Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, trong bối cảnh hiện nay rất cần sự chung tay của các nền tảng làm tốt công tác quản lý nội dung, để dòng thông tin trên báo chí trở thành dòng chảy chính trên không gian mạng.
Báo chí đã “trưởng thành” hơn trên không gian số
Từ ngày 25 đến 27/10, Bộ TT&TT, Cục Báo chí và Công ty Google tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu về kinh tế báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số báo chí, chuyên đề "Nền tảng kỹ thuật cho kinh doanh số" cho các cơ quan báo chí.
Phát biểu khai mạc khoá đào tạo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, chỉ trong hai năm qua, nhận thức về chuyển đổi số báo chí đã có bước phát triển vượt bậc. Năm nay cũng là năm Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành “Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với những nội dung, nhiệm vụ cụ thể.
Trên cơ sở đó, Bộ TT&TT có kế hoạch hành động chiến lược cụ thể trong việc tập huấn, nâng cao kiến thức về kỹ năng số và tập huấn bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số báo chí cho các cơ quan báo chí. Khóa đào tạo này của Google không nằm ngoài mục đích đó, đi vào những vấn đề cụ thể, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của cơ quan báo chí.
Theo ông Lâm, so với những năm trước, các cơ quan báo chí đã nhận thức sâu sắc hơn những vấn đề khi làm báo chí trên không gian số. Các cơ quan báo chí không chỉ có những cơ hội mà có cả những thách thức, không phải chỉ làm thế nào để kiếm được quảng cáo bằng cách làm nội dung văn minh, tử tế, có phương pháp mà còn làm sao để nắn quảng cáo trên không gian số đi vào nội dung lành mạnh, sàng lọc tiến tới loại bỏ quảng cáo những sản phẩm, dịch vụ vi phạm pháp luật, lệch chuẩn, phản cảm, không để lẫn lộn vào nội dung báo chí.
Đây không chỉ là thách thức của cơ quan báo chí nói riêng mà cả những nền tảng xuyên biên giới như Google. Chúng ta đều đối mặt vấn đề là làm trong sạch hệ sinh thái và để cho những những người chính đáng tiếp cận được sản phẩm, thương hiệu tôn trọng pháp luật, được gặp độc giả, tìm đến nội dung tử tế, lành mạnh trên không gian mạng. Trong đó, hệ sinh thái báo chí mở rộng không chỉ có những trang web mà cả ứng dụng, fanpage, kênh trên nền tảng mạng xã hội cần có sự quan tâm đúng hướng, để chúng ta hưởng lợi trong mô hình kinh doanh. Điều đó cần trách nhiệm của cả hai bên.
Ông Lâm nhấn mạnh: Rất cần sự chung tay của nền tảng cùng làm tốt công tác quản lý nội dung, để dòng thông tin trên báo chí trở thành dòng chảy chính trên không gian mạng.
Phát triển kinh tế báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số
Chương trình đào tạo chuyên sâu tập trung vào 3 vấn đề chính: Thấu hiểu và phát triển độc giả; Giải pháp dữ liệu - xây dựng nền tảng dữ liệu bền vững; Xây dựng chiến lược phát triển doanh thu quảng cáo toàn diện.
Chương trình cũng tập trung chia sẻ các giải pháp phát triển và tăng cường tương tác với độc giả; xây dựng tối ưu hóa sitemap cho website tin tức hiệu quả.
Các chuyên gia cũng hướng dẫn xử lý khi phát hiện quảng cáo vi phạm chính sách; chia sẻ các yếu tố then chốt để thành công khi triển khai mô hình doanh thu từ độc giả; đổi mới mô hình kinh doanh báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số,…
Qua chương trình, những câu hỏi của các cơ quan báo chí phần nào được giải đáp. Đó là vấn đề làm thế nào để tăng doanh thu quảng cáo kỹ thuật số, thu hút thêm lượng truy cập, giữ chân độc giả nhiều hơn, phát triển thêm những mảng doanh thu khác như doanh thu từ độc giả đang là một xu hướng phát triển trên toàn cầu...
Tại ngày khai mạc khóa đào tạo, Ban tổ chức đã tổ chức thảo luận với các chuyên gia về các chiến lược phát triển người dùng và tăng tương tác độc giả.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và phát triển truyền thông cho biết, hiện nay hành vi người đọc thay đổi đã tác động tới doanh thu quảng cáo của báo chí.
Ông Nguyễn Văn Bá, Tổng Biên tập Báo Vietnamnet đồng tình và cho biết xu hướng độc giả luôn thay đổi, từ báo in chuyển sang máy tính bàn (PC), từ PC lại chuyển sang máy tính bảng (tablet), từ tablet chuyển sang điện thoại di động... Về nguồn thu với cơ quan báo chí, ông cho biết hiện tại các bên đều phải dịch chuyển sang nguồn thu mới, làm sao để có độc giả trung thành, độc giả dài hạn sẵn sàng bỏ tiền ra để đọc tin tức.
Theo ông Bá, thông qua phân tích dữ liệu độc giả như lượng truy cập, khu vực truy cập…, các cơ quan báo chí có thể biết được độc giả quan tâm gì để lên kế hoạch xây dựng chiến lược nội dung và phát triển sản phẩm phù hợp, từ đó phục vụ độc giả tốt hơn.
Liên quan đến vấn đề này, ông Ngô Đức Kiên - Tổng Biên tập Báo Nghệ An chia sẻ, tuy là tờ báo địa phương nhưng Báo Nghệ An lại có lợi thế trực tiếp bám nắm địa bàn nên mọi thông tin, sự kiện diễn ra trên địa bàn Nghệ An được báo đăng tải đầu tiên. Những thông tin này chủ yếu phục vụ các độc giả trung thành, phần lớn là người Nghệ An ở địa phương và người Nghệ An ở ngoại tỉnh. Đây là lượng độc giả sẽ mang lại giá trị nguồn thu cho tờ báo chứ không phải là độc giả vãng lai.
Trên cơ sở nắm bắt hành trình của độc giả, quan sát xu thế đọc như thế nào, truy cập bao nhiêu tin và đọc tin gì… giúp báo đưa ra các quyết định phát triển sản xuất nội dung, có các kịch bản chăm sóc các đối tượng độc giả và phát triển kinh doanh quảng cáo của báo tốt hơn...