Xã hội

Đề xuất giảm tiền phạt vi phạm nồng độ cồn

H.Vũ 05/08/2024 11:06

Nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất của Bộ Công an về việc hạ thấp mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

anhtren-3.jpg
Đề xuất hạ thấp mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn được nhiều ý kiến đồng tình. Ảnh: T.N.

Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.

Theo đó, Bộ Công an đề xuất hạ thấp mức phạt tiền so với Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP) đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở (mức vi phạm tối thiểu) để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

Cụ thể, đối với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ, xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ điều khiển xe trên đường, Bộ Công an đề xuất mức phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng, thay vì mức phạt 6-8 triệu đồng hiện hành.

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, Bộ Công an đề xuất phạt 400.000-600.000 đồng, thay vì phạt 2-3 triệu đồng như quy định hiện hành. Với xe máy chuyên dùng, Bộ Công an đề xuất phạt 800.000 đồng -1.000.000 đồng, thay vì mức phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng như quy định hiện hành.

Ông Trịnh Xuân An - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội đánh giá, việc Bộ Công an đưa ra đề xuất trên tại thời điểm hiện nay thể hiện sự chủ động, tích cực, hợp lý và nhân văn, có sự lắng nghe dư luận, ý kiến người dân.

Bởi theo ông An, chúng ta đã cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông (tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ) thì mức độ xử phạt nên có sự phân biệt. Nồng độ cao thì vẫn phạt cao, còn nồng độ thấp thì nên phạt thấp để người dân không cảm thấy căng thẳng.

“Ví dụ mức tiền xử phạt và thời gian thu bằng lái có thể giảm xuống để người dân có ý thức, chứ không phải để cho người dân không còn cơ hội kinh doanh, làm ăn khi bị tịch thu bằng lái đến 24 tháng” - ông An nói.

Là người từng thẩm tra Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ông An phân tích: Chúng ta không cổ suý cho việc sử dụng rượu, bia trong tham gia giao thông. Nhưng xử phạt cũng phải phù hợp với tình hình thực tiễn, tránh tạo tâm lý căng thẳng. Như lâu nay đang “áp” cao quá, rồi thu bằng lái tới 24 tháng. Khi đã đưa nồng độ cồn bằng 0 thì cần phân biệt trong các mức xử phạt.

“Nồng độ cao thậm chí còn bị xử lý hình sự nếu gây ra hậu quả. Rượu, bia uống từ hôm trước nhưng hôm sau chắc chắn nồng độ sẽ thấp hơn thì về nguyên tắc xử phạt sẽ phải thấp đi. Đôi khi không phải cứ biện pháp mạnh và nặng đã là hay. Nó phải có nhiều mức độ để dần dần trở thành nét văn hoá không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Đề xuất trên là hợp lý, không tạo sự căng thẳng và tiêu cực” - ông An nêu.

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng đồng tình với đề xuất của Bộ Công an và cho rằng quy định như vậy là “hợp lý và phù hợp”. Ông Quyền phân tích: Những người vi phạm ở mức nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở thì tính nguy hiểm đối với xã hội không cao. Đặc biệt, số người vi phạm ở mức đó có rất nhiều lý do. Có người uống 1 lon bia sau 3-4h là đào thải hết, nhưng có người do thể trạng có khi sau 3-4h vẫn chưa đào thải hết nên vẫn có nồng độ cồn trong máu, khí thở nhưng ở mức độ thấp. Ở mức 50 miligam/100 mililit máu, hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở có rất nhiều nguyên nhân khác nhau chứ không phải cố tình vi phạm. Do đó, việc điều chỉnh mức phạt xuống là phù hợp, hợp lý với thực tế xã hội hiện nay.

“Đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Mức phạt cao quá là không phù hợp với hoàn cảnh thực tế xã hội hiện nay. Bên cạnh đó còn dẫn đến hệ quả là với mức phạt cao thì người sử dụng xe máy giá trị thấp sẵn sàng bỏ xe khi tiền phạt cao hơn giá trị của chiếc xe. Hiện các bãi trông giữ xe vi phạm đang quá tải, không xử lý giải quyết được sẽ gây lãng phí cho xã hội. Cho nên việc giảm mức phạt là hợp lý và hợp lòng dân” - ông Quyền chia sẻ.

Ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, đề xuất giảm mức phạt tiền đối với mức vi phạm nồng độ cồn thấp nhất của Bộ Công an là hợp lý, nhân văn, và phù hợp với thực tiễn cuộc sống của người dân hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề xuất giảm tiền phạt vi phạm nồng độ cồn