Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ GDĐT vừa diễn ra, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ rà soát để tinh giản nội dung môn học; khẩn trương xây dựng và công bố đề tham khảo thi THPT quốc gia 2020 phù hợp việc tinh giản nội dung, làm cơ sở cho thầy trò yên tâm, ôn luyện.
Cần tinh giản nội dung thi THPT quốc gia 2020. Ảnh: Phạm Quang Vinh.
Theo đó, các đơn vị chuyên môn cần tập trung rà soát, điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; lựa chọn các chủ đề có thể tích hợp của từng môn học hoặc liên môn.
Đại diện Bộ GDĐT cho biết, căn cứ vào chương trình đã tinh giản nội dung dạy học, Bộ GDĐT sẽ xây dựng và công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT quốc gia 2020 nhằm tạo thuận lợi cho học sinh lớp 12 ôn tập. Trước đó, đầu tháng 3, Bộ đã điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học đến trước ngày 30/6/2020, thi THPT quốc gia từ ngày 23/7 đến 26/7/2020. Tuy nhiên, khi xuất hiện những ca mắc mới, tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp, một lần nữa Bộ GDĐT phải điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học trước ngày 15/7/2020, thi THPT quốc gia từ ngày 8/8 đến 11/8/2020.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Thành- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho hay, trong tháng 3 này, Bộ sẽ ban hành công văn hướng dẫn cụ thể việc tinh giản chương trình để các nhà trường, giáo viên được biết và triển khai tổ chức dạy học. Theo đó, việc kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học cũng sẽ phải được điều chỉnh phù hợp theo chương trình đã được tinh giản. Căn cứ chương trình tinh giản, đề thi THPT quốc gia 2020 cũng sẽ được xây dựng phù hợp. Không thể kiểm tra, thi những nội dung đã tinh giản rồi.
Tuy nhiên, ông Thành cũng lưu ý các nhà trường, giáo viên và học sinh, việc tinh giản nội dung dạy học sẽ chỉ tập trung vào học kỳ II của năm học 2019-2020.
Trước mắt vẫn còn chưa biết khi nào học sinh có thể quay trở lại trường, do đó nhiều người vẫn băn khoăn về nội dung chương trình của học kỳ II sẽ tinh giản đến độ nào? Về điều này, ông Thành cho hay, không phải chỉ một mà Bộ thực hiện song song 2 giải pháp. Giải pháp thứ nhất là thực hiện tinh giản nội dung, cũng thuận lợi cho việc thiết kế các bài dạy học qua internet hoặc trên truyền hình. Giải pháp thứ hai cho phần còn lại là khi học sinh quay trở lại trường thì có thời gian hoàn thành chương trình. Nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến quá phức tạp và còn phải tiếp tục nghỉ dài hơn thì có nghĩa phần dạy học qua internet và truyền hình sẽ bị dài ra, và phần trên lớp sẽ ngắn lại. Khi đã có quy định hướng dẫn và đảm bảo kiểm soát được quá trình dạy học của học sinh rồi thì đoạn học sinh học trực tuyến cũng được công nhận.
Ghi nhận cho thấy, có một số trường đã chủ động trong xây dựng kế hoạch năm học và thiết kế một số nội dung kiến thức của học kỳ 2 đã được đẩy lên tổ chức dạy học cho học sinh ở học kỳ 1. Song theo ông Thành, có thể số kiến thức này lại rơi vào phần được tinh giản trong công bố tới đây.
Đảm bảo chất lượng dạy trực tuyến
Xung quanh băn khoăn về dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, ngày 23/3, Bộ GDĐT đã ban hành văn bản số 988/BGDĐT-GDĐH gửi các ĐH, trường ĐH, học viện; các trường CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm về việc bảo đảm chất lượng đào tạo từ xa trong thời gian phòng chống dịch Covid-19. Đối với bậc phổ thông, quy định về dạy học qua internet, dạy học trên truyền hình cũng sẽ sớm được ban hành, làm cơ sở cho các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả theo chương trình giáo dục đã được tinh giản. Việc xây dựng, thẩm định các bài giảng điện tử từ các nội dung chương trình sau khi đã tinh giản, theo Bộ trưởng, sẽ được Bộ GDĐT chỉ đạo sát sao để không “buông lỏng” chất lượng.