Dịch sốt xuất huyết (SXH) bùng phát tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Đặc biệt có nhiều ca mắc SXH nặng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, nội tạng... dẫn tới tử vong.
Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.
Tại Hội nghị tăng cường công tác phòng chống SXH ngày 20/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến nay, cả nước ghi nhận gần 58.000 trường hợp mắc SXH, tăng 10 % so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó có 15 trường hợp tử vong.
Trong đó, tăng mạnh nhất phải kể đến khu vực miền Bắc với 736,8%, khu vực miền Nam là 17,7%. 10 tỉnh trong cả nước ghi nhận có số ca mắc SXH cao nhất là TP HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Hà Nội, An Giang, Đồng Nai, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Khánh Hòa, Tiền Giang.
Theo thống kê của BV bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội)- cơ sở đầu ngành điều trị các bệnh truyền nhiễm, tại bệnh viện mỗi ngày có gần 200 ca mắc SXH đến khám, tỷ lệ nhập viện khoảng gần 20% và số bệnh nhân gia tăng nhanh trong 2 tuần nay. So với cùng kỳ của năm ngoái, số lượng bệnh nhân mắc SXH tăng 4 lần.
PGS Nguyễn Văn Kính- Giám đốc BV bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, đến nay, trên cả nước đã có trên 50.000 trường hợp mắc SXH, trong đó đã có 15 trường hợp tử vong. Ca tử vong thứ 15 vì SXH trên cả nước là bệnh nhân nam giới, 51 tuổi ở phường Vạn Phúc, Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội. Trường hợp này bị xuất huyết não rất nặng.
Trước đó tại một bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán SXH, chụp CT não phát hiện xuất huyết não được chuyển sang BV Nhiệt đới sáng sớm ngày 12/7. Đến rạng sáng ngày 14/7 bệnh nhân tử vong vì xuất huyết não quá nặng, ngoài tầm kiểm soát. Được biết, nam bệnh nhân này có tiền sử bị đái tháo đường và tăng huyết áp đã nhiều năm nay.
Cũng theo BS Kính, trong số 15 ca tử vong có 4-5 trường hợp xuất huyết não. Đây là một hiện tượng hơi khác thường, các năm khác chỉ có khoảng có 1- 2 ca xuất huyết não do SXH, trong khi mới đầu vụ dịch năm nay đã có 5 ca.
Trước thực trạng bệnh SXH tại khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang vào thời kỳ bùng phát mạnh mẽ và diễn biến phức tạp, BS Kính khuyến cáo để phòng bệnh hiệu quả, người dân nên mắc màn khi ngủ, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Mọi người dân khi có biểu hiện sốt cần đến ngay các cơ sở y tế sớm để xét nghiệm, chẩn đoán xem có mắc SXH hay không. Chuyên gia này lưu ý, có nhiều trường hợp bệnh nhân khi sốt đến ngày thứ ba, khi vào viện vẫn tươi tỉnh, bình thường nhưng chỉ sau 3 tiếng tiếp theo đã tử vong vì xuất huyết não. Bệnh nhân mắc SXH nếu đến cơ sở y tế sớm sẽ được dự phòng điều trị kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc.
BS Nguyễn Văn Kính cho biết: Các biểu hiện rõ rệt nhất ở bệnh nhân SXH là đau vùng gan, sốt cao vật vã, có xuất huyết dưới da hoặc chảy máu chân răng, nữ giới có xuất huyết âm đạo. |