Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học 2018. Điểm đáng chú ý của dự thảo là đề xuất kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư, giảng viên có trình độ tiến sĩ đã tới tuổi nghỉ hưu.
Dự thảo nêu rõ, giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học (ĐH) được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu, tự nguyện xin kéo dài thời gian làm việc và được cơ sở giáo dục ĐH chấp nhận. Thời gian kéo dài với giảng viên thuộc đối tượng quy định trên do cơ sở giáo dục ĐH quyết định căn cứ theo quy định hiện hành.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho rằng quy định về tuổi nghỉ hưu đối với giảng viên ĐH cần mở hơn, tùy thuộc vào nguyện vọng, tình hình sức khỏe của giảng viên và nhu cầu của cơ sở giáo dục ĐH. Tuy nhiên, để không làm mất đi cơ hội của lớp trẻ thì đi kèm theo đó là những điều kiện nhất định.
Cụ thể, khi đến tuổi hưu, giảng viên còn sức khỏe và có thể công tác thì cứ nghỉ hưu theo đúng quy định. Sau đó, nếu muốn tiếp tục giảng dạy và đủ điều kiện sẽ ký hợp đồng lao động với cơ sở giáo dục ĐH theo luật hiện hành. Cần phân biệt rõ, chỉ nên kéo dài tuổi nghỉ hưu chứ không nên kéo dài biên chế nhà nước.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2019 Việt Nam có 73.312 giảng viên, công tác tại 237 trường ĐH, học viện, 37 viện nghiên cứu khoa học, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm. Trong đó, gần 21.000 giảng viên có trình độ tiến sĩ, chiếm tỷ lệ hơn 28%, hơn 44.700 giảng viên có trình độ thạc sĩ chiếm tỷ lệ 60,9%. Con số này tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2005 với 12% giảng viên có trình độ tiến sĩ và 32% giảng viên trình độ thạc sĩ.
Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn rất thấp so với khu vực và thế giới. Vì vậy, nếu đề xuất này được hiện thực hóa sẽ góp phần bổ sung cho nhu cầu nhân lực, đội ngũ giảng dạy trong cơ sở giáo dục ĐH.
Đây là đội ngũ những người có tri thức, trình độ đã được khẳng định. Sau thời gian dài giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong nhà trường càng tích lũy thêm bề dày kiến thức và kinh nghiệm nên nếu tiếp tục được cống hiến trong ngành giáo dục, trực tiếp hướng dẫn, dìu dắt sinh viên thì sẽ rất có lợi cho thế hệ trẻ.
Đặc biệt, không chỉ có lợi về mặt chuyên môn, nhiều ý kiến cũng chỉ ra việc giữ được đội ngũ thầy cô có uy tín và thương hiệu này còn góp phần tăng uy tín khoa học để thu hút, tập hợp, xây dựng các nhóm nghiên cứu khoa học mạnh trong các nhà trường.
Đội ngũ trí thức có trình độ cao không thể đào tạo ngày một, ngày hai có được nên đề xuất kéo dài thời gian làm việc đối với những giảng viên đủ điều kiện như trên đang nhận được sự ủng hộ lớn của dư luận. Trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu, trong đó đối tượng giáo viên làm việc trong điều kiện bình thường sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình từ năm 2021. Bên cạnh đó, giáo viên cũng có thể về hưu trước tuổi nếu thuộc một trong những đối tượng như: Giáo viên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giáo viên bị suy giảm khả năng lao động…