Từ nhiều năm nay, đền thờ đức Trần Triều thuộc Đội 5 Phúc Lộc, xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội đã bị xuống cấp một cách nghiêm trọng. Mỗi mùa mưa về, gió bão rung lắc khiến nhiều chỗ trong ngôi đình bị thấm nước làm cho dột nặng, hư hại, một số hạng mục trong khu nội tự cũng xuống cấp trầm trọng, rất nguy hiểm và có nguy cơ bị sập bất cứ lúc nào.
Đền thờ đức Trần Triều đang xuống cấp. (Ảnh: Vũ Phúc).
Nỗi niềm di sản
Theo ông Nguyễn Tiến Doanh- người được giao trông nom ngôi đền từ nhiều năm nay: trước đây ngôi đình có diện tích rất rộng, khoảng 1.000m2. Nhưng hiện tại, đình đã bị “chia năm sẻ bảy” chỉ còn vẻn vẹn một phần làm nơi thờ tự. Nguyên nhân là, từ năm 1987 trở lại đây, các thành viên trong gia đình ông Doanh, những người có quyền lợi liên quan, đại diện nội tộc đã chia khu du tích làm 4 phần, trong đó 3 phần được các hộ sử dụng làm nhà ở, làm vườn cây. Lo ngại việc phân chia này sẽ ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của cả ngôi đền, ông Doanh đã đích thân làm đơn đề nghị, kiến nghị lên UBND xã và các cơ quan chức năng can thiệp, trả lại toàn bộ phần đất các hộ đang sử dụng cho di tích. Nhưng trong cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm do TAND huyện Mỹ Đức và TAND tỉnh Hà Tây tuyên vào năm 2000 đã công nhận 3 phần đất các hộ đã ở nói trên.
Chúng tôi đã tìm đến nhà ông Nguyễn Tiến Doanh. Ông Doanh mở cửa đón khách, sốt sắng nói về ngôi đình với vẻ đầy lo lắng. Ông cho biết, đền thờ Đức Thánh được xây dựng từ hàng trăm năm nay, kiến trúc theo hình chữ “nhị” bao gồm gian tiền tế và nhà hậu cung. Người dựng lên ngôi đền là đốc học Bắc Giang Trần Xuân Thiều. Bấy giờ, để tỏ lòng tri ân với tiền nhân, ông Trần Xuân Thiều đã cho dựng ngôi đền để thể hiện tấm lòng của con cháu đối với Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và danh tướng Phạm Ngũ Lão đã có công lớn trong công cuộc đánh giặc cứu nước, an dân, bảo vệ bờ cõi xã tắc. Hiện nay, trong ngôi đền vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như sắc phong, tượng thờ, hoành phi, câu đối.
Nhận thấy đây là một ngôi đền chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hoá, tâm linh tín ngưỡng, nên ngày 10/1/2003, UBND tỉnh Hà Tây cũ (nay là TP Hà Nội) đã có Quyết định số 47-QĐ/UBND về việc công nhận xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cho đền Đức Trần Triều. Bước qua cảnh cổng nhỏ, trực tiếp “mục sở thị” ngôi cổ tự, chúng tôi nhanh chóng nhận ra nhiều hạng mục đã bị xuống cấp. Chẳng hạn khu mặt tiền đến bị nay đã bị bong tróc, vôi vữa tả tơi; nhiều chỗ thủng lớn; mái đền bị võng. Hai phía giáp cửa của khu gian tiền tế, bức tường đầu hồi bị nứt lớn, dột nát, ẩm mốc, đặc biệt vòm cuốn liên kết giữa các gian đã bị nứt, bị gãy, không đủ sức chống đỡ cho toàn bộ ngôi đền.
Ông Doanh cho biết, sau khi xếp hạng, được sự hỗ trợ của UBND tỉnh Hà Tây (20 triệu đồng) và UBND xã Phù Lưu Tế, dòng họ cùng con cháu ông Doanh (công đức khoảng 100 triệu đồng), di tích đã được phục dựng, tôn tạo trên cơ sở giữ nguyên trạng. Tuy nhiên từ đó đến nay, đền không được trùng tu nên tiếp tục xuống cấp. “Từ nhiều năm nay, chẳng ngày nào tôi được ngủ yên giấc, cứ thấp thỏm lo lắng ngôi đền bị sập bất cứ lúc nào. Hơn nữa, đình nằm cạnh đường, xe cộ qua lại chạy ầm ào, khiến cho mái vòm cuốn rung mạnh.
Hệ thống vòm cuốn trong ngôi đền bị nứt, đứt gãy nhiều chỗ, không đủ sức chống đỡ.
Mong đợi ngậm ngùi
Từ năm 2000 đến nay, ông Doanh liên tục có đơn gửi đến các cơ quan có thẩm quyền để nghị xem xét lại bản án, trả lại nguyên trạng đất cho toàn bộ khu di tích, nhưng đến nay vẫn “bặt vô âm tín”. Điều đáng nói là bây giờ đã có 3 thửa trong khuôn viên đền cũ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trong khi đó, theo như văn bản trả lời của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Mỹ Đức, từ khi 2 bản án có hiệu lực đến nay, cơ quan này chưa ban hành bất cứ quyết định nào liên quan theo đơn yêu cầu của các bên liên quan đến vụ việc. Vì thế có thể thấy việc phân chia tài sản theo bản án chưa được thực hiện. Nhưng khi trao đổi với phóng viên về căn cứ cấp sổ đỏ cho 3 thửa đất trong khuôn viên đền cũ, một vị lãnh đạo xã Phù Lưu Tế cho biết: Căn cứ vào bản án phúc thẩm đã tuyên và hồ sơ xin cấp sổ đỏ của các hộ, UBND xã đã hoàn thiện hồ sơ trình UBND huyện cấp theo quy định.
Được biết, UBND TP Hà Nội cũng đã có Công văn số 3894/UBND-TKBT do Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung ký. Nội dung công văn giao Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức kiểm tra, đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo Thành ủy, UBND TP Hà Nội trước ngày 25/8/2017.