Sức khỏe

Đề phòng trẻ viêm phổi trong tiết trời lạnh giá

Đức Trân 29/01/2024 08:38

Thời tiết lạnh, mưa ẩm là điều kiện lý tưởng cho nhiều loại vi khuẩn, virus gây ra các bệnh lý đường hô hấp phát triển. Đặc biệt là các loại virus cúm, virus hợp bào gây biến chứng viêm phổi.

bai-chinh(2).jpg
Trẻ nguy kịch do viêm phổi được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương Ảnh: BVCC.

Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết, khoa Nhi của cơ bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhi 2 tháng tuổi đến từ Thanh Hóa được chẩn đoán mắc viêm phổi nặng sau nhiễm virus hợp bào đường hô hấp (RSV), suy hô hấp mức độ nặng phải thở máy.

Bệnh nhi là trẻ sinh non (35 tuần), trước khi vào khoa Nhi, bệnh nhi điều trị viêm phổi tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa 11 ngày đã ổn định và được ra viện. Tuy nhiên, sau 2 ngày xuất viện bệnh nhi xuất hiện ho khò khè, đi khám và làm các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị nhiễm virus hợp bào đường hô hấp (RSV) được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương.

TS.BS Đặng Thị Thúy - Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương) cho biết, bệnh nhi mặc dù đến viện sớm, nhưng với cơ địa là trẻ sinh non cộng thêm viêm đường hô hấp tái phát do nhiễm trùng trước đó, nên bệnh tiến triển nhanh và nặng hơn. Hiện nay em bé phải thở máy.

Tại nước ta, bệnh do RSV bùng phát mạnh vào mùa đông xuân và khi thời tiết chuyển từ mùa xuân sang hè. Nhiễm trùng RSV có thể gây ra các hội chứng lâm sàng đa dạng, từ triệu chứng nhẹ giống cảm lạnh đến các biểu hiện của nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, cơn hen kịch phát và thở khò khè do virus. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, RSV có thể gây ra viêm tiểu phế quản nặng và có thể dẫn tới tử vong.

Cũng giống như nhiều virus gây bệnh đường hô hấp khác, RSV có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua nhiễm bẩn bởi các giọt bắn có chứa virus RSV được thải ra từ người bệnh qua ho, hắt hơi lên mắt, mũi, miệng; tiếp xúc gián tiếp với các bề mặt bị nhiễm bẩn có chứa virus hoặc quần áo, vật dụng của người bị bệnh, bàn tay người bệnh sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng; khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người nhiễm RSV thông qua thơm hôn hoặc mớm thức ăn. Đối tượng nhiễm RSV có nguy cơ bệnh tiến triển nặng bao gồm trẻ sinh non; trẻ sơ sinh (dưới 6 tháng tuổi); trẻ nhỏ dưới 2 tuổi mắc bệnh tim hoặc phổi bẩm sinh; trẻ em bị suy giảm hệ miễn dịch; người cao tuổi, đặc biệt là người từ 65 tuổi trở lên và người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch.

Đáng lo ngại hơn, RSV không phải là nguyên nhân duy nhất khiến trẻ có nguy cơ mắc viêm phổi trong mùa đông. BS Lê Tuyết Nga - Trung tâm Nhi (Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec)cho biết, viêm phổi ở trẻ em là bệnh do vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng gây ra. Mầm bệnh có thể lây lan từ trẻ bệnh, từ người lớn mang mầm bệnh, từ môi trường cho trẻ. Bệnh có các thể rất nặng, diễn biến nhanh có thể gây tử vong nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), viêm phổi là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong ở đối tượng trẻ em dưới 5 tuổi. Hàng năm, tại Việt Nam có tới 1/3 số ca trẻ em tử vong là do viêm phổi.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng bệnh viêm phổi cho trẻ em, việc đầu tiên vẫn là cung cấp cho trẻ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, trẻ nhỏ cho bú nhiều lần trong ngày. Môi trường sống phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, tránh hít phải khói bụi và các chất kích thích. Hàng ngày vệ sinh răng miệng cho trẻ sạch sẽ ngày 2 lần vào buổi sáng khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ, sau mỗi bữa ăn cho trẻ uống nước súc miệng, tránh để khuẩn đọng lại bằng cách chải răng, lau răng miệng cho trẻ nhỏ.

Khám và điều trị sớm, tích cực các bệnh tai mũi họng, răng hàm mặt cho trẻ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi để tránh các loại khuẩn xâm nhiễm. Tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Mùa đông cần mặc quần áo đủ ấm cho trẻ, chú ý giữ ấm vùng ngực, cổ, đầu mặt cho trẻ, nhất là khi phải đưa trẻ đi ra ngoài. Khi các bậc phụ huynh thấy trẻ có biểu hiện viêm nhiễm đường hô hấp cần đưa ngay để cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn và điều trị kịp thời.

Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, trẻ em hạn chế đi ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 9 giờ đêm đến 6 giờ sáng và khi ra ngoài thì nên trang bị đủ trang phục ấm che chắn được gió lùa. Luôn giữ cơ thể khô ráo, tránh bị ẩm ướt, đặc biệt là vùng cổ, tay, chân mỗi khi ra đường và khi ngủ để hạn chế các bệnh do cảm lạnh. Trẻ em cần được cung cấp lượng tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin nhiều hơn so với những mùa khác nhằm tăng cường nhiệt lượng cho cơ thể chống rét, đặc biệt là bổ sung vitamin A, C để tăng cường sức đề kháng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề phòng trẻ viêm phổi trong tiết trời lạnh giá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO