Trời rét có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Ngoài các căn bệnh thường gặp thì khả năng người dân nguy kịch, thậm chí là tử vong do đốt than sưởi ấm là hoàn toàn có thể xảy ra.
Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) mới đây đã tiếp nhận 4 bệnh nhân trong 1 gia đình - trong đó có 1 trẻ em và 1 trẻ sơ sinh, trú tại Xã Việt Tiến (huyện Thạch Hà) nhập viện với tình trạng khó thở, ý thức lơ mơ, nôn mửa do đốt than hoa sưởi ấm trong nhà vào ban đêm và đóng cửa đi ngủ. Ngay khi tiếp nhận, bệnh nhân nhanh chóng được chuyển vào khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và chống độc để điều trị hồi sức tích cực, thở ô xy dòng cao.
Người nhà cho biết, tối trước khi nhập viện, người chồng đốt than hoa bỏ vào nồi đất rồi đặt trong phòng ngủ rộng khoảng 15m2 để sưởi ấm. Sáng hôm sau, khi tỉnh giấc, hai vợ chồng cùng con gái 6 tuổi đau đầu, ý thức lơ mơ, bé sơ sinh liên tục khóc. Họ liên lạc cho người thân đến hỗ trợ đưa cả gia đình tới bệnh viện. Hiện tại, sau khi được các bác sĩ cấp cứu, 4 bệnh nhân đã tỉnh táo, song sức khỏe còn yếu, đang được theo dõi tại khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và chống độc.
Thực tế cho thấy, dù đã được cảnh báo liên tục, xuyên suốt trong nhiều năm qua, tuy nhiên, cứ mỗi khi thời tiết lạnh giá, nhiệt độ xuống thấp, bộ phận người dân vẫn giữ thói quen đốt than sưởi ấm. Các chuyên gia cho biết, việc làm này lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm bởi lẽ, khi đốt các nhiên liệu chứa các-bon như củi, than củi, than tổ ong, xăng dầu,… ở trong không gian mở thoáng thì nhiên liệu cháy hết và cơ bản tạo ra khí CO2 ít ảnh hưởng sức khỏe, nhưng nếu đốt trong khu vực kín cửa, nhiên liệu cháy dở dang sinh ra khí CO lại là loại khí rất độc, có thể dẫn đến tử vong.
BSCKI Nguyễn Hữu Thạch - Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và chống độc (Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà) cho hay: “Việc đốt than trong phòng kín, không gian chật hẹp, đóng kín cửa sẽ đốt hết khí oxy, sản sinh ra khí CO (Cacbon Monoxide) gây ngộ độc. Với đặc điểm của khí CO là không màu, không mùi vị nên rất khó nhận biết, nhất là khi đang ngủ. Quá trình nhiễm độc khí xảy ra rất nhanh, khi bệnh nhân bắt đầu cảm thấy cơ thể bất thường gần như đã rơi vào tình trạng ngộ độc, khó nhận thức, không còn khả năng ứng phó và tự ra khỏi khu vực có khí độc rồi lịm dần. Ngộ độc khí CO có thể gây nên những tổn thương não khó hồi phục nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Một số trường hợp ngộ độc nặng sẽ dẫn tới tử vong”.
Đặc biệt, theo chuyên gia, những số liệu nghiên cứu khoa học mới nhất đã chỉ ra rằng, kể cả những trường hợp nhẹ nhất trong những trường hợp người bị ngộ độc khí CO, có tới khoảng gần 50% sẽ gặp những biến chứng về sức khỏe tâm thần, thần kinh, tổn thương não sau này. Nhẹ nhất có thể là suy giảm trí nhớ các mức độ khác nhau, thậm chí có thể là hôn mê, hoặc mất trí nhớ hoàn toàn.
BS Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cho biết: Hồng cầu vận chuyển ô xy nhờ chất hemoglobin (huyết sắc tố). Mỗi phân tử hemoglobin như chiếc xe tải chở ô xy đi khắp cơ thể. Điều kiện bình thường, ô xy được vận chuyển trong máu động mạch ở hai dạng, kết hợp với hemoglobin và hòa tan trong máu. Khi khí CO xâm nhập đường thở, chúng lập tức chặn hemoglobin và ô xy vận chuyển đi khắp cơ thể, dẫn đến cạn kiệt ô xy, khiến con người rơi vào trạng thái chết ngạt trên cạn. Ngoài ra, khí CO không màu, không mùi, không vị nên nạn nhân rơi vào tình trạng hôn mê rất âm thầm, không có dấu hiệu nào cảnh báo. Người hít phải lượng lớn khí CO có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh, đặc biệt là phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mạn tính…
Ngộ độc khí CO là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở người ngạt khói. Vào mùa lạnh, nhu cầu đốt than để sưởi ấm tăng lên, số ca nhập viện vì ngộ độc khí CO cũng tăng theo. Biểu hiện ngộ độc khí CO bao gồm đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, thay đổi tri giác, co giật, hôn mê. Nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, có thể dẫn đến tử vong.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, tuyệt đối không đốt các loại nhiên liệu như than tổ ong, củi, than hoa, khí gas… để trong không gian kín. Nếu bắt buộc phải sử dụng thì không được sử dụng trong phòng kín, nên để mở cửa thoáng để có lưu thông khí đầy đủ. Tốt nhất là chọn phương pháp khác để sưởi ấm.
Theo BS Nguyên, cấu trúc nhà ở của người dân hiện nay chưa thuận lợi về mặt thông khí, phần lớn tự xây, tự thiết kế và rất kín trong khi không có hệ thống thông khí hay chí ít thì có ô thoáng, có cách để bơm khí từ bên ngoài vào và hút khí từ trong ra. Ở các nước phát triển, thời tiết lạnh hơn chúng ta rất nhiều, họ đốt củi trong nhà để sưởi ấm, nhưng đốt trong lò sưởi và có ống khói rất to dẫn lên trên nóc ra ngoài, đồng thời không khí lưu thông một chiều, khí sạch vào cửa bếp, còn khói cháy và khí CO chỉ có thoát ra ngoài qua ống khói. Thậm chí mỗi nhà có hệ thống thông khí riêng và lắp đặt thiết bị phát hiện khí CO trong nhà. Để giải quyết căn cơ vấn đề, các cơ quan quản lý phải kiểm soát thiết kế và xây dựng các nhà ở của người dân đảm bảo thông khí đầy đủ an toàn cho người dân.
Khi phát hiện người bị ngạt khí cần mở rộng cửa để làm thoáng khí, trường hợp bệnh nhân thở yếu, bất tỉnh cần tiến hành hô hấp nhân tạo hoặc ép tim (cấp cứu ngừng tuần hoàn) sau đó đưa tới cơ sở y tế gần nhất. Tại các bệnh viện, bệnh nhân sẽ được cấp cứu điều trị tiếp.