Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới mở ra nhiều cơ hội trong việc phát huy giá trị của một di sản liên tỉnh đầu tiên tại nước ta. Tuy nhiên, làm thế nào để tạo ra sự cân bằng giữa Hạ Long và quần đảo Cát Bà trong quá trình khai thác và bảo tồn là vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm.
Thương hiệu điểm đến mới
Vừa qua, Ủy ban Di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận quần thể vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) - quần đảo Cát Bà (TP Hải Phòng) là Di sản thiên nhiên thế giới. Đây chính là di sản thế giới liên tỉnh thành đầu tiên tại nước ta, mở ra cánh cửa để các vùng du lịch liên kết hỗ trợ cho nhau. Nếu vòng tour được khép kín với vịnh Hạ Long - Cát Bà thì du khách có thể tận hưởng một sản phẩm du lịch đa dạng và hoàn hảo với các hoạt động đi bộ trên rừng, ngắm cảnh vịnh, vào hang động, tắm biển và sử dụng dịch vụ du lịch cao cấp.
PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng việc Hạ Long - Cát Bà được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới là sự kiện mang ý nghĩa to lớn. Qua đó thấy được giá trị của di sản nước ta là rất lớn. Việc công nhận này tạo ra nhiều cơ hội trong việc phát huy những giá trị của di sản và cả trong công tác bảo tồn.
Theo Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), trong khảo sát tháng 12/2021 về nhu cầu và xu hướng khách du lịch thời Covid-19, nghỉ dưỡng biển vẫn là nhu cầu lớn nhất của 64% số người được hỏi. Xu hướng khám phá thiên nhiên (56%) tăng nhiều so với lần khảo sát trước đó. Như vậy, Hạ Long - Cát Bà đáp ứng được cả hai mong đợi của khách là nghỉ dưỡng biển và khám phá thiên nhiên.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường - Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam đánh giá, việc vịnh Hạ Long - Cát Bà trở thành Di sản thiên nhiên thế giới là điều hết sức tuyệt vời. Đồng thời cũng là sự ghi nhận những nỗi lực của tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản thiên nhiên.
Cần có sự thống nhất để khai thác hiệu quả
Ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (ATI) cho rằng, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà nằm cạnh nhau, sở hữu giá trị tương đồng. Trên quan điểm của khách hàng hay các đơn vị lữ hành, giữa hai điểm đến có dịch vụ tương đồng, họ sẽ chọn nơi có chi phí rẻ hơn. Hy vọng rằng cả hai bên sẽ có thống nhất chung cho hoạt động ở Hạ Long và Lan Hạ (nối Cát Bà với Hạ Long).
Ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cho biết, sau khi được ghi danh công nhận, trước mắt, UBND tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng sẽ hiện thực, cụ thể hóa các nội dung quy định về quản lý đối với các di sản này đã được đề ra trong kế hoạch quản lý trong hồ sơ đã trình UNESCO. Trong đó, những vấn đề về thực trạng quản lý đã được chỉ ra, các quy hoạch, kế hoạch, đề án, chương trình mà hai tỉnh đã triển khai. Hiện nay trên địa bàn hai di sản này cũng đều được thống kê đầy đủ. Trong kế hoạch quản lý đã phân công trách nhiệm quản lý của hai tỉnh thành phố đối với cả hai di sản nằm trên địa bàn hai tỉnh.
Song song với việc triển khai làm hồ sơ kết nối giữa vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà thì hai địa phương trong thời gian qua đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương để phối hợp với nhau trong việc quản lý như việc nuôi trồng thủy sản hai khu vực này đã có sự phối hợp trao đổi điều chỉnh để phù hợp. Hay như tàu du lịch trên biển kết nối tham quan trên vịnh và tham quan Cát Bà thì hai địa phương đã trao đổi với nhau… đó chỉ là một trong nhiều nội dung mà hai tỉnh đã làm trong thời gian qua.
Cũng theo ông Thành, tới đây, hai địa phương cùng Bộ VHTTDL sẽ ngồi lại với nhau để hiện thực hóa nội dung cụ thể kế hoạch quản lý, công tác Quản lý và trách nhiệm của từng đơn vị trong thời gian tới. Trước mắt vẫn đang chấp nhận Ban Quản lý di tích hiện có của quần đảo Cát Bà.
Theo GS.TS Trương Quốc Bình - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, đối với trường hợp của vịnh Hạ Long - Cát Bà được công nhận sẽ có nhiều vấn đề trong việc khai thác như thế nào, khai thác ra làm sao. Vì vậy lãnh đạo của hai địa phương là tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng phải cùng ngồi bàn với nhau rất cụ thể. Cần quy định thật rõ về trách nhiệm quản lý bảo vệ và khai thác, phân chia quyền lợi ra làm sao. Bên cạnh đó, hàng năm UNESCO có yêu cầu báo cáo thẩm định, đánh giá lại vấn đề quản lý. Vì thế cần phải lường trước chuyện đó để có sự phối hợp với nhau trong công tác khai thác và bảo vệ. Chỉ mong đây là trường hợp đầu tiên diễn ra thì cả hai bên (Quảng Ninh và Hải Phòng) bàn bạc với nhau cụ thể để cùng phối hợp và cùng tổ chức quản lý trong việc khai thác cũng như bảo tồn di sản.