Đề phòng vi khuẩn HP

Nghĩa Toàn 21/04/2023 07:36

Helicobacter pylori (HP) là một loại vi khuẩn sống chủ yếu ở dạ dày. Tỷ lệ người nhiễm vi khuẩn HP trên toàn thế giới vào khoảng 50%, còn ở Việt Nam tỷ lệ này là 70-80%.

Phần lớn người bị nhiễm vi khuẩn HP không có triệu chứng và cũng không gây ra tổn thương ở dạ dày. Tuy nhiên, một số ít trường hợp vi khuẩn HP có thể gây ra viêm dạ dày, loét dạ dày - hành tá tràng và một tỷ lệ ít hơn nữa gây ung thư dạ dày. Dù rằng vi khuẩn HP là thủ phạm chính gây ung thư dạ dày nhưng chỉ một tỷ lệ rất ít người nhiễm vi khuẩn HP bị ung thư.

TS.BS Vũ Trường Khanh - nguyên Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Nước ta có khoảng 60-70% dân số bị nhiễm vi khuẩn HP. Riêng một nghiên cứu tại Hà Nội, cứ 1.000 người thì có đến 700 trường hợp nhiễm vi khuẩn HP. Còn tại TPHCM, 90% số người bị viêm dạ dày có xuất hiện loại vi khuẩn này.

Đáng nói, vi khuẩn HP rất dễ lây lan, ngoài niêm mạc dạ dày, vi khuẩn HP còn tồn tại trong nước bọt, mảng bám trên răng và khoang miệng của người bệnh. Do đó, vi khuẩn HP có thể lây truyền từ người này sang người khác qua việc dùng chung bát đũa, hôn trực tiếp, ăn uống chung. Đặc biệt, trẻ em là đối tượng nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn HP. Thậm chí có những trẻ bị nhiễm HP khi mới 2 tuổi, nguyên nhân do người mẹ thường có thói quen mớm thức ăn bón cho con. Do vậy, các thói quen ăn uống chung đụng ở trường lớp, hay là việc mớm cơm cho con, có thể sẽ mang vi khuẩn HP vào cơ thể trẻ.

Theo chuyên gia, vi khuẩn HP là một trong những nguyên nhân dẫn đến ung thư dạ dày. Mặc dù vậy, theo nghiên cứu của Bệnh viện K, có 200 loại HP khác nhau, chỉ một số loại mang gen CagA có độc lực cao, tăng nguy cơ ung thư. Khi mắc vi khuẩn HP, bệnh nhân có thể làm xét nghiệm vi khuẩn HP thuộc nhóm có độc lực mang gen CagA hay không. Trên thực tế, có đến 80% người trên 50 tuổi có mang vi khuẩn HP nhưng không phải ai cũng bị ung thư dạ dày.

BS Khanh khuyến cáo, nếu vi khuẩn HP làm xuất hiện các triệu chứng lâm sàng (đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, nôn ói...) thì việc điều trị vô cùng quan trọng nhằm làm giảm nguy hại mà nó mang lại.

Việc điều trị diệt HP khi bị viêm, loét dạ dày, tá tràng là rất cần thiết nhằm ngăn ngừa các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày và ung thư dạ dày. Do đó, nên phát hiện, điều trị sớm tình trạng nhiễm khuẩn HP. Nếu phát hiện sớm, tỷ lệ khỏi bệnh là 50%; không điều trị dứt điểm ngay từ đầu thì sẽ khó chữa khi tái phát bệnh.

“Tuy nhiên, hiện nay việc lạm dụng thuốc kháng sinh khá phổ biến và việc người bệnh không tuân thủ liều lượng, thời gian uống thuốc đã dẫn đến tình trạng vi khuẩn HP kháng với nhiều loại kháng sinh. Điều đó dẫn đến việc chữa trị trở nên khó khăn và mất nhiều thời gian hơn. Thực tế, tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh điều trị vi khuẩn HP ở Việt Nam khá cao. Nhiều loại thuốc điều trị HP tại các nước đạt hiệu quả tới 80 - 90% thì ở Việt Nam tỷ lệ thành công chỉ dưới 80%, thậm chí có những loại thuốc tỷ lệ thành công trong điều trị chỉ còn khoảng 50%” – BS Khanh thông tin.

Các chuyên gia khuyến cáo, người nhiễm vi khuẩn HP nên hạn chế ăn đồ chua, cay, hạn chế uống rượu, bia, cà phê, hút thuốc lá... Và để tránh tình trạng kháng kháng sinh, không nên tự ý mua kháng sinh diệt HP. Vi khuẩn HP có nhiều type, vì vậy, nếu đã chữa khỏi một lần, khả năng tái nhiễm vẫn xảy ra khi mắc type khác. Người bệnh nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ và làm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề phòng vi khuẩn HP

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO