Để Tây Nguyên thêm xanh

PHÙNG VĂN KHAI 15/04/2023 05:58

Âm hưởng của bài hát “Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên” của nhạc sĩ Lê Lôi cứ ngân nga suốt chuyến làm phim của chúng tôi dọc các tuyến biên giới theo chân các đội sản xuất của Binh đoàn 15 anh hùng.

Cán bộ Công ty 74, Binh đoàn 15 hướng dẫn người lao động là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai khai thác mủ cao su. Ảnh: TTXVN.

Tây Nguyên, nóc nhà của Đông Dương nằm trên cao nguyên Nam Trung Bộ mênh mông nắng gió. Khi đất nước thống nhất, các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên càng xích lại gần nhau, chung lưng đấu cật, đoàn kết một lòng xây dựng đất nước.

Tây Nguyên kỳ vĩ, hoang sơ và bí ẩn. Ở đây có hồ trên núi. Có Đam San đi đòi cưới con thần mặt trời, có Ti Ăng nhân vật sử thi Mơ Nông, có Giông nhân vật sử thi Ba Na, có Duông nhân vật sử thi Xê Đăng với bao nhiêu huyền thoại. Thời chống Pháp, chống Mỹ, nhân dân các dân tộc Tây Nguyên luôn thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Người Tây Nguyên với bản lĩnh và bản năng chiến đấu của mình đã góp phần tạo nên những chiến công đậm chất huyền thoại.

Sau chiến tranh, tiếp tục thực hiện lời dạy của Bác Hồ, những chàng trai, cô gái trăm miền lại cùng bà con các dân tộc khoác súng, trồng lúa, làm đường, bắc cầu, dạy chữ, cứu người, sinh sôi, ăn đời ở kiếp với Tây Nguyên.

Trong đội ngũ ấy, đến Tây Nguyên từ ngày đầu ấy có những người lính Binh đoàn 15. Họ mang theo lời dạy của Bác Hồ đến với bà con các dân tộc Tây Nguyên.

Biên giới các tỉnh Tây Nguyên đầu những năm tám mươi. Đất đai xơ xác, cỗi cằn. Sự sống thưa vắng trên những vùng đất hoang hóa mênh mông. Mùa khô, nắng thiêu cháy mọi thứ trên mặt đất. Mùa mưa thối đất thối cát. Cuộc sống của bà con từng chênh vênh, khốn khó. Tháng rồi năm. Rồi lại từng năm trôi đi mà bà con vẫn chưa tìm được lối ra. Mơ ước tưởng như chỉ là để đấy. Người lớn ngày ngày bới đất, bới đá kiếm bắp, kiếm mì, đào củ mài, củ chuối tạm bợ để mưu sinh. Trẻ con lê la, chui lủi, tối tối lại về những căn lều rách nát. Cuộc sống của bà con dân tộc ở các làng diễn ra âm thầm, lầm lũi, và đói khát. Sao chiến tranh đi qua đã lâu mà vẫn không hết đói nghèo? Cái đói, cái nghèo đeo bám người Tây Nguyên đến bao giờ? Câu hỏi treo lơ lửng trên đầu nhân dân và những người lính Binh đoàn từng bám làng chiến đấu ở Tây Nguyên.

Ngày trước người lính được bà con cưu mang, nay không thể để bà con tiếp tục đói khổ, cuộc sống trở lại những ngày tăm tối. Lời dạy của Bác Hồ: “Chúng ta đều là con cháu Việt Nam đều là anh em ruột thịt sống chết có nhau sướng khổ cùng nhau no đói giúp nhau” lúc nào cũng văng vẳng trong suy nghĩ của nhiều người. Nắm bắt tâm tư ấy, ngày 20/2/1985, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định thành lập Binh đoàn 15. Những người lính Cụ Hồ lại có mặt ở Tây Nguyên nơi tuyến đầu với một trọng trách mới.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Văn Tiến Dũng giao nhiệm vụ cho binh đoàn trồng cao su. Tây Nguyên sẽ trồng 33 vạn héc ta. Đây là chủ trương lớn của Đảng do Tổng Bí thư Lê Duẩn chỉ thị. Cây cao su là cây chiến lược ở Tây Nguyên. Chính cây cao su sẽ thay đổi căn bản đời sống của bà con các dân tộc Tây Nguyên. Những người lính Binh đoàn 15 khi ấy xác định sẽ thực hiện bằng được chỉ thị của cấp trên. Khó nói hết những gian khổ cơ cực của buổi đầu để có được cơ ngơi như hôm nay.

Nơi biên giới hoang vu còn đầy dẫy bom đạn trong lòng đất, các nông trường, các đội sản xuất (sau này trở thành các Công ty của Binh đoàn 15) được thành lập. Những người lính vừa ngưng tiếng súng lại khoác ba lô đến làng cùng bà con lập đội sản xuất. Lao động khi ấy phần lớn là người Gia Rai, Ê Đê, Xê Đăng, Ba Na... tổ chức trồng những cây cao su, cà phê đầu tiên, đặt nền móng cho việc trồng cây công nghiệp vùng biên giới với khát vọng và niềm tin mãnh liệt.

Năm 1990, kinh tế trên toàn quốc vô cùng khó khăn, bà con vẫn phải bới đất lật cỏ mưu sinh từng ngày, mọi người làm việc cầm chừng vì thiếu đói. Những cây cao su mới trồng chết dần chết mòn. Trong 3 năm đầu, cây chết, lương thực cạn kiệt, lòng người dao động, hàng nghìn lao động người dân tộc bỏ việc, chỉ còn vài trăm người nơi rừng hoang biên giới. Đó là những thời khắc cực kỳ khó khăn.

Trước tình hình đó, các cấp ủy đảng vào cuộc. Chẳng lẽ bao nhiêu hy sinh mất mát mà cuối cùng lại trắng tay? Chẳng lẽ vùng đất bazan trù phú mênh mông không nuôi nổi con người?

Sau nhiều lần thất bại, từ thực tiễn, lãnh đạo binh đoàn hiểu thấu một điều rằng muốn phát triển sản xuất trước tiên phải quan tâm đến đời sống người lao động đặc biệt là bà con các dân tộc vốn còn nhiều hủ tục chưa quen lối canh tác mới, chưa đặt niềm tin vào cây công nghiệp. Không quản khó khăn về đường sá, thời tiết, ngôn ngữ, bộ đội binh đoàn chia nhau đến từng đội sản xuất. Mỗi viên thuốc, gùi gạo, tấm vải, lít dầu là cả tấm lòng chia sẻ của bộ đội trong những ngày khó khăn, bệnh tật ấy.

Nỗi đau nào cũng qua đi, bao đói nghèo, thất học, bệnh tật bị con người đẩy lùi vào dĩ vãng. Đất hồi sinh, con người cũng hồi sinh. Bà con các dân tộc Tây Nguyên bây giờ khỏe mạnh. Bộ đội binh đoàn đã làm mới cuộc đời với một sức vóc vạm vỡ, rộng dài như cây rừng, đá núi.

Trong gần 30 năm, bộ đội Binh đoàn 15 có mặt ở Tây Nguyên cũng là ngần ấy năm người chiến sĩ binh đoàn gắn bó ruột thịt với bà con. Sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau như lời dạy của Bác Hồ. Cũng trong ngần ấy năm, nhiều mô hình giúp nhau làm kinh tế giữa bộ đội và bà con, giữa người Kinh và người dân tộc triển khai mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, làm thay đổi suy nghĩ và những hủ tục lạc hậu của người dân Tây Nguyên.

Mô hình “Hộ gắn kết” giữa người Kinh và người dân tộc được các đội sản xuất trong toàn binh đoàn thực hiện. Chỉ sau thời gian ngắn, mô hình này đã phát huy hiệu quả và đang được nhân rộng. Hàng nghìn“Hộ gắn kết” đã tạo ra một sức mạnh mới không chỉ cho sự phát triển kinh tế mà còn tạo sự ổn định bền vững trên mặt trận quốc phòng - an ninh.

Tầng tầng cao su nối nhau xanh miên man các vùng biên giới. Những khu làng mới mọc lên san sát bên các trục đường. Trường học, trạm điện khắp các buôn làng ở Tây Nguyên. Những căn nhà khang trang mọc ra từ đôi bàn tay, khối óc người lao động binh đoàn. Đó chính là chiến công của người lính, của người dân Tây Nguyên đối với tâm nguyện của Đảng, của Bác Hồ.

Sinh thời, Bác Hồ từng ao ước được “Đồng bào mình ai cũng được cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Mơ ước giản dị ấy của Người hôm nay đã trở thành hiện thực ở Tây Nguyên. Ngày trước, người già ở đây chẳng nghĩ được sẽ có ngày có điện. Những đứa trẻ quen sống trên lưng mẹ nay được đến trường, đến lớp…

Ê... Con chim nhông, con chim kơ tia, con công tung cánh/ Này chim có hay rằng, ai thương ai quý Bác Hồ bằng người Tây Nguyên… Lời bài hát của nhạc sĩ Lê Lôi như phảng phất trên các tầng rừng, theo sát mỗi bước chân người lao động, chất chứa tình cảm của đồng bào dành tình cảm cho vị Cha già kính yêu cũng chính là tấm lòng của bộ đội, tấm lòng của bà con nhân dân dành cho mảnh đất Tây Nguyên.

Gần 30 năm qua, phát huy phẩm chất cao đẹp bộ đội Cụ Hồ, những người lính binh đoàn đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào Tây Nguyên. Cũng 28 năm, binh đoàn đã được đồng bào Tây Nguyên cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ hết lòng như những ngày còn trong trận mạc. Đó là cội nguồn sức mạnh mang lại cuộc sống ấm no, thanh bình trên dải đất biên cương phía Tây của Tổ quốc. Đó cũng là niềm tự hào của người lính binh đoàn khi thực hiện lời dạy của Bác Hồ trên Tây Nguyên xanh mát hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để Tây Nguyên thêm xanh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO