Sức khỏe

Di chứng thần kinh nặng nề do viêm não Nhật Bản

Hoàng Chiến 02/07/2024 14:39

Virus viêm não Nhật Bản là căn nguyên hàng đầu gây viêm não vi rút ở Châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có thể để lại di chứng thần kinh nặng nề nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108, tháng 6/2024, Khoa Hồi sức truyền nhiễm, Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện TWQĐ tiếp nhận một bệnh nhân nam 16 tuổi, sinh sống tại Sơn La, vào viện trong tình trạng nhiễm trùng và tổn thương não cấp tính.

Cụ thể, bệnh nhân sốt cao, hôn mê, liệt tứ chi, rối loạn thần kinh thực vật. Phim chụp cộng hưởng từ sọ não cho thấy tổn thương viêm vùng đồi thị, hồi hải mã, cuống đại não hai bên, và đa ổ vùng thái dương và đỉnh bên trái.

anh-chup-man-hinh-2024-07-02-luc-13.37.22.png
Chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Hồi sức Truyền nhiễm. Ảnh minh hoạ: Bệnh viện TWQĐ 108

BS. Nguyễn Sỹ Thấu, Khoa Hồi sức Truyền nhiễm, Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm (Bệnh viện TWQĐ 108) cho biết, kết quả huyết thanh chẩn đoán bệnh nhân này dương tính với virus viêm não Nhật Bản B.

Bệnh nhân được hồi sức tích cực và đã qua được giai đoạn cấp tính. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, tự thở, tuy nhiên còn di chứng yếu liệt tứ chi, đặc biệt bên phải, không tự chăm sóc bản thân được.

Virus viêm não Nhật Bản là căn nguyên hàng đầu gây viêm não virus ở Châu Á, trong đó có Việt Nam. Virus lần đầu được phân lập tại vụ dịch viêm não virus tại Nhật Bản năm 1935, từ đó được mang tên “virus viêm não Nhật Bản”.

Hầu hết trường hợp nhiễm virus viêm não Nhật Bản không có triệu chứng hoặc có sốt, sau đó tự hết. Chỉ dưới 1% phát triển thành thể viêm não, tuy nhiên thường diễn biến nặng, tỉ lệ tử vong cao; trong số những trường hợp sống, di chứng thần kinh rất thường gặp.

Virus được lây truyền qua muỗi đốt, ở Việt Nam được xác định là do muỗi Culex. Đây là là loài muỗi thường cư trú ở ruộng lúa nước, nhất là ở ruộng mạ và phát tán rộng trên cánh đồng, nên còn được gọi là muỗi ruộng đồng.

Thời điểm muỗi sinh sản nhiều vào mùa hè nắng nóng, lúc mưa nhiều (tháng 5, 6, 7 tại miền Bắc); muỗi thường bay đi hút máu người và súc vật vào lúc chập tối. Vật chủ chính của virus là động vật, quan trọng nhất là chim (di chuyển từ rừng về đồng bằng trong mùa nhiều hoa quả, mang theo mầm bệnh từ nơi hoang dã, sau đó lây cho lợn nuôi), và lợn (khoảng 80% đàn lợn nuôi trong vùng dịch bị nhiễm virus).

Người là vật chủ ngẫu nhiên và cũng là vật chủ kết thúc của chuỗi lây nhiễm, do trong cơ thể người virus không thể phát triển đủ số lượng để lây nhiễm ngược lại cho muỗi, vì thế không có hiện tượng lây nhiễm trực tiếp từ người sang người.

Tại Việt Nam, virus lưu hành trong cả nước, nhiều nhất là các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc, có thể gây nhiễm ở tất cả mọi lứa tuổi, tuy nhiên hay gặp nhất là trẻ em dưới 15 tuổi.

Các biện pháp dự phòng bệnh do virus viêm não Nhật Bản bao gồm tránh để bị muỗi đốt, đặc biệt là trong khu vực gần chuồng trại nuôi lợn, ruộng lúa, lúc chập tối,…

Tuy nhiên vaccine là phương pháp hiệu quả nhất. Vaccine đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam từ năm 1977, và đến năm 2014 đã triển khai tại tất cả các tỉnh thành trong cả nước.

“Sau 3 mũi cơ bản (hoàn thành trong khoảng 2 năm), các mũi vaccine nhắc lại cần được tiêm mỗi 3-4 năm, khuyến cáo cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Phụ huynh nên lưu ý cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ để dự phòng viêm não Nhật Bản”, BS khuyến cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Di chứng thần kinh nặng nề do viêm não Nhật Bản