Đi chợ chỉ cần chọn sản phẩm, sau đó dùng điện thoại thông minh quét mã thanh toán thay cho sử dụng tiền mặt như trước đây. Người mua và người bán đều cảm thấy vô cùng tiện lợi không vướng bận chuyện phải đem theo tiền.
Tiện ích chợ 4.0
Đây là một trong những tiện ích mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cho đời sống. Hiện, mô hình “chợ 4.0” đã về nhiều vùng nông thôn nước ta.
Nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn TP Sơn La, UBND thành phố Sơn La đã xây dựng mô hình chợ 4.0 tại hai chợ: Trung tâm Thành phố và chợ 7/11. Được triển khai từ 7/2022 đến nay mô hình này đã thực sự đi vào đời sống, được người dân cũng như các tiểu thương đánh giá cao.
Nói về mô hình chợ 4.0, chị Nguyễn Thị Ngọc Mai, người dân ở TP Sơn La chia sẻ, đi chợ ngại nhất là khoản tiền lẻ, nhất là khi trong ví không có tiền lẻ mà cần mua mấy nghìn tiền hành lá, nhưng đưa tờ 100 nghìn đồng là sẽ nhận được sự khó chịu từ người bán. Nhưng từ ngày chợ Trung tâm thành phố triển khai mô hình chợ 4.0 quả thực rất tiện lợi. Chỉ cần quét mã vạch là đã thanh toán xong. “Đi chợ giờ chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, tải App và mở thẻ giao dịch tại ngân hàng là có thể thanh toán tiền hàng. Việc thanh toán này giúp tôi kiểm soát và cân đối tốt hơn tài chính qua việc theo dõi số dư tiền trong thẻ” - chị Mai nói.
Đánh giá về tiện ích chợ 4.0 đem lại, Ban quản lý chợ Trung tâm TP Sơn La cho biết, việc triển khai mô hình chợ 4.0 còn giúp Ban quản lý chợ đảm bảo việc quản lý giá cả tại chợ được chính xác, thuận tiện hơn và giảm được kinh phí trong việc mua hóa đơn và vé khi thu giá tại chợ.
Chợ 4.0 là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng tại các chợ.
Không chỉ tiện lợi, việc đi chợ 4.0 còn giúp những bà nội trợ không lo bị tiểu thương ép giá. Đây là chia sẻ của nhiều bà nội trợ khi đi chợ 4.0 tại Chợ Hàng Bè (phố Gia Ngư, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
“Đa số chợ dân sinh đều không niêm yết giá nên nhiều khi người mua thường bị tiểu thương “chặt chém” nâng giá. Tuy nhiên với việc thanh toán qua điện thoại, qua hệ thống ngân hàng điện tử, nếu giá thành chênh quá lớn thì dễ dàng có bằng chứng phản ánh với ban quản lý chợ, thậm chí có thể là bằng chứng để người tiêu dùng phản ánh với cơ quan chức năng, từ đó cơ quan chức năng vào cuộc kịp thời, kiểm soát tình trạng nâng giá hàng hóa. Vì vậy mô hình này đã góp phần minh bạch hơn về giá” - chị Võ Thị Công, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ.
Thúc đẩy thanh toán không tiền mặt
Dù mới ra đời nhưng đến nay mô hình chợ 4.0 đã được triển khai tại nhiều tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hậu Giang, Thái Nguyên, Cần Thơ…Với những tiện ích đem lại, dự kiến trong tương lai không xa, “Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt” sẽ phủ sóng tới tận vùng núi, nông thôn ở khắp 63 tỉnh, thành. Dù đạt được nhiều kết quả khả quan, song phản ánh từ các địa phương cho biết, công tác vận động, tuyên truyền các tiểu thương kinh doanh ứng dụng tại các chợ còn gặp nhiều khó khăn do đa số tiểu thương là các hộ mua bán nhỏ, thu nhập thấp không có điện thoại thông minh để sử dụng; nhiều người cao tuổi không sử dụng điện thoại thông minh; hạ tầng viễn thông và cung ứng wifi miễn phí tại các chợ còn yếu...
Tại tỉnh Hậu Giang theo Sở Công thương tỉnh, dù có những thuận lợi, nhưng tại một số chợ đã triển khai cũng bộc lộ những khó khăn nhất định, vẫn còn tiểu thương và người dân chưa mặn mà. Bên cạnh đó không phải người dân nào cũng đăng ký các gói cước 3G, 4G trong khi ở chợ chưa được đầu tư wifi miễn phí....
Theo đánh giá của các tổ chức tài chính, Việt Nam đang tiến gần hơn đến một nền tài chính toàn diện và dần hướng đến xã hội không dùng tiền mặt. Ngày càng có nhiều người Việt sử dụng các công nghệ thanh toán mới. Chính vì vậy, cần nhân rộng mô hình chợ 4.0 để từ đó thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, đẩy nhanh mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ.