Sức khỏe

Dẹp loạn quảng cáo thực phẩm chức năng

Đức Trân 25/07/2024 06:44

Nhằm chấn chỉnh thị trường thực phẩm chức năng, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành yêu cầu siết quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng trên địa bàn.

bai-chinh.jpg
Bệnh nhân nhập viện vì sử dụng thực phẩm chức năng quảng cáo qua mạng. Ảnh: BVĐK tỉnh Phú Thọ.

Nhiều quảng cáo sai sự thật

Theo Bộ Y tế, hiện một số trang mạng xã hội, phương tiện truyền thông đang quảng cáo thực phẩm chức năng khi chưa có Giấy xác nhận nội dung quảng cáo, quảng cáo sai sự thật hoặc quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo gây hiểu lầm cho người sử dụng… Cùng đó là việc tiếp diễn hiện tượng một số doanh nghiệp (DN) lợi dụng hình ảnh các văn nghệ sĩ, người nổi tiếng, người có ảnh hưởng với công chúng để quảng cáo vi phạm quy định.

Theo PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF) có tới 80% quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm đạo đức kinh doanh, gây bức xúc.

“Không khó để bắt gặp trên các nền tảng xã hội hình ảnh các bác sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, bệnh viện tuyến Trung ương bị đối tượng lợi dụng cắt ghép để làm đại diện hình ảnh, quảng cáo cho sản phẩm của mình, lừa người tiêu dùng. Đã xuất hiện cả ma túy ẩn dưới lớp thực phẩm chức năng. Không ít người chật vật về kinh tế, ôm thêm bệnh vào người do tin và mua những loại thực phẩm trôi nổi này” - ông Đáng nói đồng thời chỉ ra 4 vi phạm đạo đức quảng cáo trong thực phẩm chức năng hiện nay là quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo; quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm; quảng cáo mơ hồ gây hiểu nhầm; quảng cáo nhắm vào các đối tượng nhạy cảm (người bệnh ung thư, hiểm nghèo).

Nhiều năm qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) liên tục nêu tên các nhãn hàng, DN vi phạm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Thậm chí, có DN giả mạo đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai về thực phẩm chức năng. Nhiều người còn giả mạo bác sĩ, lương y của các bệnh viện lớn để tư vấn về thực phẩm chức năng… như thuốc chữa bệnh.

Một số DN kinh doanh thực phẩm chức năng, sản phẩm làm đẹp, giảm cân đã mời diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ, người nổi tiếng quay quảng cáo. Nhiều sản phẩm trong số đó đã bị thổi phồng về công dụng…

Trên nhiều trang mạng xã hội, không ít loại thực phẩm chức năng đang được “thần thánh hóa”, coi như sản phẩm vạn năng, trị bách bệnh. Đáng nói, rất nhiều trang web vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, nhưng lại nhan nhản những lời quảng cáo là “số 1”, “tốt nhất”, “cứu tinh”, “thần dược”, “cam kết không tái phát”, “chữa dứt điểm đau xương khớp”..., đánh vào tâm lý người tiêu dùng.

Chế tài chưa nghiêm

Theo PGS.TS Trần Đáng, chủ yếu hiện nay chế tài xử phạt chưa nghiêm và có những quy định pháp luật không còn phù hợp với thực tế. Hiện còn thiếu quy chế pháp luật cho người quảng cáo, người kinh doanh quảng cáo, người phát hành quảng cáo. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý, thanh tra chưa hoàn thiện và chế tài chưa đủ sức răn đe.

BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga lý giải, sự bùng nổ về các quảng cáo thực phẩm chức năng, với những lời cam kết như không khỏi bệnh thì trả lại tiền, hay chỉ dùng trong vài tuần có hiệu quả rõ rệt... là vấn đề chung ở nhiều quốc gia, không chỉ Việt Nam. Điều này xuất phát từ tâm lý muốn bán được càng nhiều hàng càng tốt, bất chấp đạo đức hay khoa học. Điều quan trọng là chúng ta phải có các quy định, chế tài đủ mạnh để tuýt còi những trường hợp cố tình làm sai. Thực tế thì các quy định về việc đặt tên nhãn, các quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng tại Việt Nam hiện nay khá chi tiết và chặt chẽ. Tuy nhiên, đa số các DN đều cố tình làm sai để hòng kiếm về nhiều lợi nhuận, và việc xử lý nhìn chung chưa mang tính răn đe.

Cũng theo BS Hoàng, ngoài việc cần mạnh tay hơn trong việc xử lý các nhãn hàng, các nhà sản xuất vi phạm về quảng cáo, về thành phần hay chất lượng sản phẩm thì phải có các biện pháp để hạn chế tình trạng chi hoa hồng quá lớn cho các nhà thuốc, các bác sĩ kê đơn.

“Tỷ lệ hoa hồng này thường lên tới 40-50% thậm chí lớn hơn. Với mức hoa hồng cao như vậy, người bán thuốc, thậm chí cả các bác sĩ có thể nhắm mắt vì lợi nhuận để tư vấn cho người dân những sản phẩm không thật sự cần thiết. Dù đã có quy định rất rõ là không được kê thực phẩm chức năng trong đơn thuốc, nhưng thực tế, tình trạng vi phạm là khá phổ biến” – BS Hoàng cho hay.

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, giám sát việc quảng cáo thực phẩm chức năng; Giám sát chặt chẽ việc tổ chức hội thảo giới thiệu thực phẩm chức năng theo quy định của pháp luật; Xử lý nghiêm việc lợi dụng hội thảo giới thiệu sản phẩm để khám chữa bệnh, tư vấn trái phép, bán và giới thiệu thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân chỉ mua các sản phẩm thực phẩm chức năng khi thực sự có nhu cầu và dùng đúng hướng dẫn sử dụng. Khi có bệnh phải tới cơ sở y tế để được khám chữa bệnh kịp thời. Không sử dụng sản phẩm theo cách truyền miệng, không hiểu rõ về sản phẩm; Công khai tên cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm, nội dung vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dẹp loạn quảng cáo thực phẩm chức năng