Dệt may nỗ lực áp dụng công nghệ hiện đại

Thanh Giang 06/12/2018 08:30

Ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại đang trở thành yêu cầu cấp bách đối với ngành dệt may. Đây là chiến lược nhằm giúp các doanh nghiệp Việt giảm thâm dụng lao động, giảm chi phí, tăng chất lượng và từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bộ Công thương thông tin, 10 tháng đầu năm 2018 kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt hơn 25 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2017. Không nằm ngoài sự phát triển chung của ngành, dệt may TP HCM cũng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Theo số liệu thống kê, trong 10 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất ngành dệt may tăng trên 12% so với cùng kỳ năm 2017. Ngành dệt may đang đề ra mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu nhằm đẩy mạnh tăng trưởng trong nước.

Tuy nhiên, để cạnh tranh với các đối thủ khác, đồng thời tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu đỏi hỏi ngành dệt may phải khắc phục một số khuyết điểm tồn tại kéo dài trong thời gian qua. Đó là tình trạng trì trệ về nguồn nguyên liệu sản xuất, công nghệ lạc hậu, thâm hụt lao động cao, thiết kế thiếu sắc bén, tinh tế. Theo ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), đổi mới là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy chiến lược phát triển ngành dệt may. Dựa trên chiến lược trên, việc ứng dụng công nghệ vào dệt may là điều cần thiết giúp giảm thời gian và chi phí, tăng chất lượng hướng đến giá trị gia tăng toàn cầu.

Nhận thức rõ những yếu điểm của ngành, đồng thời mong muốn ngành dệt may phát triển mạnh trong thời gian tới, nên cộng đồng doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực thay đổi nhiều. Ngoài các tổ chức quốc tế thì các nhãn hàng trong ngành may mặc đã cùng tham gia tài trợ nhằm hỗ trợ nâng cấp cải thiện thiết bị trong ngành dệt may để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đặc biệt các nhà máy tại Việt Nam còn được nhiều nhãn hàng quốc tế như Nike, Gap, Adidas.. hỗ trợ nâng cấp cải tiến thiết bị. Doanh nghiệp trong nước cũng tập trung đầu tư mới theo xu hướng chung của thời đại.

Sở Công thương TP HCM cũng chủ trương thành lập Trung tâm thời trang. Trung tâm thời trang được định hướng phát triển phân khúc có giá trị gia tăng cao, chú trọng về các hoạt động giao dịch nguyên phụ liệu, thiết kế, khu trưng bày sản phẩm, sân chơi cho các nhà thiết kế, nơi giao dịch của ngành thời trang. Hiện Sở Công thương TP HCM đã trình UBND TP quy chế lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn quỹ đất… để xây dựng Trung tâm thời trang trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dệt may nỗ lực áp dụng công nghệ hiện đại