôi là lĩnh vực gặp nhiều thách thức nhất khi Việt Nam tham gia TPP vì trang trại chăn nuôi tập trung có công nghệ cao ở Quảng trị còn rất ít.
Quảng Trị sẽ làm gì để giúp hàng vạn lao động thuộc khu vực nông thôn đứng vững trong năm mới Bính Thân thưa ông?
- Nông dân chỉ có thể cười tươi khi thành quả lao động của họ lúc nào cũng được tiêu thụ trôi chảy với giá cao. Để hỗ trợ nông dân, ngoài việc xây dựng các mô hình sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn (hợp tác xã, cánh đồng mẫu lớn), khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, ký kết hợp đồng cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm với hộ nông dân; chính quyền các cấp của Quảng Trị sẽ tạo môi trường thuận lợi nhất nhằm thu hút, phát triển các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông – lâm – thủy sản. Trong đó chú trọng phát triển công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ để nâng cao chuỗi giá trị nông sản
Trân trọng cảm ơn ông!