Để giải quyết tất cả các tác nhân có thể gây ra chất thải trong ngành dệt may bao gồm nhà thiết kế, thương hiệu, nhà bán lẻ, người tiêu dùng cuối cùng, nhà sản xuất hàng may mặc trong và ngoài châu Âu, EU đã phát động chiến dịch Thiết lập lại xu hướng.
Mục tiêu của chiến dịch là đến năm 2030, tất cả các sản phẩm dệt may trên thị trường EU phải bền và có thể tái chế; làm bằng sợi tái chế càng nhiều càng tốt; không có chất độc hại; được sản xuất với sự quan tâm đến các quyền xã hội và môi trường.
Như vậy các công ty sản xuất hàng dệt may muốn vào EU phải đổi mới để đáp ứng các yêu cầu, trong đó có yêu cầu ghi nhãn mới và "Hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số" dựa trên các yếu tố môi trường quan trọng.
Ông Trần Ngọc Quân - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, EU đang chuyển mạnh sang kinh tế tuần hoàn, do vậy doanh nghiệp (DN) trong nước cần chuyển đổi bởi khi các quy định đi vào thực thi sẽ ảnh hưởng mạnh tới xuất khẩu của DN. Các quy định mới của EU đòi hỏi ngành dệt may phải linh hoạt và đổi mới, khi quy định các DN dệt may phải đảm bảo toàn bộ vòng đời của sản phẩm và quản lý được rác thải.
“Để xuất khẩu vào EU cần xây dựng một chuỗi cửa hàng, chuỗi thu mua, chuỗi xử lý, sửa chữa sản phẩm. Trong khi đó, các DN trong nước hiện vẫn chủ yếu làm gia công cho các hãng dệt may của EU” - ông Quân nêu vấn đề và nhấn mạnh DN dệt may trong nước cần nhanh chóng thích ứng với các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường EU.
Bà Đinh Thị Bảo Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) cho biết, ngành dệt may toàn cầu đang dần chuyển đổi theo hướng “xanh hóa”, nghĩa là thay đổi quy trình sản xuất, lưu thông sản phẩm theo hướng giảm thiểu ô nhiễm đầu vào và đầu ra, tiết kiệm nguồn lực cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường. Những tiêu chí quan trọng để đạt được mục tiêu “xanh hóa” mà các DN cần quan tâm, như: hiệu quả năng lượng; tiết kiệm nước; sử dụng năng lượng tái tạo; xử lý chất thải và bao bì…
Theo TS Trương Thị Ái Nhi (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn - ICED), trong thời gian tới, để chuyển đổi thành công sang mô hình kinh tế tuần hoàn, Nhà nước cần đẩy mạnh chính sách tài chính khuyến khích các DN đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may. Đồng thời tạo cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan nhằm thúc đẩy việc sản xuất nguyên phụ liệu truyền thống có hiệu suất, nghiên cứu và thương mại hoá các nguồn nguyên phụ liệu mới và bền vững cho ngành dệt may. Qua đó thúc đẩy tự chủ nguồn cung nguyên vật liệu từ vùng trồng nội địa và đa dạng hóa nguồn nguyên liệu cung cấp cho ngành dệt may.
Ngành dệt may cũng cần tận dụng và tối ưu hoá đầu vào thông qua thiết kế, phát triển và sử dụng, nguyên vật liệu tái tạo, đáp ứng sản xuất. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy sản xuất sạch hơn, thân thiện môi trường hơn và đẩy mạnh mạng lưới liên kết bền vững các DN trong ngành dệt may trong cụm công nghiệp và các bên liên quan theo chuỗi giá trị.