Trong nhiều năm gần đây, bên cạnh những vinh danh xứng đáng cho áo dài thì dư luận xã hội cũng nhiều lần “dậy sóng” tranh luận về mặc áo dài.
Nguyên nhân là, một bộ phận giới trẻ đã có những quan điểm, sở thích táo bạo trong cách mặc áo dài, mà vô tình “bỏ qua” các giá trị văn hoá truyền thống, làm mất đi nét đặc sắc riêng của trang phục áo dài.
Định danh, định vị áo dài
Không thể phủ nhận, qua gần 8 thập kỷ, nghệ thuật thiết kế áo dài đã đạt được những thành tựu và tạo nên được những dấu ấn mạnh mẽ trong xã hội cũng như gây được ấn tượng với bạn bè quốc tế. Từ những chiếc áo dài mộc mạc giản dị đã được các nhà thiết kế sáng tạo với nhiều phong cách thiết kế khác nhau đã nên sự đa dạng về kiểu thức cho áo dài.
Giờ đây, áo dài xuất hiện dưới nhiều diện mạo mới về kết cấu, màu sắc và sự phong phú về tính trang trí cũng như sự đa dạng trong môi trường sử dụng. Cùng với đó, áo dài trở thành những bộ lễ phục sang trọng trong các buổi giao lưu văn hóa và là một dạng trang phục không thể thiếu trong các cuộc thi nhan sắc trong nước và quốc tế.
Những thập niên gần đây đã xuất hiện các cuộc thi liên quan trực tiếp đến áo dài như Duyên dáng áo dài, Hoa khôi áo dài Việt Nam, Tà áo dài tôi yêu, Vẽ áo dài trên giấy, Ảnh đẹp áo dài… Ngoài ra trong các cuộc thi sắc đẹp đều có phần thi bắt buộc thí sinh mặc áo dài truyền thống như Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam, Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam, Hoa hậu Đại Dương…
Đặc biệt hơn, áo dài đã trở thành trang phục rất gần với đời sống thường nhật trong nhiều cơ quan hành chính, sinh hoạt, học tập, vui chơi. Điển hình như đồng phục áo dài của Hãng hàng không Vietnam Airlines hay đồng phục của nhiều ngân hàng, trường học…
Chưa kể, áo dài đã được những người nổi tiếng trong ngành giải trí lựa chọn khi tham gia các sự kiện văn hóa trong nước và quốc tế. Thông qua đó, hình ảnh áo dài đã được bạn bè trên thế giới biết đến nhiều hơn…
Chưa dừng ở đó, áo dài còn mang lại những giải thưởng cho các nhà thiết kế. Chính những giải thưởng đó đã truyền cảm hứng cho những nhà thiết kế áo dài trẻ, trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa mặc của người Việt Nam. Mỗi sự kiện giao lưu văn hóa quốc tế là cơ hội cho các nhà thiết kế giới thiệu đến với bạn bè thế giới bộ sưu tập áo dài.
Theo nhà thiết kế Minh Hạnh, chúng ta đang viết tiếp những trang sử về con đường tơ lụa Việt Nam thông qua chiếc áo dài. Những đóng góp của các nhà thiết kế cho chiến dịch áo dài chính là định danh, định vị cho áo dài bằng cơ sở khoa học chứ không phải bằng cảm tính, bằng tình yêu nồng nhiệt vốn có của chúng ta mà quên mất danh vị của áo dài.
Không để lệch nhịp
Bên cạnh những thành tựu đáng tự hào về sự tiếp biến trong nghệ thuật thiết kế áo dài thì hiện nay vẫn còn những hạn chế. Ở đó, một số nhà thiết kế mải mê với những sáng tạo và những xu hướng thời trang trên thế giới mà “hồn nhiên” áp dụng với thiết kế áo dài dẫn đến nhiều tạo hình thiết kế của áo dài bị biến đổi, thậm chí trái ngược với thị hiếu thẩm mỹ dân tộc.
Bên cạnh đó, không ít người thiết kế không hiểu được hết ý nghĩa và giá trị văn hóa, tạo hình của áo dài nên gặp phải những sai lầm và tạo nên những mẫu áo dài cách tân gây phản cảm. Đơn cử, thời quan qua, nhiều mẫu áo dài đã được thiết kế có biến đổi về các yếu tố tạo hình, tuy nhiên không phải yếu tố tạo hình nào biến đổi cũng được xã hội chấp nhận. Đặc biệt như yếu tố hình dáng và kết cấu, những mẫu áo dài có kết cấu không tay, khoét hở lưng hay cắt cúp phần ngực hở vai đã gây ra những ồn ào trong dư luận xã hội.
Bên cạnh các thiết kế thì trong xã hội đang tồn tại những bất cập trong nhận thức, thị hiếu của giới trẻ về văn hoá mặc áo dài. Điển hình cho vấn đề này là sự kiện mặc trang phục được cách tân từ áo dài của giới trẻ vào dịp Tết. Hiện trạng này đã gây ra những tranh luận trên nhiều kênh truyền thông, mạng xã hội về việc xác định đúng giá trị tạo hình, hình dáng, kết cấu, họa tiết hoa văn và đặc biệt là xác định áo dài phối hợp mặc cùng với quần hay với váy xòe ngắn. Đa phần các chuyên gia, nhà nghiên cứu, và các nhà thiết kế đều không đồng ý với cách mặc này.
Trong đó, nhà thiết kế Minh Hạnh cho rằng, chính sự kết hợp mang tính “hưng phấn”, khá lập dị dẫn đến sự biến dạng của áo dài và dĩ nhiên không giữ được vẻ đẹp chính thống của áo dài nữa. Nhà thiết kế Minh Hạnh cùng bày tỏ, những phấn kích mang tính tự phát là do những người mặc hay một số người thiết kế quá dễ dãi trong nghiên cứu, phải chăng là họ chạy theo một thị hiếu thẩm mỹ hời hợt dẫn đến hiện trạng như vậy.
Từ những hạn chế trên cho thấy, với các nhà thiết kế ngoài những sáng tạo cần thấu hiểu để những thiết kế áo dài vừa tôn vinh được thẩm mỹ dân tộc nhưng vẫn phù hợp với thẩm mỹ hiện đại. Vì thế mỗi người trong xã hội, đặc biệt các nhà thiết kế thời trang, thiết kế áo dài cần có một bản lĩnh, một trình độ, nhận thức những giá trị tốt đẹp để tiếp thu và làm giàu thêm bản sắc văn hóa mặc của người Việt.
Cùng với đó, để áo dài không “lệch nhịp” cần có sự chung tay của các cấp, các ngành và các nhà thiết kế áo dài nghiên cứu lựa chọn thiết kế những mẫu áo dài để tạo nên mẫu áo đặc trưng, đại diện nét văn hóa mặc của phụ nữ Việt Nam. Nét đặc trưng đó không chỉ là hình dáng mà còn thể hiện qua màu sắc, chất liệu vải hay hoa văn trang trí, và đạt được giá trị thẩm mỹ truyền thống.