Liên hoan múa rối lần thứ 4-2015 đang diễn ra tại Hà Nội. Kéo dài tới hết ngày 16/10, liên hoan lần này mang chủ đề “Kết nối các di sản thế giới”, với sự tham gia của 10 quốc gia.
Biểu diễn rối nước.
Từ chủ đề nói trên, khán giả cũng băn khoăn: hành trình trở thành di sản văn hóa thế giới của rối Việt đến đâu rồi? Bởi được biết từ năm 2003, có nghĩa là cách đây hơn 10 năm, Bộ Văn hóa - Thông tin (VHTT) đã đề nghị UNESCO công nhận múa rối dân gian Việt Nam là di sản văn hóa thế giới. Để chuẩn bị cho việc làm hồ sơ múa rối, khi ấy Bộ VHTT đã giao Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) phối hợp với Trung tâm Bảo tồn và Phát huy nghệ thuật dân tộc điều tra thực trạng của nghệ thuật múa rối dân gian để lập kế hoạch bảo tồn và phát huy vốn di sản quý của dân tộc.
Bộ cũng quyết định hỗ trợ phường rối cổ truyền Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) khôi phục nghệ thuật rối nước dân gian. Đây là phường rối nước dân gian nổi tiếng nhất ở Việt Nam với truyền thống hơn 350 năm với các trò: Dệt cửi trao con, Trâu chui lên ống, Lên võng xuống ngựa, Phùng Hưng đánh hổ, Thạch Sanh chém trăn tinh...
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, trên thế giới có nhiều dân tộc có nghệ thuật múa rối nhưng chỉ Việt Nam mới có nghệ thuật múa rối nước, xuất hiện từ đời Lý vào khoảng thế kỷ 11 hoặc 12. Múa rối nước thường được diễn trong dịp Tết cổ truyền hoặc trong các lễ hội của người Việt.
Cho tới năm 2013, trong số 33 di sản được Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (đợt I), có loại hình nghệ thuật rối nước. Chỉ có điều lạ trong số 33 di sản đó, có cả 7 di sản đã từng được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện và Danh sách di sản văn hóa phi vật thể nhân loại như: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca quan họ Bắc Ninh, hát ca trù, hát xoan Phú Thọ…
Như thế, có nghĩa là thế giới đã vinh danh rồi, chúng ta lại tiếp tục ghi danh thêm một lần nữa cho những di sản ấy? Nhưng xem ra cũng không hẳn thế. Theo TS Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, người phụ trách công tác kiểm kê DSVHPVT của Hà Nội, việc lập danh mục di sản nhằm hướng tới mục đích giúp cho chính quyền địa phương nhận diện tầm quan trọng của di sản, để cộng đồng chung tay ưu tiên bảo vệ di sản.
Chỉ đơn giản vậy, chứ không phải là việc công nhận một danh hiệu. Vì thế mà những lễ đón bằng danh hiệu cho những di sản được ghi danh là một cách hiểu sai. Nhưng tại sao người ta lại hiểu sai như vậy? PGS.TS Nguyễn Văn Huy lý giải: Việc tổ chức lễ đón nhận danh hiệu long trọng như đã nói ở trên, thực chất là xuất phát từ thói quen và tư duy “xếp hạng” của những người làm văn hóa địa phương. Theo các chuyên gia văn hóa, trong quá trình nghiên cứu, họ không bao giờ dùng từ “công nhận” với di sản A, B… mà chỉ nói là ghi danh - ghi vào danh mục đối với di sản A, B…
Lại nói chuyện rối nước. Bẵng đi lâu lâu, cho đến năm 2014 Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết sắp đề nghị Chính phủ đồng ý để nghệ thuật múa rối nước xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại. Theo đó, rối nước Việt Nam thu hút sự chú ý của thế giới, nhưng trong quá trình điều tra thực trạng của loại hình nghệ thuật này, rối nước Việt Nam chưa được quan tâm thực sự theo nhiều nghĩa.
Đơn cử như nghệ nhận rối nước thưa vắng dần; khán giả cũng không còn mặn mà lắm với rối nước; những làng nghề sản xuất con rối cũng mai một đi; chính sách đãi ngộ nghệ nhân gìn giữ di sản cũng chưa thấu đáo…
Thế nên nhiều người đã không còn giữ nghề. Ở Hà Nội, có 2 địa điểm biểu diễn rối nước được du khách biết đến là Nhà hát Múa rối Thăng Long và Bảo tàng Dân tộc học (biểu diễn không thường xuyên). Nhưng quan sát thấy, khách Tây vẫn đến xem vẫn đông hơn khách Ta. Bao năm rồi vẫn vậy!
Thế nên, ở những liên hoan mang chủ đề to tát và ý nghĩa, thực chất vẫn nặng về phần trình diễn. Trong khi để được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, thì di sản ấy phải được thực hành thường xuyên trong cộng đồng, ở nơi nó đã được sinh ra…
Điều ấy xem ra bây giờ không dễ!