Di sản phi vật thể trước sức ép cuộc sống

Ngọc Mai 17/05/2021 06:30

Ngày 23/11/1945, chưa đầy 3 tháng sau khi nước nhà độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65 về “Bảo tồn cổ tích”, trong đó coi việc bảo tồn các di sản trên toàn lãnh thổ là nhiệm vụ chiến lược đối với công cuộc kiến thiết quốc gia. Di sản văn hóa, trong đó di sản phi vật thể là những viên ngọc quý được hình thành theo dòng chảy lịch sử, là giá trị tâm hồn sâu sắc. Tuy nhiên, đứng trước sức ép của cuộc sống hôm nay, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật không phải là điều dễ dàng.

Múa bồng Triều Khúc.

Hà Nội là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể, mang đặc trưng riêng của văn hóa Thăng Long và vùng văn hóa Xứ Đoài, với 1.793 di sản. Theo giới nghiên cứu văn hóa, Hà Nội có may mắn là nắm giữ nhiều loại hình văn hóa phi vật thể, trong đó có nghệ thuật diễn xướng truyền thống, nhiều lễ hội truyền thống, nhiều nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian…

Lễ hội truyền thống nhiều hơn cả với 1.206 lễ hội lớn nhỏ. Nhưng thời gian trôi qua, công cuộc đô thị hóa quá mạnh mẽ, guồng quay của cuộc sống quá gấp gáp nên nhiều khi người ta đã quên đi những giá trị từng vượt qua thử thách của thời gian.

Sự thay đổi nếp nghĩ, nếp sống cũng khiến không ít người lướt qua những giá trị tinh túy đó. Người ta có thể dễ dàng nhìn thấy một kiến trúc nào đó nhưng lại không dễ dàng gì cảm được những giá trị phi vật thể, nhất là càng khó nhìn thật sâu để thấm dần hồn cốt của di sản.

Nói về hội làng, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa lấy làm tiếc nay nó không còn giữ được những nét tinh tế, dân dã có phần ngẫu hứng như xưa. Nhưng chính những điều tưởng chừng nôm na, ngô nghê đã làm nên sự cuốn hút của hội làng. Làng Triều Khúc, thì nay cũng đã thành phố thành phường, và người ta lại tiếc khi nhớ về điệu múa bồng (các cụ gọi điệu múa này là là con đĩ đánh bồng, vì phải huy động nam đóng giả gái múa theo kiểu lả lơi, phóng túng, đánh phấn tô son, mặc váy xòe đụp).

Hôm nay, trong lễ hội, người làng Triều Khúc vẫn còn múa bồng, nhưng nó đã nhạt màu. Nói như nghệ nhân Triệu Đình Hồng, người có công phục hồi và phát huy điệu múa trống bồng thì không chỉ hóa trang thành nữ, khi múa phải thể hiện sự lẳng lơ và người múa phải là thanh niên trai trẻ, dáng người thanh tú. Thế rồi nhiều thanh niên thấy ngại ngùng khi tham gia. Số nam thanh niên trong làng tham gia ngày càng ít, vì cuộc sống thị thành với nhiều sự tân kỳ cuốn hút họ hơn.

Cũng không chỉ múa bồng Triều Khúc, tới nay nhiều loại hình diễn xướng dân gian cổ đất Thăng Long cũng như vùng văn hóa Xứ Đoài cũng đã dẫn mai một. Ví dụ như hát tuồng cổ thôn Cốc Thượng (xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ); hát trống quân xã Khánh Hà (huyện Thường Tín).

Nay, hình như nó chỉ còn trong ký ức của những bạc cao niên trong làng hay là những người đi xa nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn. Cuộc sống ồn ã, vội vã khiến người ta lướt qua quá nhiều thứ, kể cả những giá trị văn hóa đã định hình.

Thực tế thì ngoài một số di sản gắn liền với các hội làng thì di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật trình diễn của Hà Nội đang có nguy cơ mai một vì có rất ít người thực hành. Các lễ hội ở nhiều nơi cũng bị biến dạng, thêm thắt rất nhiều những “chi tiết mới” khiến cho những giá trị nền tảng bị khuất lấp. Vì thế, những người được cho là “chủ thể văn hóa” cũng không còn muốn phục dựng gìn giữ.

Thời gian gần đây, một số nhà nghiên cứu văn hóa, một số nghệ nhân và một số nghệ sĩ đương đại đã có không ít nỗ lực với mục đích làm sống lại giá trị của những loại hình diễn xướng dân gian. Có lẽ đáng kể nhất là hát xẩm Hà Thành. Tất nhiên, để phòng chống dịch Covid-19, phố đi bộ tạm dừng, khu vực phố cổ, dọc theo phố Hàng Ngang - Hàng Đào… cũng không còn tổ chức những hoạt động văn hóa ngoài trời nên các nhóm xẩm cũng không có điều kiện trình diễn.

Xẩm Hà Nội với Hà Myo.

Nhưng trong vòng chục năm nay, xẩm Hà Thành đã được nhiều người biết đến, vì rằng chỉ cần một lần được thưởng thức ngay trên phố trong một buổi tối đông người qua lại, thì cũng đủ để có ấn tượng sâu đậm.

Đáng chú ý, không chỉ trình bày những khúc xẩm được coi là cổ điển, mà một số nghệ sĩ đương đại đã đặt lời mới, với mong muốn hòa được vào cuộc sống hôm nay. Có thể nêu ví dụ Nhóm xẩm Hà Thành từng có bài “Tiêu diệt corona”, do nhạc sĩ Nguyễn Quang Long sáng tác dựa trên điệu xẩm sai. Bài hát khai thác tối đa thế mạnh tiết tấu bộ gõ mang âm hưởng nhã nhạc cung đình Huế, pha trộn nét hài hước, rộn ràng của hề chèo và rap. Chính những yếu tố đó đã làm cho xẩm có giọng điệu mới.

Thật đáng quý khi có một số người trẻ cũng đã vào cuộc, khai thác những vẻ đẹp văn hóa từng bị không ít người cho là “âm lịch”. Đó là trường hợp nữ ca sĩ trẻ Hà Myo từng có một phiên bản về xẩm - “Xẩm Xuân xanh. Từ chất liệu âm nhạc của các điệu xẩm chợ, tàu điện và trống quân, những lời ca mới và tinh thần âm nhạc mới đã lan tỏa trong Xẩm Xuân xanh của Hà Myo.

Không cầu kỳ về mặt hình ảnh, MV Xẩm Xuân xanh thực hiện khá đơn giản nhưng chính thế lại mang tinh thần gần gũi, vui vẻ, sinh động và đưa chuyện thời sự (như chống Covid-19, hay là thiên tai bão lũ miền Trung) vào mà không bị khiên cưỡng.

Để bảo tồn, phát huy những giá trị di sản phi vật thể có nhiều cách và đòi hỏi phải được nhận thức đúng, đầu tư thỏa đáng. Nhưng trước hết, quan trọng nhất và sau cùng phải là có tâm: Cái tâm của những người thực hành nó. Tìm ra được những giá trị cốt lõi, rồi phả vào đó hơi thở cuộc sống đương đại chính là cách để những di sản phi vật thể (mà ở đây là những hình thức diễn xướng dân gian) tìm được chỗ đứng trong cuộc sống hôm nay.

Tuy nhiên, như đã nói, chỉ có thể làm được điều đó khi thật sự có tâm, có tâm với những gì người xưa để lại. Nếu không, chính chúng ta sẽ là người làm cho dòng chảy văn hóa bị đứt đoạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Di sản phi vật thể trước sức ép cuộc sống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO