Hiện Việt Nam có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện và Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Đến nay, Việt Nam đã có gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, phân bố ở hầu khắp các tỉnh, thành phố. 1.881 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, “Nghệ nhân ưu tú”, trong đó có 131 NNND và 1.750 NNUT.
Thời gian qua, bằng các phương pháp độc đáo và sáng tạo, khuyến khích sự tham gia, chia sẻ và quản lý di sản văn hóa của chính cộng đồng, đã tạo nên giá trị cộng đồng và hướng tới sự phát triển đồng đều. Đặc biệt, việc đặt con người - những người là chủ thể của di sản - vào trung tâm của các dự án phát triển văn hóa địa phương đã mang lại những thay đổi đáng kể trong nhận thức về giá trị của di sản.
Trưởng phòng Quản lý văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Ninh Thuận) Phạm Văn Thành cho biết, nghề làm gốm của cộng đồng Chăm ở Ninh Thuận ngày trước làm nhỏ lẻ, chưa biết cách cùng nhau xây dựng để phát triển du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm gốm cổ truyền. Sau khi chương trình Di sản kết nối được triển khai ở Ninh Thuận thì người dân đã có những cái nhìn và cách khai thác mới về nghề gốm truyền thống. “Họ đã biết kể câu chuyện di sản gốm đến với du khách. Từ đó lan tỏa văn hóa theo cách riêng” - ông Thành chia sẻ.
Còn theo Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền, di sản văn hóa phi vật thể đã khẳng định vai trò trong đời sống văn hóa - xã hội, góp phần phát triển kinh tế, du lịch và phát triển bền vững. Di sản có thể thúc đẩy sự gắn kết xã hội, tôn trọng sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người và giúp các cộng đồng, cá nhân kết nối với nhau ở cấp độ địa phương và với thế giới rộng lớn hơn.
TS Phạm Cao Quý - Cục Di sản văn hóa cho rằng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể chính là tạo điều kiện tốt để nghệ nhân, người thực hành, cộng đồng thực hành di sản mà họ đang nắm giữ… Đồng thời, các chính sách gắn với di sản được xây dựng và thực hiện đều phải dựa trên việc lấy con người làm trung tâm.
Năm 2001, lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đã được luật hóa. Năm 2005, Việt Nam là một trong 30 quốc gia sớm tham gia Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
“Cho tới nay, sau 18 năm tham gia Công ước, Việt Nam luôn nỗ lực thể hiện là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong việc thực hiện và thúc đẩy sự phát triển của Công ước tại Việt Nam. Với vinh dự hai lần trúng cử là thành viên Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 và có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, Việt Nam đã thực hiện bài bản việc bảo vệ và phát huy theo các chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản đã cam kết với UNESCO sau khi được ghi danh” - theo bà Lê Thị Thu Hiền.
Tuy nhiên, bà Nikki Locke - Trưởng ban dự án Di sản văn hóa cho sự phát triển đồng đều (Hội đồng Anh) cho rằng, cần khuyến khích và thúc đẩy tinh thần tự nguyện hành động vì di sản văn hóa trong các cộng đồng.
“Nên tạo điều kiện cho người dân duy trì các hoạt động của họ ngay cả khi dự án đã kết thúc, nghĩa là gia tăng kinh phí để hỗ trợ các dự án trong quãng thời gian dài hơn so với các dự án đã tài trợ trong các năm qua. Tôn vinh đa dạng văn hóa, kết hợp góc nhìn đa chiều để cùng nhau tạo nên một tầm nhìn chung. Đồng thiết kế với cộng đồng để có thể tiếp cận nhiều hơn với những cơ hội mới, nguồn tài nguyên, các mối quan hệ, kiến thức và kĩ năng. Các ý tưởng, giải pháp và cách tiếp cận do địa phương lãnh đạo, xoay quanh di sản văn hóa là cách tốt nhất để phát tiến địa phương bền vững” - bà Nikki Locke chia sẻ.
Theo TS Nguyễn Thị Thu Trang - Trưởng phòng Văn hóa phi vật thể (Cục Di sản văn hóa), cần tuyên truyền và nâng cao nhận thức về di sản văn hoá phi vật thể; gắn kết giữa bảo tồn văn hoá và phát triển kinh tế xã hội; Gắn kết văn hoá với du lịch và thể thao trong các sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch quốc gia và quốc tế.