Sức khỏe

Đề phòng bệnh dại mùa hè

Đức Trân 25/04/2024 13:56

Dù chưa chính thức vào hè nhưng từ đầu năm đến nay, bệnh dại đang có xu hướng gia tăng.

bai-chinh(1).jpg
Điều trị và tiêm vaccine phòng dại cho bệnh nhân bị chó cắn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Ảnh: Đức Trân.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm 2024 tới nay, số người chết do bệnh dại liên tục gia tăng. Cụ thể, tính đến ngày 16/4, trên phạm vi cả nước đã ghi nhận 29 ca tử vong do bệnh dại – tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Ông Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, theo thống kê, thời gian cao điểm ghi nhận các ca bệnh dại thường là mùa hè, tập trung vào các tháng 8, 9 trong năm. Tuy nhiên, năm nay, sự gia tăng đột biến ca bệnh dại lại vào những tháng đầu năm. Điều này có thể liên quan trực tiếp đến sự gia tăng các ca bệnh dại trên động vật từ năm 2023 đến nay.

“Năm 2023, cả nước có 82 người chết vì bệnh dại, gần 675.000 người phải điều trị dự phòng bệnh. Trong đó, 80% trường hợp do chó cắn, 18% do mèo, còn lại do các động vật khác như khỉ, chuột, dơi. Khu vực miền Bắc có ca bệnh dại cao nhất, sau đó đến miền Nam, Tây Nguyên, miền Trung. Tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi mắc bệnh dại lên tới 34%. Sang năm 2024, bệnh dại tăng vọt ở 17/63 tỉnh. Được biết, ở nước ta, nguồn truyền bệnh dại là động vật có vú hoang dã và động vật sống gần người, nhiều nhất là chó, sau đó là mèo. Trong đó, chó là ổ chứa virus dại chủ yếu chiếm 96-97%, tiếp đến là mèo chiếm 3-4%”.

Nguyên nhân gây tử vong cao trong thời gian qua là do 100% số ca bệnh dại không đi tiêm vaccine phòng dại, tiêm muộn hoặc tiêm không đúng chỉ định.

Gần đây nhất, ngày 23/4, Trung tâm Y tế huyện Hàm Tân (Bình Thuận) vừa ghi nhận một ca tử vong nghi do bệnh dại. Nạn nhân là bà T.T. B. (54 tuổi, ở thôn Phò Trì, xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân).

Thông tin từ Trung tâm Y tế Hàm Tân cho biết, cách đây khoảng 4 tháng, bệnh nhân bị con chó nhỏ khoảng 4 - 5 tháng tuổi chạy rông trước cổng nhà cắn vào vùng bàn chân trái, vết cắn trầy xước da, chảy máu nhẹ.

Người nhà sơ cứu, rửa vết thương bằng nước muối, không tiêm phòng dại. Sau đó, bệnh nhân vào tỉnh Bình Dương đi làm lao động. Con chó sau khi cắn bệnh nhân tiếp tục chạy rông và không xác định được đã đi đâu.

Đến sáng 17/4, bệnh nhân bị ngứa 2 bàn chân và lan dần lên cả người, đến khám tại Phòng khám đa khoa khu vực tỉnh Bình Dương. Bệnh nhân thêm triệu chứng tê chân, khó thở, sợ gió. Phòng khám nghi bệnh dại và chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM; làm xét nghiệm và chẩn đoán bệnh dại. Ngày 20/4, bệnh nhân trở nặng và bệnh viện trả về. Bệnh nhân tử vong cùng ngày.

Theo Cục Y tế dự phòng, thời gian cao điểm ghi nhận các ca bệnh dại thường là mùa hè, tập trung vào các tháng 8, 9 trong năm. Do vậy, trong thời gian tới, nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người vẫn tiếp tục. Một phần do tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại trên tổng đàn chó, mèo còn thấp, công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế.

BS Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa (Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC) cho biết, thời gian sắp tới là giai đoạn cao điểm mùa nắng nóng, hay còn có thể được gọi là “mùa bệnh dại” vì nguy cơ tiếp xúc với các mầm gây bệnh tăng cao. Vào mùa hè, các hoạt động vui chơi ngoài trời gia tăng, các loài động vật cũng có xu hướng hoạt động nhiều hơn và các gia đình cũng tổ chức đi du lịch ở nhiều địa phương khác nhau. Tất cả những điều này đều tăng nguy cơ phơi nhiễm bệnh dại.

Do vậy, để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.

Khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút; nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod; hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

Kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại; tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị.

Truyền thông, hướng dẫn cho trẻ em cách phòng tránh chó, mèo cắn và thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người thân sau khi bị chó, mèo cắn.

Các triệu chứng ban đầu của bệnh dại bao gồm sốt, đau và cảm giác ngứa ran, châm chích hoặc nóng rát bất thường hoặc không giải thích được ở vị trí vết thương. Khi virus di chuyển đến hệ thống thần kinh trung ương, tình trạng viêm não và tủy sống tiến triển và gây tử vong. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể gặp những biểu hiện như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp. Bệnh thường kéo dài từ 2-6 ngày, đôi khi lâu hơn và tử vong do liệt cơ hô hấp. Hiện nay chưa có phương pháp điều trị bệnh dại hiệu quả sau khi xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng. Tuy vậy bệnh dại có thể được phòng ngừa bằng cách tiêm chủng trước hoặc ngay sau khi phơi nhiễm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề phòng bệnh dại mùa hè