Đề phòng các bệnh viêm đường hô hấp khi giao mùa

Đức Trân 19/10/2023 06:54

Thời điểm giao mùa chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm khiến đường thở khó thích nghi, hệ quả là nhiều người, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ phải nhập viện vì các bệnh đường hô hấp.

Thăm khám và điều trị trẻ mắc viêm phổi tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: BVCC.

Tại Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai), số bệnh nhi tại viện gia tăng trong những ngày gần đây. Trẻ nhập viện chủ yếu do gặp các các vấn đề sốt virus, nhiễm khuẩn đường hô hấp… Việc bệnh nhi tăng có phần do thời tiết thay đổi và hiện tại là lúc giao mùa - thời điểm phát triển một số bệnh do vi khuẩn, virus.

Tương tự, BS Chu Thị Hạnh - Trưởng khoa Hô hấp (Bệnh viện Tâm Anh Hà Nội) thông tin, gần đây bệnh nhân viêm phổi đông hơn trước với các tác nhân gây bệnh khá đa dạng, như phế cầu khuẩn, Haemophilus Influenzae và các vi khuẩn không điển hình như vi khuẩn Mycoplasma. Khoảng 30% trường hợp có hiện tượng lây chéo trong gia đình.

Còn tại Bệnh viện Nhi trung ương, khoa Khám bệnh những ngày gần đây tiếp nhận trung bình khoảng gần 300 lượt khám/ngày liên quan đến các bệnh đường hô hấp. Trong đó, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhi mắc các bệnh viêm đường hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản…

Trong khi đó, thông tin từ Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cho biết, gần đây gia tăng bệnh nhi và người cao tuổi bị viêm phổi vào nhập viện. Nhiều trường hợp đến viện trong tình trạng sốt cao, rét run và xuất hiện khó thở. BS Phạm Thị Thuận - phụ trách khoa Nhi của bệnh viện cho biết: Thời điểm giao mùa nên nhiều bệnh nhi đến thăm khám vì nhiễm khuẩn hô hấp tăng cao. Tại khoa Nhi, trên 50% trẻ nhập viện là viêm phổi. Các bệnh nhi tới khám thường dấu hiệu sốt cao, ho đờm nhiều, thở nhanh, quấy khóc liên tục.

Tại Khoa Nội hô hấp (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) hiện có tới 40% bệnh nhân điều trị là người già. Số người già nhập viện do viêm phổi tăng cao hơn so với các thời điểm khác.

BS Vũ Thị Mai - Khoa Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn) chia sẻ, bệnh nhân chủ yếu viêm phổi, viêm phế quản, ngoài ra một số bệnh nhân bị sốt xuất huyết, cúm. So với mọi năm thì lần này số trẻ nhập viện có dấu hiệu gia tăng đột biến, tình trạng sức khỏe cũng nặng hơn, đau dai dẳng hơn, điều trị sẽ lâu hơn.

Theo GS.TS Ngô Quý Châu - Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, thời tiết giao mùa khiến nguy cơ của một số bệnh hô hấp gia tăng. Cùng với đó, 2 năm qua do dịch bệnh, ảnh hưởng đến việc tiêm chủng, việc uống vitamin A cũng bị chậm, nhiều trẻ bỏ uống theo đợt… cũng là tác nhân cộng hưởng khiến bệnh tăng cao. Điều đó kết hợp với tình trạng tăng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn đã làm cho công tác chẩn đoán và điều trị các bệnh về đường hô hấp gặp nhiều khó khăn.

Bệnh về đường hô hấp thường được phân thành 2 loại, một loại là viêm đường hô hấp trên và một loại là viêm đường hô hấp dưới. Thường thì viêm đường hô hấp trên sẽ nhẹ hơn, ví như: Viêm mũi, họng, viêm cấp thanh quản... Tuy nhiên, có một số trường hợp viêm thanh quản vẫn có thể diễn biến nặng. Đối với viêm đường hô hấp dưới thì mức độ sẽ nặng hơn. Các bệnh thường gặp như: Viêm khí quản, phế quản, viêm phổi, hen suyễn, nhất là đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, trong đó, đặc biệt nhất là trẻ dưới 2 tháng tuổi, vì những trẻ ở lứa tuổi này chưa có khả năng miễn dịch tốt và miễn dịch chủ yếu là từ mẹ sang nên rất dễ bị nhiễm khuẩn.

Để phòng bệnh, khi thay đổi thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh hoặc có sự thay đổi đột ngột cần luôn giữ cơ thể ấm, đặc biệt là ở vùng cổ, ngực, lưng, bàn chân... Nơi ở phải đảm bảo sự thông thoáng, vì khi không khí không lưu thông thì người sống lâu trong đó dễ bị nhiễm khuẩn, viêm đường hô hấp.

Chế độ ăn uống phải đảm bảo đầy đủ các nhóm chất bột, đường, đạm và nhiều loại vitamin. Các thức ăn tốt với hệ hô hấp là những loại đạm từ trứng, sữa, cá...; rau xanh như bông cải xanh, củ quả cam, táo... Khẩu phần ăn phải đảm bảo cung cấp đầy đủ đường, đạm, vitamin gọi là những chất tăng cường miễn dịch cũng như các yếu tố vi lượng, giúp cho cơ thể có thể chống lại bệnh tật.

Để tránh các bệnh hô hấp như viêm phổi hay những đợt cấp của bệnh phổi mãn tính, đợt cấp của hen phế quản cần phải tiêm vaccine phòng cúm. Người lớn, trẻ em nên tiêm vaccine phòng cúm hàng năm vào đầu mùa thu và đầu mùa xuân, thường là trước đỉnh điểm của cúm vài tuần hoặc 1 tháng. Người lớn, trẻ nhỏ nên tiêm vaccine phòng phế cầu, đặc biệt với người trên 65 tuổi, người có bệnh mãn tính như hen phế quản, giãn phế quản... Hiện tại, chỉ cần tiêm vaccine phòng phế cầu 1 lần trong đời, tiêm các loại vaccine khác trong khuyến cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề phòng các bệnh viêm đường hô hấp khi giao mùa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO