Thời điểm hiện tại, cả 2 thành phố lớn là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều đề xuất không tăng học phí năm học 2020-2021.
Cụ thể, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký tờ trình gửi HĐND TP đề xuất không tăng mức thu học phí đối với cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập năm học 2020-2021, giữ nguyên như năm học 2019-2020.
Năm học 2019-2020, Hà Nội áp dụng mức thu học phí nhà trẻ, mẫu giáo (không bao gồm trẻ em mầm non 5 tuổi), THPT, giáo dục thường xuyên cấp THPT là 217.000 đồng/tháng/học sinh (HS) ở địa bàn thành thị - các phường, thị trấn; 95.000 đồng/tháng/HS ở khu vực nông thôn - các xã; 24.000 đồng/tháng/HS ở các xã miền núi.
Với HS mầm non 5 tuổi, THCS, giáo dục thường xuyên cấp THCS, TP Hà Nội áp dụng mức thu 155.000 đồng/tháng/HS ở địa bàn thành thị - các phường, thị trấn; 75.000 đồng/tháng/HS ở khu vực nông thôn - các xã; 19.000 đồng/tháng/HS ở các xã miền núi.
Các đối tượng HS thuộc hộ nghèo, cận nghèo, HS diện chính sách không bị ảnh hưởng vì các đối tượng này đã được hưởng chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định.
Tờ trình của UBND TP Hà Nội cho biết, năm học 2019-2020 do tác động bởi dịch Covid-19, HS phải nghỉ học dẫn đến tổng số thu từ học phí dự kiến không đạt so với dự toán thu. Việc đề nghị giữ nguyên mức thu học phí năm học 2020-2021 nhằm chia sẻ khó khăn của cha mẹ HS, phù hợp với chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với người lao động tự do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, đồng thời mức học phí này cũng phù hợp với khả năng chi trả của người dân.
Do không tăng học phí ở các cấp học theo lộ trình nên ngân sách TP phải đảm bảo tương ứng khoảng 198,891 tỷ đồng. Kinh phí thực hiện chế độ miễn giảm học phí khoảng 20,533 tỷ đồng.
Tại TP Hồ Chí Minh, Sở GDĐT cũng vừa có báo cáo gửi UBND TP đưa ra đề xuất giữ nguyên học phí năm học 2020-2021 như các năm học trước ở tất cả các bậc học. Thời gian thực hiện từ tháng 9/2020, áp dụng 9 tháng/năm học.
Hiện tại mức thu học phí (đối với giáo dục mầm non và phổ thông) đang áp dụng theo Nghị định 86 của Chính phủ đối với các bậc học trên địa bàn thành phố là phù hợp với tình hình thực tế đời sống xã hội.
Cụ thể, học phí quy định theo 2 nhóm như sau: Nhóm 1 bao gồm 19 quận: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức và Bình Tân. Mức học phí mỗi tháng của nhà trẻ là 200.000 đồng; mẫu giáo 160.000 đồng; tiểu học không thu; THCS 60.000 đồng và bổ túc THCS cùng mức 60.000 đồng; THPT và bổ túc THPT 120.000 đồng.
Nhóm 2 gồm 5 huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ. Mức học phí mỗi tháng của nhà trẻ là 120.000 đồng; mẫu giáo 100.000 đồng; tiểu học không thu; THCS và bổ túc THCS đều 30.000 đồng; THPT và bổ túc THPT 100.000 đồng.
Từ ngày 1/7, học sinh mầm non 5 tuổi vùng khó khăn được miễn học phí
Theo Luật Giáo dục sửa đổi (2019), bắt đầu từ tháng 7/2020, học sinh mầm non 5 tuổi ở khu vực khó khăn sẽ được miễn học phí giống như học sinh bậc tiểu học. Khoản 4, Điều 99 của Luật quy định bổ sung đối tượng được miễn học phí là trẻ em mầm non 5 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo. Trước đó, theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ, chỉ học sinh tiểu học trường công lập được miễn học phí.
Ngoài điểm mới miễn học phí cho học sinh mầm non 5 tuổi khu vực khó khăn, tại khoản 5, Điều 99 của Luật Giáo dục sửa đổi cũng quy định “trẻ em mầm non 5 tuổi không thuộc đối tượng quy định tại khoản 4 Điều này và học sinh THCS được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định.”
Luật cũng quy định ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí. Mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quyết định.