Được xem là loại hình sân khấu dân tộc độc đáo, tuy nhiên giới trẻ tìm đến cải lương không nhiều. Lí giải điều này, NSƯT Triệu Trung Kiên - Phó giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho rằng: Lớp trẻ thường thích những cái gì đánh vào giác quan trực tiếp, đánh vào sự thích thú. Với tính chất đấy thì họ ít đến với sân khấu. Cho nên khi hướng đến họ mình phải có một cách riêng, làm sao vừa hoàn thành nhiệm vụ của văn học nghệ thuật (đem đến những bài học rất sâu sắc về cuộc sống, về nhân sinh quan, con người) vừa đáp ứng được giới trẻ.
NSƯT Triệu Trung Kiên.
Là người gắn bó với cải lương từ rất lâu rồi, anh đánh giá như thế nào về tình hình sân khấu cải lương hiện nay? Thời gian gần đây khán giả đến với cải lương có nhiều không?
- Nhắc đến cải lương nhiều người định kiến, không thích. Làm cho khán giả thích cải lương, thậm chí tôi từng cho là điều không tưởng. Có những giai đoạn cải lương có nguy cơ có thể bị thoái trào thực sự. Phát giấy mời cũng chẳng thấy khán giả đâu. Nhưng chúng tôi vẫn đang cố chứng minh ngược lại điều đó. Chứng minh rằng sân khấu cải lương đang đủ sức sống.
Để chứng minh được điều đó phải là sự nỗ lực ghê gớm. Sáng tạo nghệ thuật không có giới hạn. Nó là một chặng đường đã trải qua, và sẽ còn nhiều chặng đường như thế nữa. Cải lương muôn hình vạn trạng, biến đổi thân xác theo bất cứ điều kiện nào. Có thể thích ứng, diễn biến không giới hạn, chắc chắn sẽ có mảng khán giả bị thuyết phục.
Để lôi kéo người xem đến với cải lương cũng cần cả một quá trình. Tức là người ta phải biết được rằng đạo diễn này đã từng dàn dựng vở diễn này, nhà hát này đã từng dàn dựng vở này hay lắm… thì người ta mới đến. Khi người ta đến rồi cũng cần phải giữ chân lại. Cái gì cũng cần có một thương hiệu. Nghệ thuật cần một thương hiệu, và cải lương cũng cần thương hiệu.
May mắn, một số vở diễn của tôi được xã hội hóa 1 phần, đã tạo điều kiện cho tôi thỏa sức bay bổng. Đó là niềm mơ ước lớn cho một người đạo diễn sân khấu. Cũng có một số vở diễn được truyền hình phát sóng. Hay người xem up lên youtube, mặc dù không xin ý kiến nhưng lúc đó mình chỉ nghĩ như vậy cũng tốt, hàng nghìn khán giả khắp nơi đã được xem tác phẩm. Càng nhiều khán giả thưởng thức càng tốt.
Theo anh, có nhiều khán giả trẻ quan tâm tới cải lương không?
- Mục đích đem cải lương đến gần lớp trẻ là có. Lớp trẻ là lớp khán giả rất cần phải lôi cuốn. Nhưng để thuyết phục người trẻ xem cải lương là rất khó. Hơn nữa lại là thuyết phục họ sẵn lòng xem một vở diễn lịch sử dân tộc. Thành ra chinh phục họ là cái cần làm. Tuy nhiên lớp trẻ thường thích những cái gì đánh vào trực tiếp, đánh vào giác quan trực tiếp, đánh vào sự thích thú. Với tính chất đấy, họ đến với sân khấu sẽ không nhiều. Trong khi đó sân khấu lại là những bài học rất sâu sắc về cuộc sống, về nhân sinh quan, con người. Cho nên khi hướng đến họ mình phải có một cách riêng, làm sao vừa hoàn thành nhiệm vụ của văn học nghệ thuật vừa đáp ứng được giới trẻ. Vở Mê cung, Chuyện tình Khau Vai hay Hừng Đông… đã làm được điều đó. Trong các tác phẩm tiếp theo, mình vẫn muốn có những tác phẩm hướng đến giới trẻ.
Vậy còn người trẻ tham gia hoạt động sân khấu cải lương thì sao, thưa anh?
- Lớp trẻ theo nghề còn rất ít. Tài năng của cải lương rất ít. Trong số đó đầu tiên phải làm nghề đã sau mới học lên đạo diễn. Nhưng lứa trẻ không được nhiều. Các đoàn tỉnh thiếu trầm trọng diễn viên. Lực lượng sáng tác còn hiếm hơn. Đấy cũng là điều chúng tôi lo ngại.
Trong các vở cải lương do anh đạo diễn, hình như có số lượng lớn các vở mang đề tài lịch sử?Có phải đề tài này thu hút người xem hơn không?
- Nghệ thuật có rất nhiều đề tài. Quan trọng là bản thân đề tài đó có hấp dẫn hay không, chứ không cứ phải là đề tài lịch sử. Nhưng khi đề cập đến lịch sử thì có vẻ như nó sẽ tạo được sức hút hơn những câu chuyện hàng ngày. Vì câu chuyện hàng ngày thì dù sao ta cũng đã nhìn thấy đâu đó trong cuộc sống của chúng ta. Còn câu chuyện lịch sử thì có xa hơn. Hơn nữa, trong sử có sức hút nhất định của mảng dã sử lịch sử. Ở Việt Nam chưa có nhiều tác phẩm hay về đề tài dã sử lịch sữ. Nó vừa là đề tài nghệ thuật vừa là bài học lịch sử giáo dục cho nhân dân của mình, thành ra khi làm vở lịch sử cũng có nhiều cái được. Nếu như dựng được một vở lịch sử hay, thì đó là mục đích, là cái đáng để làm. Dựng vở lịch sử sẽ khó hơn những vở hiện đại. Những gì diễn ra xung quanh thì ta đã có trong tay nhưng về lịch sử thì ta phải mất công tìm kiếm, nghiên cứu, sưu tầm. có khi sưu tầm còn không có. Chúng ta lại phải dùng thủ pháp hư cấu lịch sử. sẽ là giả thuyết, khả năng diễn ra ta có thể vá vào mảng lịch sử bị thiếu hụt. Nhưng phải phục dựng câu chuyện một cách thuyết phục để người ta tin, đồng tình vào vở diễn. Giống như người ta phục dựng khảo cổ vậy. Đó thật sự là quá trình rất cần sự đầu tư tâm huyết và đầy lý thú.
Chắc hẳn anh còn nhiều điều trăn trở với cải lương?
- Trăn trở còn nhiều. Một nghệ sĩ gắn bó với nghệ thuật vì mục đích gì? Đầu tiên là say mê. Thế thì là một phần của cuộc đời họ. Khi làm thì phải làm thế nào? Ai cũng có khát khao phải làm thế nào để nghệ thuật của mình được thăng hoa, nghề nghiệp của mình thăng hoa. Bản thân tôi yêu cải lương từ đầu. Và ngay từ lúc đầu tiên đã có hoài bão lớn, rằng mình phải làm điều gì đó lớn lao cho nghề nghiệp. Những việc mình đang làm đều trong quá trình ấy cả. Làm thế nào cho nghề của mình được thăng hoa, được phát triển, chiếm lĩnh được vị trí trang trọng trong đời sống xã hội.
Chặng đường ấy vẫn còn rất nhiều những khó khăn?
- Tôi đã đi được nửa chặng đường rồi. Nhưng còn đó muôn vàn khó khăn. Như tôi nói đó, trước hết là sự ghẻ lạnh của khán giả. Bên cạnh đó, kinh tế là một khó khăn lớn nữa. Nên nghệ sĩ sân khấu cải lương không bao giờ giàu được.
Tình hình chung của sân khấu hiện nay là bán vé rất khó, nhất là ở miền Bắc. Chi phí quá cao. Thuê một cái màn hình đã mấy chục triệu, kinh phí cho diễn viên… Để bán vé thu lại thì rất khó, nên phải tìm được nguồn kinh phí vận hành.
Nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế. Có những vở diễn cải lương bản thân mình mình còn không xem được. Nói như vậy không có nghĩa mình phủ định đồng nghiệp, nhưng một bộ phận đang làm cho cải lương chết dần chết mòn. Đấy cũng là một khó khăn. Người đẩy thì ít người làm trì trệ thì nhiều. Sẽ rất khó có thể đẩy cả một đoàn tàu còn có sức ì quá lớn. Tất cả phải cùng đồng tâm nhất trí thì mới tốt lên được. Có lẽ cũng phải để quy luật xã hội tự đào thải, cái nào tồn tại được cái nào không. Tôi vẫn sẽ cố gắng hết sức trong khả năng của mình.
Trân trọng cảm ơn anh!
* Một số vở cái lương do NSƯT Triệu Trung Kiên đạo diễn như: Chuyện tình Khau Vai, Công chúa Ngọc Hân, Mê Cung, Mai Hắc Đế, Hừng Đông, Thầy Ba Đợi… Mới đây, anh cùng một số đồng nghiệp đã cho ra mắt sân khấu cải lương tư nhân mang tên “Đại Việt” tại TP HCM. Đây là nơi giới thiệu tới khán giả các vở cải lương hấp dẫn, hứa hẹn sẽ lôi kéo được nhiều khán giả tới rạp.