Thị trường tín chỉ carbon đang được kỳ vọng trở thành một trong những công cụ quan trọng giúp Việt Nam hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Không những thế, thị trường carbon còn giúp doanh nghiệp chuyển đổi xanh.
Vậy nhưng hiện nay, việc tiếp cận tài chính của nhiều doanh nghiệp còn rất hạn chế. Một phần do thiếu nguồn tài chính xanh, phần khác doanh nghiệp chưa được phép sử dụng tài sản hình thành từ quá trình chuyển đổi – điển hình tài sản đó là tín chỉ carbon để làm tài sản đảm bảo để tiếp cận vốn vay…
Ông Nguyễn Kim Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, tín chỉ carbon gắn với chuyển đổi xanh đã gần như trở thành yêu cầu tất yếu đối với doanh nghiệp. Tín chỉ carbon đang ngày càng trở thành một công cụ tài chính phổ biến, được nhiều quốc gia phát triển xây dựng thị trường giao dịch sôi động. Việt Nam, với mục tiêu chuyển dịch sang nền kinh tế xanh và cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đang có cơ hội lớn để khai thác tín chỉ carbon không chỉ như một công cụ môi trường mà còn như một tài sản tài chính có giá trị bảo đảm.
Vậy nhưng, theo TS Lê Thị Giang - giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội, việc xác lập giao dịch bảo đảm đối với tín chỉ carbon vẫn chưa có quy định cụ thể trong pháp luật Việt Nam. Đây là điểm nghẽn lớn cần tháo gỡ để loại hình tài sản mới này có thể thực sự tham gia sâu vào thị trường tài chính.
Đồng quan điểm TS Vũ Thị Vân Anh - Trưởng phòng cao cấp khối môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp (ESG) của Công ty TNHH Kpmg cho hay: Chi phí giao dịch tín chỉ carbon ở Việt Nam khá cao. Trung bình chi phí phát triển và xác minh một dự án tín chỉ carbon đạt tiêu chuẩn quốc tế dao động từ 100 - 500.000 USD/dự án, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong việc tìm nguồn vốn. Hiện một số quốc gia trên thế giới công nhận tín chỉ carbon được công nhận là công cụ tài chính giao dịch trên các sàn giao dịch.
Về thực trạng nêu trên, ông Nguyễn Kim Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhận định, hiện ở Việt Nam, xác lập giao dịch bảo đảm đối với tín chỉ carbon chưa có quy định pháp luật cụ thể nên ngân hàng e ngại thực hiện. Chính vì vậy mà ngân hàng có thể gặp khó khăn trong xử lý nợ xấu. Đến nay, tín chỉ carbon đang được xem là tài sản vô hình, không dễ định giá hay thanh lý như tài sản hữu hình. Vẫn theo ông Nguyễn Kim Hùng, Việt Nam không thể sử dụng tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm nếu chưa có thị trường carbon vận hành ổn định, có chuẩn mực rõ ràng và giá trị tín chỉ được thị trường chấp nhận.
Và để chuẩn bị cho việc tín chỉ carbon trở thành một loại tài sản đảm bảo, TS Vũ Thị Vân Anh cho rằng, điều này đòi hỏi việc hoàn thiện khung pháp lý thông qua nghiên cứu và ban hành các quy định cụ thể, làm rõ cơ sở pháp lý cho việc sử dụng tín chỉ carbon làm tài sản đảm bảo.
Còn theo ông Đỗ Giang Nam - thành viên Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), Việt Nam đang xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý đối với tài sản số và tín chỉ carbon. Và việc hoàn thiện khung pháp lý là điều kiện cần thiết để ngân hàng có cơ sở tiếp nhận các tài sản mới làm bảo đảm tín dụng.