Mùa đông - xuân với khí hậu ẩm thấp là môi trường thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm… phát triển và lây lan. Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại, giao thương và các hoạt động lễ hội đầu năm tăng cao làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Số ca mắc cúm, sởi tiếp tục gia tăng
Trên phạm vi cả nước, cúm mùa đang lan rộng và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Chỉ tính riêng tại Hà Nội, thống kê sơ bộ từ một số cơ sở y tế cho biết, số lượng bệnh nhân tới thăm khám về bệnh lý hô hấp, cúm từ sau Tết Nguyên Đán có xu hướng gia tăng mạnh.
ThS.BS Đinh Thị Bích Thục - Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện E) thông tin: “Thống kê từ tháng 1/2025, Khoa Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 250 ca bệnh cúm các loại. Thời gian từ sau Tết Nguyên đán, số ca mắc cúm đến khám và điều trị có xu hướng gia tăng, trung bình khoảng 10 bệnh nhân mắc cúm mỗi ngày. Cao điểm có ngày bác sĩ của khoa Bệnh Nhiệt đới khám cho gần 40 người bệnh, thì hơn một nửa người bệnh mắc cúm. Đáng chú ý, không chỉ người cao tuổi, trẻ nhỏ hay người có bệnh nền (tim mạch, đái tháo đường, hô hấp…) mà ngay cả những người trẻ, khỏe mạnh cũng có nguy cơ mắc bệnh và gặp biến chứng nếu chủ quan. Hiện tại khoa Bệnh Nhiệt đới đang tiếp nhận và điều trị nội trú cho hơn 20 bệnh nhân mắc cúm các loại”.
Tại Khoa Bệnh Nhiệt đới và Can thiệp giảm hại (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), số bệnh nhân mắc cúm trong tháng 1 cao gấp 6 lần so với tháng 12/2024. Tương tự, tại các bệnh viện lớn khác như Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương… cũng đã tiếp nhận số lượng người bệnh đến khám do mắc cúm tăng đột biến, trong đó có nhiều ca chuyển biến nặng do nhập viện muộn.
Không chỉ cúm, bệnh sởi cũng đang có những diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tuần qua, thành phố ghi nhận 114 trường hợp mắc sởi, tương đương tuần trước, chủ yếu ở nhóm chưa tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đủ liều. Tính từ đầu năm 2025, Hà Nội phát hiện 441 ca sởi, trong khi cùng kỳ năm ngoái không có trường hợp nào. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội dự báo số ca sởi sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Theo BSCKII Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, tình hình bệnh sởi hiện nay đang có xu hướng gia tăng tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, lây lan chính ở nhóm trẻ chưa tiêm chủng đủ 2 mũi vaccine phòng bệnh sởi. Trung bình mỗi tuần ghi nhận từ 70 - 120 trường hợp mắc bệnh, nhiều trường hợp nặng phải nhập viện điều trị, tuy nhiên chưa có trường hợp nào tử vong. Số trường hợp mắc sởi năm 2024 là 570, thời điểm hiện tại 2025 là 213 thấp hơn khi so sánh với các năm 2014, 2019 là các năm có bệnh sởi gia tăng trên địa bàn thành phố (1.700 trường hợp), tuy nhiên nếu không chủ động tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch, tổ chức tốt việc tiêm chủng thì số trường hợp mắc bệnh thời gian tới sẽ tục gia tăng và có thể sẽ thành dịch.
Trong khi đó, Bệnh viện Trung ương Huế cùng vừa đưa ra số liệu, từ đầu năm đến nay, cơ sở y tế này đã ghi nhận 131 ca bệnh cho kết quả dương tính với sởi, gồm 93 trẻ em, 38 người lớn - tăng gần gấp 3 lần so với số ca bệnh năm 2024.
Nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh nguy hiểm
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, số ca mắc tay chân miệng trong tuần qua tăng mạnh, với 32 trường hợp được ghi nhận, tăng 22 ca so với tuần trước, tập trung tại các quận, huyện Sóc Sơn, Hà Đông và Nam Từ Liêm. Từ đầu năm đến nay Hà Nội phát hiện 96 ca tay chân miệng, tăng gần 30 ca so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia y tế cho biết, bệnh tay chân miệng có thể xảy ra quanh năm do virus Enterovirus (EV71) và virus Coxsackievirus A16 gây ra, thường gây bệnh ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Cao điểm của bệnh tay chân miệng thường từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 8 đến tháng 9 hàng năm. Lúc này đang là giai đoạn chuyển từ mùa đông sang mùa xuân, có mưa phùn kèm theo nồm ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển. Do đó, người dân cần chú ý phòng bệnh tay chân miệng khi dịch bệnh “vào mùa”. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, vẫn còn nhiều dịch bệnh khác có nguy cơ bùng phát trong thời điểm hiện tại.
PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh - Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi Trung ương) phân tích: Thời điểm giao mùa là thời gian lý tưởng để virus hợp bào hô hấp (RSV) phát triển mạnh. Virus này gây bệnh đường hô hấp dưới và viêm phổi ở trẻ với khả năng lây lan mạnh. Đây là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới hai tuổi. Bệnh phát triển mạnh vào mùa đông – xuân, xuân – hè. Ngoài ra, bệnh tiêu chảy cấp là một trong những căn bệnh dễ bùng phát thành đại dịch bệnh tại Việt Nam, nhất là trong thời tiết lạnh ẩm mùa đông xuân. Theo đó, đối tượng thường mắc bệnh là trẻ em có sức đề kháng kém. Bệnh tiêu chảy cấp là do các loại vi trùng tả, thương hàn hay các loại virus đường ruột như rotavirus xâm nhập vào cơ thể bằng đường miệng. Tốc độ lây nhiễm của bệnh tiêu chảy rất nhanh nên dễ dàng trở thành dịch bệnh nguy hiểm.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh như tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vaccine phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…). Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Hạn chế đến những chỗ đông người.
Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.
Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày. Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử trí kịp thời.