Một luật sư bảo vệ môi trường của Ấn Độ ngày 22/5 cho biết đền Taj Mahal của nước này đang có những dấu hiệu bị hư hại do ảnh hưởng của tình trạng ô nhiễm không khí tại thành phố Agra.
Đền Taj Mahal. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo luật sư M.C. Mehta, người đang đấu tranh để bảo vệ đền Taj Mahal khỏi tình trạng ô nhiễm trong 30 năm qua, khu lăng mộ này thường xuyên bị bám bụi và khói phát thải từ các nhà máy và các phương tiện giao thông ở Agra.
Thực trạng này đã khiến cho lớp tường đá cẩm thạch trắng của khu lăng mộ bị ố vàng và thậm chí đã có những mảng tường bị chuyển thành màu xanh. Ngoài ra, việc các loài côn trùng nhỏ từ sông Yamuna vốn bị cạn nước nằm bên cạnh khu lăng mộ xâm nhập cũng đang khiến cho lớp tường đá của ngôi đền bị hư hại nhanh hơn.
Luật sư Mehta cho hay các nhà khoa học và các chuyên gia của Ấn Độ nếu không có đủ khả năng bảo tồn khu lăng mộ trên, họ có thể nhờ sự giúp đỡ của các nhà khoa học hoặc các chuyên gia về bảo tồn di tích lịch sử của nước ngoài.
Đền Taj Mahal được xây dựng theo lệnh của Hoàng đế Ấn Độ Mogon Shah Jahan để tưởng nhớ người vợ của ông là Mumtaz Mahal khi bà qua đời. Công việc xây dựng lăng mộ bắt đầu hồi năm 1631 và hoàn thành vào năm 1653.
Ngôi đền này được coi là hình mẫu tuyệt vời nhất của Kiến trúc Mogon, một phong cách tổng hợp các yếu tố của các phong cách kiến trúc Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Hồi giáo.
Taj Mahal đã được đưa vào Danh sách các di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) hồi năm 1983 và được miêu tả là một "kiệt tác được cả thế giới chiêm ngưỡng trong số các di sản thế giới".