Sức khỏe

Đề phòng nhiễm khuẩn tiêu hóa

Dương Toàn 09/07/2024 12:03

Thời tiết nắng nóng khiến nguy cơ người dân mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa gia tăng.

anh-bai-duoi.jpg
Bệnh nhân ngộ độc vì nhiễm khuẩn tiêu hóa được chăm sóc và điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Ảnh: BVCC.

Thông tin từ Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Phú Thọ cho biết, nếu như trước đây, mỗi ngày khoa Nội Hô hấp - Tiêu hóa của cơ sở y tế này chỉ tiếp nhận từ 3 - 5 người bệnh nhập viện do bệnh lý tiêu hóa thì ở thời điểm hiện tại, số lượng này đã tăng gấp 2 - 3 lần, dao động từ 10 - 15 người bệnh ở nhiều độ tuổi khác nhau.

Bác sĩ lý giải, nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do thời tiết nắng nóng, việc bảo quản thực phẩm mùa nóng chưa được tốt khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu…

Một trường hợp cụ thể, bệnh nhân N.T.K. (17 tuổi) nhập viện vì sốt cao, sau thăm khám, BVĐK tỉnh Phú Thọ chẩn đoán nhiễm khuẩn tiêu hóa. Sau 3 ngày điều trị bằng truyền dịch, kháng sinh, giảm tiết, bảo vệ niêm mạc tiêu hóa, người bệnh đã ổn định và được ra viện. Được biết, trước đó người bệnh đã ăn phở ở quán. Sau khi ăn khoảng 6 giờ thì có các triệu chứng trên.

Tương tự, bệnh nhân N.H.T. (29 tuổi), sau khi ăn xúc xích mua ở quán được khoảng 6 giờ thì xuất hiện triệu chứng đau bụng. Kết quả xét nghiệm cho thấy, người bệnh có số lượng bạch cầu cao bất thường. Sau điều trị 3 ngày, người bệnh ổn định và được ra viện.

Theo BS Trần Văn Sơn - Khoa Nội Hô hấp - Tiêu hóa, BVĐK tỉnh Phú Thọ, các bệnh tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thường do các loại vi khuẩn như e.coli, campylobacter, listeria, salmonella, botulinum,… gây ra.

Thời tiết nắng nóng khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu, hư hỏng, nhiễm khuẩn nếu không bảo quản đúng. Khi người bệnh tiêu thụ các loại thực phẩm này, vi khuẩn sẽ tấn công hệ tiêu hóa, gây ra các bệnh về tiêu hóa, phổ biến là rối loạn tiêu hóa, nhiễm khuẩn đường ruột, nặng hơn là ngộ độc.

“Nhiễm trùng đường tiêu hóa chủ yếu lây qua đường ăn uống. Các sinh vật gồm nấm men, vi khuẩn, hoặc ký sinh trùng tấn công cơ thể gây nhiễm trùng đường ruột, dễ biến chứng nhiễm trùng máu” - BS Sơn cho biết thêm.

Thông thường, sau khoảng 2 ngày nhiễm virus, vi khuẩn, người bệnh có thể có các biểu hiện nôn, buồn nôn, sốt, tiêu chảy nhiều lần, kéo dài trong 3-10 ngày. Nếu không được khám, điều trị kịp thời, người bệnh có thể mất nước, mất điện giải, thậm chí nguy hiểm tính mạng nếu ngộ độc hoặc nhiễm trùng nặng.

Dự báo thời tiết miền Bắc có thể tiếp tục nắng nóng kéo dài, các chuyên gia nhận định, nhiều khả năng số người mắc bệnh tiêu chảy nhập viện sẽ tiếp tục tăng. Thời tiết nắng nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, đặc biệt là ở trẻ em dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa.

Do vậy, bác sĩ khuyến cáo, để phòng ngừa các bệnh tiêu hóa, người dân cần lựa chọn thực phẩm kỹ lưỡng, hạn chế sử dụng nước có gas, giảm ăn đồ lạnh, xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý trong mùa nắng nóng như uống đủ nước, tăng cường rau xanh.

Đồng thời cần tuân thủ ăn chín, uống sôi, rửa sạch thực phẩm trước khi ăn. Vệ sinh tủ lạnh sạch sẽ, không để chung thực phẩm tươi sống và thực phẩm nấu chín. Thức ăn bảo quản lâu trong tủ mát vẫn có thể bị hỏng và ngộ độc, do đó không nên sử dụng đồ ăn thừa sau 4 - 5 ngày bảo quản ở ngăn mát. Khi thấy các dấu hiệu đau bụng, sốt, nôn ói, tiêu chảy… cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề phòng nhiễm khuẩn tiêu hóa