Theo ý kiến chuyên gia, kiểm tra miệng không nhất thiết phải cho điểm, thay vào đó là kiểm tra kết hợp gợi nhớ lại kiến thức đã học, từ đó khai thác những hiểu biết của học sinh, phục vụ cho bải giảng mới.
Ám ảnh kiểm tra miệng bất chợt
Đề nghị giáo viên không kiểm tra miệng đầu giờ theo kiểu “kêu bất chợt, hỏi bất chợt” của ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GDĐT TPHCM đang nhận được sự quan tâm của dư luận và các phương tiện truyền thông những ngày qua.
Theo Sở GDĐT TPHCM, hoạt động kiểm tra miệng, trả bài ngẫu nhiên vào đầu giờ học vô tình sẽ gây áp lực cho học sinh.
Hình thức, chất lượng giảng dạy góp phần quan trọng để xây dựng trường học hạnh phúc, học sinh đến trường vui vẻ, tự tin. Giáo viên có thể mở đầu tiết dạy bằng hình thức nhẹ nhàng, sinh động, giúp học trò thích thú, hứng khởi với giờ học. Các giáo viên có thể đánh giá thường xuyên được thực hiện qua các hình thức: hỏi - đáp, viết, thực hành, thí nghiệm, thuyết trình, sản phẩm học tập.
Đề nghị của lãnh đạo Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh thu hút nhiều ý kiến trái chiều của phụ huynh và học sinh trên các diễn đàn mạng xã hội.
“Khi cô giáo mở sổ, cả lớp im bặt. Chiếc bút của cô rà theo danh sách học sinh, đi tới đoạn nào, học sinh ở đoạn đó thót tim. Khi một bạn được đọc tên thì các bạn còn lại mới thở phào nhẹ nhòm. Với mỗi học sinh thì cảm giác này có lẽ sẽ rất khó quên”, chị Hoàng Diệu Thúy (quận Long Biên, Hà Nội) cho hay.
Tương tự chị Thúy, nhiều phụ huynh thuộc thế hệ 8X, 9X chia sẻ vẫn nhớ cảm giác sợ sệt, lo lắng khi kiểm tra miệng đầu giờ, nhất là hôm nào quên ôn lại bài cũ hay gặp thầy cô bộ môn khó tính, yêu cầu học sinh phải học thuộc lòng kiến thức trong sách giáo khoa hay vở ghi.
Còn với học sinh, không ít em coi kiểm tra miệng là nỗi ám ảnh, hôm học thuộc bài thì thầy cô không gọi nhưng hôm không thuộc thì lại bị xướng tên. Em Đinh Ngân Khánh, học sinh lớp 7 (Hà Nội) cho hay: “Mỗi lần cô gọi tên trả bài kiểm tra miệng em thấy bị áp lực. Dù có bài em đã học thuộc rồi nhưng vì sợ nên em lại quên mất và trả lời ấp úng”.
Còn em Nguyễn Thùy Linh, học sinh lớp 9 chia sẻ: “Có rất nhiều môn học trong một ngày nên có những hôm em không đủ thời gian học hết các bài cũ. Vì vậy việc kiểm tra miệng luôn tạo cho em một áp lực”.
Thay đổi cách kiểm tra miệng thế nào?
Trước ý kiến trái chiều cho rằng, xóa kiểm tra miệng là nuông chiều học sinh, một giáo viên tại Hà Nội nêu quan điểm, thầy cô nên thay đổi cách kiểm tra miệng trên lớp. Thực tế, nhiều thầy cô yêu cầu kiểm tra miệng quá cao tạo áp lực cho học sinh.
“Tôi cho rằng, kiểm tra miệng không nhất thiết phải cho điểm, thay vào đó là kiểm tra kết hợp gợi nhớ lại kiến thức đã học, từ đó khai thác những hiểu biết của học sinh, phục vụ cho bải giảng mới. Quan trọng nhất là phải tạo sự hứng thú, chủ động muốn học cho học sinh”, giáo viên này nói.
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia phương pháp học Nguyễn Đình Sơn – Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội bày tỏ quan điểm đồng tình với lời đề nghị của lãnh đạo Sở GDĐT TPHCM. Về mặt tâm lý, việc kiểm tra miệng đầu giờ theo kiểu “kêu bất chợt, hỏi bất chợt” sẽ tạo cho học sinh tâm lý lo sợ vì không biết thầy cô có gọi tên mình hay không. Trong trường hợp 1-2 lần bị gọi lên bảng mà không thuộc bài, các em sẽ xấu hổ, trốn tránh thầy cô, bạn bè.
“Hình thức kiểm tra miệng bất chợt vô tình tạo ra sự mất tự tin cho học sinh. Hơn nữa sẽ tạo tâm lý học vẹt, tức là các em sẽ không hiểu sâu kiến thức mà chỉ học để đối phó, trả bài cho thầy cô”, ông Sơn phân tích.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà xóa bỏ kiểm tra miệng, theo chuyên gia này, thầy cô nên thay thế kiểm tra miệng bằng những bài tập nhóm mà ở đó các em được tham khảo, sử dụng tất cả các tài liệu liên quan để biến thành kiến thức của mình. Thầy cô có thể đưa ra hình thức kiểm tra dạng hỏi – đáp gợi nhớ kiến thức đã học cho học sinh. Tuy nhiên các cách kiểm tra này sẽ mất nhiều thời gian của các thầy cô hơn trong khi mỗi tiết học chỉ có 45 phút.
Ông Sơn cũng đưa ra hình thức kiểm tra bài cũ theo chương, bằng những bài kiểm tra nhanh dưới dạng câu hỏi trắc nhiệm. “Việc làm này sẽ tạo áp lực cho giáo viên vì phải xây dựng câu hỏi nhưng với những thầy cô biết sử dụng công nghệ thì chỉ 10 phút là đã có thể thiết kế hoàn thiện một bài kiểm tra dạng này”, ông Sơn nói.
Không kiểm tra đột xuất chứ không cấm kiểm tra miệng đầu giờ
Tại buổi họp báo định kỳ cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội của TPHCM vào chiều qua (21/9), ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GDĐT TPHCM khẳng định, Sở chủ trương không kiểm tra đột xuất, chứ không cấm kiểm tra miệng đầu giờ. Việc kiểm tra đột xuất, bất ngờ thường gây áp lực cho học sinh ngay từ đầu buổi học, khiến các em lo lắng..., do đó không nên được thực hiện.
Bài kiểm tra diễn ra theo 2 hình thức là thường xuyên và đầu kỳ. Kiểm tra thường xuyên gồm nhiều hình thức, trong đó có kiểm tra miệng (vấn đáp). Tuy nhiên, giáo viên cần có kế hoạch kiểm tra và kiểm tra để biết học sinh có nắm kiến thức hay không.