Khởi đầu bằng đam mê, một nhóm nghiên cứu di sản văn hóa độc lập đã số hóa gần 8.000 đầu tư liệu Hán Nôm đồng thời lập trang web đưa thông tin, hình ảnh hơn 2.000 ngôi chùa lên mạng với mong muốn lan tỏa di sản tư liệu và tạo ra một mô hình mới trong nghiên cứu, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống...
Các thành viên của nhóm hiện làm việc tại Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo Đại Dương Sùng Phúc tự - chùa Sủi (xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Hơn 10 năm trước, họ tình cờ gặp nhau khi cùng chung tình yêu và niềm đam mê bảo tồn và phát huy văn hóa Phật giáo.
Ngày đó, Trần Ngọc Thoan còn là sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tình cờ anh nhận được yêu cầu số hóa kinh sách của một số chùa chiền. Quá trình làm việc, mỗi lần về thăm các ngôi chùa, anh Thoan cảm nhận rất rõ về một mạch chảy văn hóa của quê hương trong từng pho tượng, từng cuốn sách cổ hay những nét kiến trúc cổ kính, rêu phong trên các mái chùa.
Từ đó, anh cùng một số bạn bè tìm hiểu sâu hơn về những câu chuyện đằng sau những di sản quý báu về Phật giáo và tìm cách số hóa để lan tỏa rộng rãi đến mọi người. Càng tìm hiểu, anh Hoan và các cộng sự càng thấy kho tàng di sản tư liệu Phật giáo đồ sộ còn “ẩn giấu” rất nhiều bí ẩn, nhiều tư liệu chưa phát lộ.
Khó khăn lớn nhất ở đây là các tư liệu đều nằm rải rác dưới hàng nghìn ngôi chùa, để số hóa được là một công việc rất kỳ công và tốn nhiều công sức. Thế nhưng, với tình yêu và sự trân trọng các giá trị di sản của Phật giáo, anh Thoan và cộng sự đã không quản xa xôi, lặn lội tìm về các ngôi chùa.
Nhận thấy tấm lòng của những người trẻ, nhiều vị trụ trì mở lòng với Thoan cùng cộng sự, cho phép các anh tiếp cận, số hóa, hệ thống hóa và phổ biến các tư liệu đó đến cộng đồng.
Thượng tọa Thích Thanh Phương - Trụ trì chùa Sủi là người rất thấu hiểu tấm lòng với di sản của các bạn trẻ. Từ năm 2022, Thượng tọa đã thành lập Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo chùa Sủi, mà các thành viên của Văn phòng chính là Thoan và các cộng sự của anh. Một không gian nhỏ trong chùa được vị trụ trì bố trí để các bạn thực hành công việc nghiên cứu văn hóa Phật giáo, văn hóa truyền thống.
Tính đến nay Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo chùa Sủi đã có một kho tư liệu đồ sộ, gồm gần 8.000 đầu tư liệu Hán Nôm dưới dạng số hóa, gồm: Kinh, sách, bi ký, khoa cúng, sắc phong… và nhiều tư liệu khác. Những tư liệu này đã được tập hợp, phân loại và theo hệ thống để thuận tiện cho việc nghiên cứu.
Theo chia sẻ của anh Thoan, toàn bộ kho tư liệu đồ sộ này được đưa lên hệ thống lưu trữ đám mây. Bất cứ nhà nghiên cứu, dù là chuyên nghiệp hay không chuyên, Văn phòng đều cung cấp mã để mọi người cùng tiếp cận. Do kinh phí hạn chế, nên mỗi lĩnh vực, Văn phòng chỉ bố trí một chuyên gia.
Nhiều người thắc mắc, để thực hiện một công việc đồ sộ, tốn nhiều công sức, thời gian và trí tuệ như thế thì nguồn kinh phí ở đâu? Anh Thoan cho biết, để có nguồn kinh phí sống được với đam mê, anh đã thành lập Công ty TNHH Vilapa (tức Việt Lạc bát nhã), chuyên kinh doanh ấn phẩm tín ngưỡng, tôn giáo; trang trí đình, đền chùa; dịch vụ số hóa di tích theo yêu cầu... Anh Thoan vừa điều hành công ty vừa tham gia điều hành Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo Đại Dương Sùng Phúc tự.
Những ngày qua, nhân dịp Đại lễ Phật đản 2025 các thành viên của Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo tất bật chuẩn bị các tư liệu, hiện vật trưng bày tại Triển lãm văn hóa Phật giáo như: Các bộ cà sa của một số danh tăng, tháp Phật giáo cổ; những di sản tư liệu Phật giáo với các bộ kinh, sách cổ và sách phục chế, mộc bản Phật giáo...
Đặc biệt, trong đó có những cuốn kinh cổ mà các thành viên Văn phòng đã phải tốn nhiều công sức để khôi phục. ThS. Nguyễn Tiến Hưng cho biết, những tư liệu này được sưu tầm ở nhiều danh thắng Phật giáo như chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang, các chùa Quán Sứ, Bà Đá ở Hà Nội…
“Khi chúng tôi tiếp nhận các cuốn kinh Phật đều hư hại nặng nề, nhóm đã phải dành nhiều thời gian phục chế từng trang sách để đem đến diện mạo tốt nhất. Phải tỉ mỉ, kỳ công từng chút một, nhưng thành quả có được rất lớn, rất quý, giúp mọi người có thể hiểu thêm về lịch sử Phật giáo Việt Nam” - anh Hưng chia sẻ.
Nhìn vào công trình đồ sộ của nhóm nghiên cứu càng thấy khâm phục họ. Có thể nói, đây là một mô hình mới mẻ, tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Phật giáo tại Việt Nam. Điều đặc biệt của mô hình này chính là sự kết hợp linh hoạt giữa chuyên môn học thuật và hoạt động kinh doanh có định hướng di sản. Nhờ đó, các dự án bảo tồn không chỉ mang tính học thuật mà còn có tính ứng dụng cao, dễ tiếp cận với công chúng.