Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại cuộc họp báo của Ban Tổ chức cấp Quốc gia các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, chiều 10/7.
Theo đó sẽ đẩy mạnh thực hiện công tác xác nhận người có công, phấn đấu đến năm 2020 giải quyết căn bản việc xác nhận hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công với cách mạng.
Quy tập và an táng hài cốt liệt sĩ tại tỉnh Kiên Giang.
Quyết tâm lớn
Trước việc còn tồn đọng khá lớn hồ sơ kê khai song chưa được xác nhận người có công nhất là 5.900 hồ sơ kê khai liệt sĩ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; năm 2016, Bộ LĐTBXH đã chủ động tổ chức triển khai việc thí điểm giải quyết hồ sơ tồn đọng tại 5 tỉnh, thành phố, gồm: Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Long An và TP Đà Nẵng theo quy trình “cá biệt” với cách làm cởi mở, thông thoáng lấy cơ sở là nhân dân, là các bậc lão thành, dựa vào cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức xã hội với sự giám sát chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và công khai, minh bạch trong dân, trên các phương tiện thông tin.
Hiện đã xác nhận được 75 liệt sĩ không còn hồ sơ hoặc thiếu thông tin trên cơ sở đó đề xuất Chính phủ có Nghị quyết 30, Nghị quyết 40 các phiên họp Chính phủ, giao Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH ban hành Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH ban hành quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng, đề nghị xác nhận người có công.
Cùng đó, toàn quốc đã xác nhận trên 2.000 hồ sơ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; bổ sung, cấp mới, đổi 35.000 bằng Tổ quốc ghi công, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ công nhận gần 500 liệt sĩ đợt 27/7/2017, phần lớn đều là những trường hợp lớn tuổi, lão thành cách mạng, hầu hết đã mất vài chục năm và đang nằm trong những nghĩa trang liệt sĩ nhưng chưa được công nhận liệt sĩ, trong đó có liệt sĩ Đặng Văn Tiết, sinh năm 1891, quê ở Long An đã hy sinh 75 năm.
Cùng với việc giải quyết hồ sơ tồn đọng công tác quy tập hài cốt các anh hùng liệt sĩ cũng đang được Đảng, Nhà nước, bộ ngành và địa phương thực hiện hết sức khẩn trương.
“Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, thời gian không chờ đợi chúng ta nữa, việc tìm kiếm, quy tập hài cốt các anh hùng liệt sĩ để đưa các anh, các chú về an nghỉ ở nghĩa trang liệt sỹ không chỉ là nhiệm vụ chính trị, là tình cảm của thế hệ đi sau đối với các liệt sĩ, mà là mệnh lệnh từ trái tim của những người đang sống, những người đang được hưởng cuộc sống hòa bình hôm nay.
Bằng tất cả tấm lòng, chúng ta phải nỗ lực tìm kiếm kể cả từ những manh mối dù nhỏ nhất để giúp cho thân nhân các liệt sỹ vơi đi nỗi đau và cũng để hương hồn các anh được về với gia đình, đồng đội”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
Với quyết tâm đó, chỉ tính riêng trong năm 2016, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia 1237 đã tìm kiếm, quy tập được 2.223 hài cốt liệt sĩ và 03 mộ tập thể.
Trong đó, trong nước đã tìm thấy 971 hài cốt, ở Lào 339 và ở Campuchia 913 hài cốt. Ngoài ra, còn tìm được 06 mộ quân nhân lưu học sinh Lào.
Từ đầu năm 2017 đến nay, bên cạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, việc an táng hài cốt các liệt sĩ được tìm thấy trên nước bạn Lào cũng được Ban Chỉ đạo 1237 và ngành LĐTB&XH các địa phương hết sức quan tâm. Mới đây, tháng 5/2017, tại Nghệ An đã tổ chức Lễ an táng 107 hài cốt liệt sĩ, Tỉnh Thanh Hóa cũng đã long trọng tổ chức Lễ an táng cho 21 liệt sĩ, số liệt sĩ này là quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh tại nước bạn Lào được tìm thấy, cất bốc trong mùa khô năm 2016 - 2017.
Đặc biệt hơn, thời gian gần đây dư luận cả nước đã vui mừng khi Tỉnh Đồng Nai và Bộ tư lệnh Quân khu 7 đã tiến hành khai quật được mộ tập thể chôn các chiến sĩ của ta trong trận đánh vào sân bay Biên Hòa Tết Mậu Thân 1968, và cũng từ đây, manh mối về ngôi mộ tập thể đuợc nghi là chôn hơn 600 chiến sĩ hy sinh trong trận đánh đêm ngày 1, rạng ngày 2 Tết Mậu Thân tại sân bay Tân Sơn Nhất cách đây gần 50 năm cũng đã được xác minh, làm rõ.
Nhiều hoạt động phong phú
Có thể thấy 70 năm qua (1947-2017), công tác thương binh - liệt sĩ và người có công (NCC) với cách mạng đã đạt những thành tựu to lớn và quan trọng. Hệ thống chính sách ưu đãi NCC đã được nghiên cứu, hoàn thiện và đi vào cuộc sống.
Đến nay đã bao phủ hầu hết các đối tượng NCC với cách mạng, tuyệt đại bộ phận người có công và thân nhân người có công được hưởng đúng, đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước. Nhờ đó cuộc sống của gia đình NCC được cải thiện.
Năm 2002, 17% gia đình NCC với cách mạng có mức sống thấp hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú thì đến cuối năm 2016, đã có 97% gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú.
Để tri ân nhân Ngày Thương binh - Liệt sỹ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, vào ngày 26-7 tới, Hội nghị biểu dương NCC với cách mạng tiêu biểu toàn quốc sẽ được tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Hà Nội. Còn Lễ kỷ niệm cấp quốc gia sẽ diễn ra vào ngày 27/7.
Tại Lễ kỷ niệm cấp quốc gia sẽ có khoảng 3.500 đại biểu tới dự. Tại Hội nghị biểu dương Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đối với 70 đại biểu; Bộ trưởng Bộ LĐTBXH tặng Bằng khen đối với 630 đại biểu.
Cùng với đó trên cả nước sẽ diễn ra hàng loạt các hoạt động như: tổ chức dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tổ chức cầu truyền hình tại 4 điểm; lễ dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc.
Đặc biệt, sẽ tổ chức hoạt động tri ân liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại Lào và Campuchia; Phát động cuộc vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; tổ chức kỷ niệm truyền thống 45 năm sự kiện Thành cổ Quảng Trị và chương trình nghệ thuật “Linh thiêng Thành cổ”. Bên cạnh đó là những hoạt động của các tổ chức hội, trung tâm thực hiện…