Lâu nay, cảnh thường gặp tại đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) là các lò hóa sớ luôn rực lửa, người dân xếp hàng cùng từng mâm lễ tiền vàng, đồ mã cao đồ sộ. Tuy nhiên, tới nay tình trạng đó đã giảm hẳn.
Người đi lễ đền Bà Chúa Kho trong hai ngày cuối tuần.
Từ tín ngưỡng của người dân...
Tại đền Bà Chúa Kho trong hai ngày cuối tuần giữa tháng 3, vẫn diễn ra cảnh hàng nghìn người chen nhau nô nức đi lễ bái.
Gia đình nào cũng sửa soạn lễ vật thật chu đáo với gà luộc, hoa quả và quan trọng nhất là phải có “tiền vàng mã” thành tâm dâng lên Bà Chúa với hi vọng được ban lộc rơi lộc vãi cùng một năm thành công, may mắn cho cả gia đình.
Lặn lội từ tận trong Nam ra Bắc, có mặt tại đền Bà Chúa Kho từ khá sớm, vợ chồng ông Bạch Ngọc Hải- trú tại Quận 2 TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc lễ bái là nhu cầu của người dân, với tâm lý “đầu năm vay, cuối năm trả nợ” nên việc đốt vàng mã là điều không thể tránh khỏi, đối với những người từ phương xa tới như gia đình ông lại càng cần thiết.
“Tôi nghĩ đã đi lễ là phải đốt, có như vậy mới mong trả được hết nợ cho thần linh chứ không nên giữ lại. Tại sao cứ phải nhập kho trong khi chỉ tập trung đốt vài phút là xong. Tuy nhiên, với sự giải thích của các cụ cao tuổi trong đền, tôi mới hiểu lễ bái là thành tâm, cũng không nên hình thành suy nghĩ phải đốt cho hết, cúng cho sang mới thể hiện lòng thánh kính. Bởi vậy năm nay vợ chồng tôi chỉ soạn lễ vừa phải để cúng tại đền, sau đó chỉ mang một chút ít tiền vàng ra hóa cho đúng nghi thức thôi”- ông Hải nói.
Bên cạnh đó là tình trạng nhiều chủ cửa hàng bán đồ lễ lợi dụng việc tín ngưỡng của người dân để thực hiện hành vi trục lợi diễn ra khá phổ biến.
Họ khuyên du khách phải mua lễ thật to, thật đầy mới đúng. Dẫn đến việc có những lễ lên tới vài triệu đồng trong khi nguyên liệu chỉ hoàn toàn làm bằng giấy và tre là vô lý.
Những năm gần đây, từ thực tế đốt vàng mã nhiều, nên Bộ VHTTDL và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản đề nghị người dân khi tham gia lễ hội, tham quan các di tích cần hạn chế đốt vàng mã để đảm bảo cảnh quan, môi trường và sự tôn nghiêm vốn có cho các khu di tích.
Đến tuyên truyền, nhắc nhở
Công tác tuyên tuyền vận động người đi lễ ít đốt vàng mã những ngày đầu gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Dũng- đại diện BQL di tích cho biết: Những ngày đầu tuyên truyền, nhắc nhở, nhiều người dân cũng tỏ ra không hợp tác, họ nói rất khó nghe, điển hình như đã đi lễ là phải đốt, không đốt là không được.
Trước tình hình đó, BQL đã vào cuộc cùng với công tác tuyên truyền, vận động và nhắc nhở, sau hai năm đã có những thành công bước đầu như ngày hôm nay. Dần dần, ý thức của người bán cũng như người đi lễ đều được nâng cao hơn.
Có một thực tế, so với những tồn tại của những năm trước với hiện tượng đốt vàng mã quá nhiều, những đống vàng mã chất cao chót vót cùng cảnh người dân chen nhau “hóa tiền” nay đã không còn tại khu vực di tích.
Ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, từ cổng vào cho tới không gian chính của đền Bà Chúa Kho những ngày qua, hiện tượng mời chào mua lễ to, lễ lớn đã giảm hẳn.
Tuy vẫn còn những người dân loay hoay với lễ vật vẫn tiếp tục. Nhưng đặc biệt, tại khu vực nhà hóa đã không còn đông đúc như mọi năm.
Theo chia sẻ của chính những nhân viên dọn vệ sinh khu vực đốt vàng mã, tình trạng hóa tràn lan như mọi năm nay đã giảm đi rất nhiều, vì hầu hết mã có tại đền đều được cho nhập kho.
Mỗi người chỉ nhận lại một chút lộc rơi, lộc vãi nên cảnh khói nghi ngút và người dân chen nhau đốt tiền vàng như mọi năm đã giảm đi đáng kể.
Ông Nguyễn Văn Dũng cũng cho biết: Trong hai năm qua, cán bộ và nhân dân khu vực di tích chỉ sử dụng phương pháp tuyên truyền vận động là chính, chứ không cấm đoán.
Trên các lò hóa vàng đều treo biển hướng dẫn người dân “hạn chế đốt vàng mã”. Bên cạnh đó, chúng tôi có cử một số cụ có uy tín trong khu vực trực tiếp nói với tính chất động viên du khách chỉ nên đốt tiền vàng, còn mã thì cho nhập kho là chủ yếu.
Từ khi có chỉ đạo tuyên truyền vận động cho tới nay nhìn chung việc đốt vàng mã đã giảm đi gần một nửa so với thời gian trước.
Thực tế cho thấy, ý thức của người dân đã thay đổi, cả người bán và người mua đều chấp nhận.