Xã hội

Đề xuất mở rộng nhiều đối tượng được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế

Lê Bảo 29/10/2024 10:04

Cho ý kiến vào dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất bổ sung thêm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế. Nếu đề xuất này được thông qua, sẽ có nhiều người dân được thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế, được chăm sóc sức khỏe khi không may rủi ro ốm đau, bệnh tật.

Anh bai tren
Người cao tuổi kiểm tra sức khỏe định kỳ bằng bảo hiểm y tế. Ảnh: Ngọc Yến.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, Luật Bảo hiểm y tế 2008 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2009, sau 15 năm triển khai đã thực sự đi vào cuộc sống. Đến nay, toàn quốc đã có hơn 93,3 triệu người, tương ứng 93,35% dân số tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT). Điều này khẳng định tính đúng đắn, phù hợp của chính sách BHYT theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro.

Đây là cơ chế bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh như: Đối tượng tham gia; phạm vi được hưởng; đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến; hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT; giám định BHYT; quản lý, sử dụng Quỹ BHYT…

Vì vậy, với vai trò là cơ quan trực tiếp thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đề xuất nhiều giải pháp sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT. Cụ thể, đề xuất bổ sung vào dự thảo Luật BHYT các nhóm đối tượng sau: Người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ được ngân sách nhà nước đóng BHYT; Người dân tộc thiểu số thoát khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng BHYT, thời gian hỗ trợ 3 năm. Nạn nhân bom mìn, vật nổ sau chiến tranh; Người thuộc hộ gia đình thoát nghèo; Người cao tuổi từ đủ 65 tuổi trở lên đến dưới 75 tuổi được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT.

Đề xuất bổ sung quy định người dân sinh sống tại các xã an toàn khu cách mạng và các xã trọng điểm về quốc phòng được ngân sách nhà nước đóng BHYT cũng là một trong kiến nghị được các Đại biểu Quốc hội kiến nghị khi cho ý kiến về Dự thảo Luật BHYT. Theo đó, về đối tượng tham gia BHYT tại khoản 4, Điều 12, các đại biểu đều đồng tình với việc dự thảo luật đã bổ sung đối tượng “người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn mà các xã này được xác định không còn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT. Mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ đóng BHYT theo quy định của Chính phủ”.

Thực hiện Quyết định 861 về phê duyệt các xã khu vực I, II, III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì giai đoạn 2021 - 2025 có khoảng 5,3 triệu người không được ngân sách nhà nước đóng BHYT, trong đó khoảng 3,6 triệu người dân tộc thiểu số không có BHYT. Tuy nhiên từ phản ánh của các địa phương về những khó khăn trong việc mở rộng độ bao phủ tham gia BHYT của những đối tượng này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2023 ngày 19/10/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018 ngày 17/10/2018 của Chính phủ (Nghị định số 75) để bảo đảm duy trì bền vững đối tượng tham gia. Theo đó, đã có 1,5 triệu người được cấp thẻ BHYT do ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng.

Tuy nhiên, theo Nghị định 75 thì đối tượng trên cũng chỉ được hỗ trợ trong thời gian 36 tháng, tức là đến tháng 11/2026 sẽ không còn được hỗ trợ nữa. Và tới đây dự kiến có khoảng 600.000 người dân tộc thiểu số thoát khỏi vùng II, III trong giai đoạn tiếp theo, như vậy có khoảng 2,1 triệu người dân tộc thiểu số sẽ không được hỗ trợ chính sách BHYT. Vì vậy, việc bổ sung thêm đối tượng được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT là cần thiết.

Cùng với đề xuất mở rộng đối tượng được hỗ trợ mua thẻ BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung khái niệm, nội dung giám định BHYT. Đồng thời, cho phép người bệnh mắc một số bệnh nặng, hiểm nghèo được điều trị trái tuyến, không cần giấy chuyển viện; thanh toán BHYT đối với các trường hợp điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt cho người dưới 18 tuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề xuất mở rộng nhiều đối tượng được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế