Dẹp nạn 'YouTube bẩn' - Bài 2: Vừa áp luật vừa dựng 'hàng rào kỹ thuật'

Hoàng Vân 31/03/2022 13:00

Theo một số chuyên gia, việc dẹp nạn “YouTube bẩn” dù khó song không phải không có cách giải quyết. Thực tế, việc nâng cao tiêu chuẩn nội dung trên YouTube không thể ngăn các nhà sáng tạo nội dung lao vào cuộc đua “câu view” bất chấp.

“Bó tay” với rác “YouTube bẩn”?

Không gian YouTube hỗn loạn và trở nên ô nhiễm khi người người, nhà nhà dành phần đa thời gian trong một ngày để truy cập. Môi trường YouTube bị “ô nhiễm” xuất phát từ hành động bêu rếu, xúc phạm nhau, thậm chí là lừa đảo, tung tin giả bất chấp quy định của Nhà nước.

Môi trường YouTube bị “ô nhiễm” xuất phát từ những nội dung không phù hợp.

Những suy nghĩ lệch lạc đó dễ dàng phát tán trên không gian mạng bởi pháp luật và các công cụ quản lý còn chưa bao phủ được hết nền tảng này, với lượng người sử dụng ngày một đông, YouTube dường như không còn tìm được hướng đi phù hợp.

Đáng nói, tình trạng “ngập tràn rác” trên nền tảng YouTube là điều mà cả dư luận và cơ quan chức năng lên tiếng lâu nay. Những thứ “rác” ấy không chỉ làm vẩn đục không gian mạng mà còn gây nhiều mối nguy hại cho con người, xã hội.

Thực tế, việc nâng cao tiêu chuẩn nội dung trên YouTube không thể ngăn các nhà sáng tạo nội dung lao vào cuộc đua “câu view” bất chấp.

Trước thực trạng đáng báo động, trong những năm gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chỉ đạo Sở TT&TT phối hợp với các địa phương xử lý nhiều trường hợp người dùng YouTube trái với thuần phong mỹ tục.

Theo đó, những cái tên từng làm “nóng” dư luận như: Hưng Vlog, Hưng troll, Thơ Nguyễn... và mới đây là kênh YouTube của bà Nguyễn Phương Hằng chứa nhiều nội dung phản cảm, đã bị cơ quan chức năng xử phạt nghiêm khắc.

Bên cạnh đó, để ngăn chặn thực trạng này, trước đó, Bộ TT&TT cũng yêu cầu Google đóng nhiều kênh YouTube khác của người dùng trong nước có nội dung vi phạm pháp luật.

Đồng thời, về phía YouTube, đơn vị này cũng kéo dài thời gian bật chế độ kiếm tiền đối với người dùng nhằm hạn chế những rủi ro không đáng có.

Tình trạng tin giả, tin xuyên tạc vẫn không ngừng xuất hiện trên nền tảng YouTube.

Tuy nhiên, tình trạng tin giả, tin rác, vẫn không ngừng xuất hiện trên không gian mạng, đặc biệt là trên nền tảng YouTube. Bởi lẽ, việc nâng cao tiêu chuẩn nội dung trên YouTube không thể ngăn được các nhà sáng tạo nội dung lao vào cuộc đua “câu view” bất chấp.

Theo nhiều chuyên gia xã hội, đây là kết quả của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Những hệ lụy kéo theo khiến con người nhận thức “lệch chuẩn” và có hành vi không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Cũng theo các chuyên gia xã hội, việc dẹp nạn “YouTube bẩn” là điều cần thiết và cấp bách. Những cơ quan đầu ngành cần quyết liệt và triệt để hơn nữa trong việc xử lý các trường hợp vi phạm.

PGS.TS Lưu Hồng Minh cho rằng để dọn rác YouTube không phải là điều quá khó khăn.

Cần ứng dụng công nghệ 4.0 để dọn rác “YouTube bẩn”

Nhìn nhận về cách thức quản lý nội dung trên nền tảng YouTube, chuyên gia xã hội học, PGS.TS Lưu Hồng Minh cho rằng để dọn rác YouTube không phải là điều quá khó khăn. “Bởi lẽ, chúng ta hoàn toàn có đủ năng lực và nhân lực để giải quyết vấn đề nan giải này”, PGS.TS Lưu Hồng Minh nói.

“Ngày nay, người dùng YouTube có thể đưa tất cả các nội dung dù tốt dù xấu lên kênh của mình. Hệ lụy để lại đấy là người dùng có thể làm bất kỳ việc gì miễn có nhiều người xem và đem lại lợi nhuận. Đây cũng chính là nguồn cơn cho việc xuất hiện các video độc hại. Khi nhiều người ghé xem đồng nghĩa với việc các video độc hại này tràn lan ra mọi nền tảng xã hội.

Vụ việc bà Phương Hằng bị bắt do nhục mạ người khác trên các video livestream một lần nữa dóng lên hồi chuông cảnh báo về việc quản lý người dùng YouTube nói riêng và mạng xã hội nói chung.

Bên cạnh đó, việc tự do phát ngôn trên các video khiến mặt trái của công nghệ 4.0 phát triển đến mức cực độ. Chính vì vậy, cần thiết phải có những biện pháp mạnh tay hơn nữa trong việc quản lý những thông tin đăng tải lên YouTube và mạng xã hội”, PGS.TS Minh nhìn nhận.

Con trai bà Tân Vlog bị xử phạt 7,5 triệu đồng vì đăng video nấu cháo gà nguyên lông.

Đề xuất biện pháp quản lý các nội dung trên nền tảng YouTube, chuyên gia xã hội học cho hay việc ứng dụng công nghệ 4.0 để dọn rác “YouTube bẩn” là điều cần thiết. “Đánh giá theo hướng khách quan, các nhà quản lý hoàn toàn có thể ứng dụng công nghệ 4.0 vào việc quản lý các nội dung được đăng tải trên YouTube.

Bên cạnh việc tuyên truyền nhằm nâng cao sự tự giác của người dùng, việc ứng dụng công nghệ 4.0 giúp các nhà quản lý có thể giám sát các nội dung đăng tải lên nền tảng này một cách dễ dàng hơn.

Đối với những trường hợp vi phạm, hệ thống quản lý sẽ tiến hành nhắc nhở hoặc gia hạn khóa tài khoản trong một vài ngày. Điều này sẽ giúp người sử dụng có ý thức hơn trong việc sản xuất các nội dung phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa ứng xử trong xã hội”, PGS.TS Minh khẳng định.

PGS.TS Trần Thành Nam, Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Đồng tình với ý kiến của PGS.TS Minh, PGS.TS Trần Thành Nam, Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) thông tin, hiện nay các nước trên thế giới đã và đang sử dụng ứng dụng content ID để quản lý các nội dung trên nền tảng YouTube.

Thực tế, phương pháp này giúp các nhà quản lý kiểm soát được lượng thông tin mà người dùng đăng tải lên hàng giờ, hàng ngày, việc giám sát vì thế mà trở nên dễ dàng hơn.

PGS.TS Trần Thành Nam thông tin thêm: “Bên cạnh các điều luật, những nhà quản lý ở Việt Nam ngày nay cũng nên áp dụng các phương pháp quản lý bằng máy móc, công nghệ. Điều này giúp việc quản lý vừa không mất quá nhiều thời gian vừa đem lại hiệu quả cao.

Người dùng nếu không tuân thủ chính sách có thể phải nhận cảnh cáo chính thức, nếu hệ thống quản lý YouTube xác định video đăng tải không phù hợp sẽ đưa ra cảnh cáo riêng cho từng mức độ vi phạm. Người dùng nếu cố ý tái phạm hình phạt cao nhất là khóa tài khoản.

Việc áp dụng các quy định chặt chẽ để quản lý nội dung YouTube, người dùng cần chịu trách nhiệm với những nội dung có chất lượng không phù hợp. Từ đó, nâng cao chất lượng của các video, người dùng cần sáng tạo những nội dung phù hợp để thu hút người xem, vừa không vi phạm chính sách để có nội dung phù hợp với các quy định, vừa góp phần truyền tải thông điệp mà bản thân muốn hướng tới”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dẹp nạn 'YouTube bẩn' - Bài 2: Vừa áp luật vừa dựng 'hàng rào kỹ thuật'