Để tồn tại doanh nghiệp dệt may phải thay đổi mạnh mẽ, xanh hóa, thân thiện môi trường. Nhưng đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, không chỉ là việc thay thế máy móc mà thay thế cả nguồn nhân lực, đầu vào, quản lý. Trò chuyện với PV Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương- nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng: Doanh nghiệp (DN) phải tự nhận thấy rằng hỗ trợ của Nhà nước chỉ là “mồi” và tạo đà đẩy. DN phải tận dụng tối đa các ưu đãi để vươn lên.
PV: Ngành dệt may Việt Nam vẫn thiếu tính liên kết theo chuỗi giá trị và liên kết giữa giữa DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với DN trong nước. Trong nước, chuỗi cung ứng thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các công đoạn, đặc biệt giữa kéo sợi dệt vải và may mặc dẫn đến việc các DN trong nước khó có thể tham gia vào chuỗi sản xuất của các thương hiệu lớn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Chuyên gia kinh tế LÊ QUỐC PHƯƠNG: Phải ghi nhận ngành dệt may vừa qua đã phát triển rất mạnh. Chúng ta đã xây dựng được ngành dệt may thành sản xuất và xuất khẩu, có hàng nghìn DN dệt may trong nước và DN dệt may có vốn đầu tư nước ngoài, tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Xuất khẩu ngành dệt may trong những năm gần đây đạt hơn 40 tỷ USD/năm, chiếm 15% tổng kim ngạch cả nước. Việt Nam hiện nay là nước xuất khẩu thứ 3 thế giới về dệt may. Song chúng ta cũng có thể phát triển được tốt hơn.
Trước hết tôi cho rằng, ngành này rất cần tính liên kết ở nhiều công đoạn như trồng bông, kéo vải, dệt sợi, thiết kế, may mặc… Nhưng các khâu này theo đánh giá của tôi thiếu sự liên kết. Hiện nay Việt Nam đã phát triển ngành dệt may nguyên phụ liệu, chúng ta sản xuất được sợi bông, xơ, kéo sợi nhưng vẫn phải nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc…
Ngoài việc DN may thực hiện đơn hàng xuất khẩu, đối tác nhập khẩu chỉ định nguồn nguyên liệu nhập thì việc sản xuất nguyên liệu may mặc của chúng ta chưa thực sự chuyên nghiệp. Nói thẳng rằng, nhiều khi đơn đặt hàng quy định trong 10 ngày cung cấp 500 triệu mét vải thì chỉ có cách duy nhất là nhập nguyên liệu từ Trung Quốc, chứ DN sản xuất nguyên liệu trong nước không đáp ứng được. Thời hạn đáp ứng đơn hàng của chúng ta còn hạn chế, thời gian giao hàng thường không đúng.
Bên cạnh đó trong dệt may có công đoạn gây ô nhiễm và xử lý tốn kém đó là khâu nhuộm. Nhiều địa phương không muốn phát triển nhà máy dệt sợi, nhuộm vải. Chỉ mới nói đơn giản ở hai khâu trong ngành dệt may, chúng ta đã thấy, DN Việt có khá nhiều điểm yếu dẫn đến không tham gia được sâu vào chuỗi giá trị của ngành.
Còn việc thiếu liên kết giữa DN nội địa và DN có vốn đầu tư nước ngoài, nếu như các nước khác, 2 bộ phận này hỗ trợ nhau thì ở Việt Nam hai khối DN này gần như là vận hành không liên quan, song song nhau.
Xanh hóa là việc làm tất yếu nhưng các DN may chậm dịch chuyển lên các phương thức sản xuất cao hơn một phần cũng là do thiếu tính năng động và phần lớn là thiếu vốn. Theo ông cơ quan quản lý cần hỗ trợ những gì?
- Xanh hóa hay bảo vệ môi trường là câu chuyện thời sự. Trong khi biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt mà chúng ta cảm nhận được. Trong bối cảnh đó DN nhập khẩu, và người tiêu dùng hàng nhập khẩu quan tâm hơn bao giờ hết câu chuyện hàng tái chế, hàng sạch, hàng không gây ô nhiễm môi trường.
Các nước nhập khẩu họ đưa ra nhiều tiêu chuẩn cho hàng nhập khẩu. Nguyên liệu sạch, thu phí carbon với hàng nhập khẩu, hàng phải tái chế được. Gần đây nhất là cấm nhập khẩu hàng hóa liên quan đến phá rừng. Như vậy chúng ta không thể phá rừng để trồng bông … tất cả những điều này khiến cho hàng dệt may ngày càng đối mặt tiêu chuẩn cao.
Để tồn tại được DN phải thay đổi mạnh mẽ, xanh hóa, thân thiện môi trường. Nhưng làm được không hề đơn giản, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, đó không chỉ là việc thay thế máy móc mà thay thế cả nguồn nhân lực, đầu vào, quản lý. Trong khi DN khó khăn về tài chính, về nhận thức, nguồn nhân lực. Muốn xanh hóa được đòi hỏi cơ quan quản lý có biện pháp thiết thực để hỗ trợ DN. Ví dụ hỗ trợ tiếp cận vốn ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực. Chúng ta cũng nhấn mạnh là khả năng hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ là hữu hạn, hỗ trợ của cơ quan quản lý chỉ là vốn mồi và tạo đà đẩy. DN phải tận dụng tối đa các ưu đãi để vươn lên. Đừng suy nghĩ hưởng lợi, bản thân DN phải tự chuyển đổi.
Thưa ông, trong bối cảnh hiện nay DN dệt may cần thay đổi gì?
- DN cần thay đổi nhiều. Trong bối cảnh thế giới hội nhập sâu, cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ DN dệt may là ngành sử dụng nhiều lao động, dự báo trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Mấy điểm chính DN cần thay đổi là nhanh chóng ứng dụng tự động hóa, ứng dụng công nghệ tiên tiến như in 3D. Phải nhanh chóng thích ứng sử dụng sản phẩm xanh. Ứng dụng vật liệu nano thì DN mới có đơn hàng.
Ngoài ra DN dệt may nâng cao trình độ tay nghề cho lao động. DN chuyển từ gia công may mặc sang tự chủ nguồn nguyên liệu, đến tự thiết kế và xuất khẩu, làm cho ngành dệt may ngày càng đi lên, nhận được giá trị gia tăng cao hơn trong xuất khẩu.
DN dệt may cần tận dụng hiệu quả tối đa hỗ trợ từ nhà nước. Nhà nước cũng hỗ trợ lãi suất, xúc tiến thương mại, hội nghị, hội thảo tìm kiếm bạn hàng. Nâng cao trình độ cho lao động, bởi hiện nay lao động phổ thông chiếm 85% trong ngành. Đẩy mạnh chuyển đổi số để kết nối bạn hàng, sử dụng thương mại điện tử để bán hàng, tìm kiếm đơn hàng.
Một lý do nữa khiến DN may khó dịch chuyển lên phương thức sản xuất cao hơn là thiếu thông tin về khách hàng. Làm cách nào để DN có thể tiếp cận được các thị trường mới?
- Để tiếp cận được thị trường mới, cần có mục tiêu để hoạch định chiến lược. DN cần xác định được thị trường nào có thể đi vào được và chiếm lĩnh được. Từ thị trường gần đến thị trường xa, từ thị trường có nét tương đồng văn hóa đến khác biệt văn hóa như châu Phi và trung Đông, DN phải có nghiên cứu rất kỹ.
Đa số các công ty lớn đều có bộ phận nghiên cứu thị trường, cái này hơi khó với DN nhỏ và vừa nhưng muốn bán được sản phẩm, muốn xuất khẩu được sản phẩm thì DN phải tập trung phát triển mảng này. Chúng ta phải tận dụng mọi nguồn thông tin để tiếp cận thị trường mới, sử dụng các mối quan hệ đã có hiểu biết, giúp DN mở rộng mạng lưới phát triển xuất khẩu.
Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, kết nối hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó có các FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)… Đây là những điều kiện thuận lợi để mở rộng cánh cửa thị trường cho các DN Việt Nam.
Dù sản phẩm dệt may Việt Nam có mặt tại các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật... nhưng mặt hàng may xuất khẩu chủ yếu là phương thức gia công, khâu thiết kế chưa phát triển. Theo ông, DN dệt may cần làm gì để gia tăng được giá trị xuất khẩu?
- Đây là vấn đề khó của dệt may. Hiện nay dệt may chủ yếu thực hiện theo phương pháp gia công, sử dụng lao động tay nghề thấp để may theo đơn hàng. Gia công là trong chuỗi giá trị dệt may, khâu chúng ta đang làm là gia công có giá trị thấp nhất. Kim ngạch lớn thứ 3 thế giới nhưng giá trị gia tăng thấp.
Để nâng cao giá trị gia tăng chúng ta không những phải tự chủ nguyên phụ liệu đầu vào mà còn phải làm là khâu thiết kế mẫu mã thời trang. Dù chúng ta nay cũng đã có phát triển thiết kế nhưng chưa ăn thua. Việt Nam chưa trở thành trung tâm thời trang trong khu vực, chứ chưa nói là thế giới. Như Hàn Quốc, họ chuyển hãng may ra nước ngoài nhưng họ làm rất tốt khâu thiết kế. Họ đầu tư rất lớn và đầu tư quyết tâm vào khâu này. Từ tham khảo đó để thấy rằng, chúng ta phải làm gì? Trước hết chúng ta phải quảng bá tạo dựng uy tín. Đồng thời xây dựng được thương hiệu với hàng Việt Nam như là một nhà sản xuất, xuất khẩu lớn. Thương hiệu hàng hóa của chúng ta chưa có, chúng ta phải tạo dựng được thương hiệu với hàng Việt Nam nói chung trong đó có dệt may. Từ đó chúng ta mới có được đội ngũ thiết kế thời trang.
Kết hợp được 2 yếu tố này mới phát triển được khâu thiết kế. Dù khâu này rất khó mà không phải nước nào cũng thực hiện được. Đây chính là khâu mang lại giá trị tốt nhất cho ngành dệt may.
Trân trọng cảm ơn ông!
“Trong bối cảnh thế giới hội nhập sâu, mấy điểm chính DN cần thay đổi là nhanh chóng ứng dụng tự động hóa, ứng dụng công nghệ tiên tiến như in 3D. Phải nhanh chóng thích ứng sử dụng sản phẩm xanh. Ứng dụng vật liệu nano thì DN mới có đơn hàng.
Ngoài ra DN dệt may nâng cao trình độ tay nghề cho lao động. DN chuyển từ gia công may mặc sang tự chủ nguồn nguyên liệu, đến tự thiết kế và xuất khẩu. Làm cho ngành dệt may ngày càng đi lên, nhận được giá trị gia tăng cao hơn trong xuất khẩu.
DN dệt may cần tận dụng hiệu quả tối đa hỗ trợ từ nhà nước. Nhà nước cũng hỗ trợ lãi suất, xúc tiến thương mại, hội nghị, hội thảo tìm kiếm bạn hàng. Nâng cao trình độ cho lao động, bởi hiện nay lao động phổ thông chiếm 85% trong ngành. Đẩy mạnh chuyển đổi số để kết nối bạn hàng, sử dụng thương mại điện tử để bán hàng, tìm kiếm đơn hàng” - ông Lê Quốc Phương.