Đây là đề xuất của ông Nguyễn Văn Liệu- Giám đốc Công ty cổ phần AIC Hà Nội tại hội thảo góp ý cho dự án Luật đấu giá tài sản Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổ chức ngày 11/10.
Theo ông Nguyễn Văn Liệu, một trong những nội dung mới Ban soạn thảo đề xuất là qui định người tham gia đấu giá phải nộp một khoản tiền đặt cọc đến 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá, thay cho mức từ 10 đến 15% được quy định trong các văn bản hiện hành. Việc nâng mức tiền đặt trước nhằm nâng cao chất lượng cuộc đấu giá, hạn chế tình trạng đối tượng tham gia đấu giá ảo với mục đích trục lợi, gây khó khăn cho cuộc đấu giá.
Tuy nhiên, riêng đối với đấu giá đất, đang xuất hiện tình trạng một số đối tượng tham gia đăng ký đấu giá với khối lượng thửa đất lớn, kèm với đó là bỏ thầu giá đất thật cao. Khi trúng đấu giá, các đối tượng này lại bỏ tiền cọc, không mua nữa. Các quận, huyện cho rằng, chiêu thức này nhằm mục đích nâng giá đất trong khu vực đấu giá để trục lợi, gây “nhiễu” cho công tác quản lý và kế hoạch đấu giá đất. Vì vậy, cần nâng mức đặt cọc lên 30% để ngăn chặn chiêu lách luật trên.
Ngoài nội dung trên, dự án Luật đấu giá tài sản quy định, trong quy trình đấu giá tài sản, ngoài đấu giá lên (áp dụng với tài sản nhà nước), có thể có đấu giá xuống với một số loại hàng hóa do tư nhân sở hữu, đại diện Sở Tài chính cho rằng đây là quy định bất hợp lý, đánh đồng đấu giá tài sản với đấu thầu.
Phó giám đốc Trung tâm đấu giá Hà Nội Trần Mai Long lại nêu quan điểm ủng hộ,. "Người Việt Nam có tâm lý thích mặc cả, đấu giá xuống hay đấu giá lên là do sự thỏa thuận giữa các các tổ chức, cá nhân có tài sản và người có nhu cầu. Vì vậy, cần tôn trọng ý chí , nguyện vọng của các bên. "- ông Long nói