Thời 4.0 đang mang đến sức sống mới cho các di tích, bảo tàng để thu hút đông đảo du khách tham quan, đặc biệt là người trẻ. Việc kết hợp hài hòa giữa công nghệ, mạng xã hội và thông tin lịch sử đã biến các di tích, bảo tàng tưởng như khô khan trở thành điểm đến yêu thích của giới trẻ.
Cùng với đó, việc khoác lên mình “chiếc áo mới” cho di sản bằng việc ứng dụng khoa học công nghệ đang ngày càng tiệm cận với thế giới, góp phần bảo tồn và lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử đến thế hệ mai sau.
Mạng xã hội với sự phổ biến và tầm ảnh hưởng lan rộng, đã trở thành cánh cửa kết nối thế giới di sản văn hóa cho giới trẻ. Với việc tạo những nội dung độc đáo cùng hình thức đa dạng như video, hình ảnh, livestream… mạng xã hội cung cấp tài nguyên, kiến thức về văn hóa, lịch sử, di sản ngày một hấp dẫn hơn.
Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi cho việc tương tác, trao đổi hai chiều, thúc đẩy và nâng cao hiểu biết của công chúng. Bắt nhịp với xu hướng hiện nay, nhiều di tích và bảo tàng đã tận dụng những nền tảng như website, Facebook, YouTube, TikTok để quảng bá, thu hút người trẻ đến với những địa điểm tưởng chừng như sẽ nhàm chán này.
Có thể dễ dàng nhận thấy nhiều khu di tích lịch sử, bảo tàng trên cả nước đã và đang rất thành công trong việc lan tỏa hình ảnh, giá trị di sản văn hóa, lịch sử trên Facebook, TikTok... thu hút lượng tương tác tích cực như: Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám… Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học…
Nổi bật nhất trong thời gian vừa qua trong lĩnh vực truyền thông cho di tích lịch sử, gây sự chú ý và thu hút nhiều người trẻ đến trải nghiệm là kênh truyền thông của di tích Nhà tù Hỏa Lò. Nhờ cách làm truyền thông sáng tạo của đội ngũ truyền thông năng động, nắm bắt xu hướng, tâm lý người trẻ đã giúp di tích Nhà tù Hỏa Lò thành công trong việc “kéo” lịch sử gần hơn với công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ.
Hiện trang chủ "Di tích Nhà tù Hỏa Lò - Hoa Lo Prison Relic" có số lượng người theo dõi gần 400.000 lượt, đội ngũ truyền thông của di tích đã có nhiều sáng tạo trong hình thức thể hiện như lồng ghép câu đố hóm hỉnh, lời bài hát, hình ảnh minh họa… với thông tin gắn liền với lịch sử.
Đứng đằng sau thành công trong việc truyền thông của Di tích Nhà tù Hỏa Lò là đội ngũ truyền thông với phương châm “không lộ diện” khiến nhiều người tò mò. “Chúng tôi giấu mặt không phải vì… concept truyền thông bí ẩn, cũng không vì một lý do nào đó đặc biệt. Chúng tôi chỉ đơn thuần muốn hướng mọi sự quan tâm và thảo luận về Hỏa Lò, hơn là hướng về những người đang làm truyền thông cho di tích”, đại diện Di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết và chia sẻ rằng, “điều khiến chúng tôi vui hơn cả là việc di tích Nhà tù Hỏa Lò nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng ở mọi thế hệ, hơn là niềm vui vì bản thân được tung hô và tưởng thưởng”.
Không chỉ nhờ truyền thông tốt, Nhà tù Hỏa Lò còn thu hút du khách bằng cách tạo ra các sản phẩm du lịch mới lạ, trở thành một địa điểm hot hơn bao giờ hết, thu hút rất nhiều du khách. Tiếp nối thành công của set đồ ăn chế biến từ lá bàng được phục vụ trong tour đêm của Nhà tù Hỏa Lò, mới đây, trên trang Fanpage Nhà tù Hỏa Lò lại gây chú ý khi tung hình ảnh của sản phẩm mới trà sữa bàng, thu hút sự quan tâm đông đảo của cư dân mạng. Hiện tại, rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ đang tấp nập "tag" tên nhau hẹn ngày đi Nhà tù Hỏa Lò để được thưởng thức món trà sữa độc đáo này.
Hà Anh (Hà Đông, Hà Nội) - một vị khách đã từng thưởng thức món trà sữa bàng, cho biết, khi lướt Facebook đến bài viết giới thiệu trà sữa bàng của Nhà tù Hỏa Lò, ngay lập tức Hà Anh đã lên kế hoạch rủ bạn bè đến đây để thưởng thức. Một phần vì tò mò về món đồ uống này, một phần muốn đến để tham quan, trải nghiệm bên trong khu di tích. "Trà sữa bàng có mùi rất thơm, khi uống sẽ thấy mùi hương thoang thoảng và đọng lại một chút vị chát chát của trà bàng. Cùng với đó là sự kết hợp với trân châu hoàng kim, thạch bàng với mùi hương lá nếp tạo nên một vị rất đặc biệt. Tôi nghĩ nếu có dịp đến với Nhà tủ Hỏa Lò thì không thể bỏ qua món đồ uống đặc biệt này…", Hà Anh bày tỏ.
Ngoài di tích Nhà tù Hỏa Lò, di tích Hoàng thành Thăng Long cũng là điểm sáng nổi lên về việc thay đổi để thích ứng với hiện đại mà vẫn giữ được giá trị văn hóa, lịch sử. Nhờ cách làm đổi mới, sáng tạo phát triển các chương trình du lịch trải nghiệm kết hợp với sử dụng mạng xã hội để truyền thông khu di tích Hoàng Thành Thăng Long đã thu hút được một lượng lớn du khách tới tham quan. Năm 2023, di tích này đã có khoảng 800.000 lượt khách du lịch ghé thăm.
Dưới góc nhìn của người làm thực tế, bà Nguyễn Minh Thu - Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh khu di tích Hoàng thành Thăng Long cho rằng: “Hiện nay các bạn trẻ thường theo xu hướng (trend), đi đến nơi nào hay, thú vị các bạn sẽ chụp ảnh, quay video đăng tải trên mạng thu hút thêm nhiều bạn trẻ khác cùng đến tạo thành trend du lịch. Tôi nghĩ đó là phương thức truyền thông tự thân”.
Hiện, bên cạnh việc kích thích truyền thông tự thân, bà Thu cũng cho biết, Hoàng thành Thăng Long đã và đang triển khai nhiều phương thức truyền thông từ truyền thống như báo chí, áp phích và trên các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube…
Về phía các bảo tàng, cũng theo xu thế hiện nay, trên mạng xã hội, check-in tại các bảo tàng quốc gia như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam… và một số bảo tàng địa phương tại Hà Nội, Điện Biên Phủ, Quảng Ninh, TPHCM đang trở thành xu hướng thịnh hành.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thời gian qua đã liên tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông qua các kênh mạng xã hội để quảng bá hình ảnh đến với công chúng. Đây cũng là một trong những bảo tàng được đánh giá tham gia mạnh mẽ vào công cuộc số hóa. Còn tại TPHCM, một số bảo tàng như Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, Bảo tàng Áo dài... cũng là điểm đến quen thuộc, được nhiều vlogger đến chụp ảnh, quay video và lan tỏa trên các kênh mạng xã hội.
Từ những bước đệm truyền thông của các bảo tàng, hiện có không ít TikToker và YouTuber nổi tiếng đã chọn các bảo tàng và di tích làm chủ đề cho các video đánh giá. Những đoạn video với hình ảnh đẹp, thông tin hấp dẫn đã thu hút hàng triệu lượt xem, tạo nên những “cơn sốt” trực tuyến và lan tỏa mạnh mẽ đến đông đảo giới trẻ trong và ngoài nước. Những bài viết và video này giúp người xem có cái nhìn tổng quan về di sản và bảo tàng, khám phá những điểm nổi bật và phần nào nắm bắt tinh thần, ý nghĩa sâu sắc của từng địa điểm.
Điều này góp phần khiến các công trình di sản trở nên thân thuộc hơn với cộng đồng. Ở khía cạnh này, có thể nói vlogger chính là cầu nối lan toả những giá trị đặc biệt của di sản đến với đông đảo công chúng.
Điểm nổi bật của các video này là đều được dẫn dắt bởi những bạn trẻ Gen Z với góc nhìn mới lạ, cách dàn dựng trẻ trung, lồng ghép âm nhạc hấp dẫn, cùng lời giới thiệu ngắn gọn, cuốn hút để người xem có cảm giác muốn “xách ba lô lên và đi”. Các video/clip của TikToker sau khi đăng tải không chỉ được người xem biết tới mà bên dưới bài đăng, nhiều thông tin về bảo tàng được trao đổi, chia sẻ như về giá vé, địa điểm gửi xe, phụ phí chụp ảnh, giờ mở cửa vào ngày nghỉ lễ…
Nhờ sự bùng nổ của truyền thông mạng xã hội cùng sự phát triển của công nghệ đã giúp cho các địa điểm lịch sử hay các bảo tàng “chạm” đến giới trẻ. Họ quan tâm và tìm về những “địa chỉ đỏ” như một cách tìm về cội nguồn dân tộc, truyền thống tôn sư trọng đạo và lịch sử Việt Nam. Thông qua việc tham quan, giới trẻ đang dần ý thức được việc tiếp cận gần hơn với văn hóa truyền thống và lan tỏa những giá trị cốt lõi của dân tộc.
Nhận định về sức ảnh hưởng của mạng xã hội đối với việc tiếp nhận văn hóa, lịch sử của giới trẻ, TS Đinh Thị Thanh Tâm - Phó trưởng khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: “Giới trẻ ngày nay có nhiều điều kiện và cơ hội tiếp cận với những thông tin, dữ kiện lịch sử thông qua internet.
Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông, các bạn trẻ có được những cách nhìn mới mẻ và thú vị hơn về lịch sử, đó cũng là lý do các điểm di tích, bảo tàng tích cực đầu tư, sử dụng mạng xã hội để quảng bá hoạt động thu hút sự quan tâm của tệp khách này. Đây là sự “chuyển mình” nhanh chóng, kịp thời nhằm thích ứng với sự phát triển của công nghệ truyền thông và xu hướng trải nghiệm của giới trẻ hiện nay”.
“Những hoạt động này có vai trò quan trọng trong việc phát triển các di tích trong hiện tại và tương lai. Đó là, không chỉ mang lại những lợi ích thiết thực như lượng khách tham quan tăng lên, thúc đẩy doanh thu cho các địa điểm di tích lịch sử, bảo tàng, mà còn góp phần nâng cao nhận diện thương hiệu và thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Đồng thời, những cách làm sáng tạo trên cơ sở ứng dụng công nghệ sẽ tạo điểm nhấn cho các khu di tích, trở thành điểm đến du lịch của bạn bè quốc tế khi muốn tìm hiểu văn hóa, lịch sử của Việt Nam”, TS Thanh Tâm đánh giá.
Việc chuyển mình trong công tác truyền thông để kéo du khách đến với di tích lịch sử, bảo tàng trong thời gian qua là việc làm cần thiết mà hầu như bất cứ di tích, bảo tàng nào cũng thực hiện. Và cùng đi đôi với đó, không thể thiếu công tác chuyển đổi số trong trưng bày, quản lý di sản bằng công nghệ hiện đại, cũng là một phần quan trọng để du khách có được những trải nghiệm mới, phù hợp với nhu cầu thị hiếu hiện nay.
Tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phát triển hình thức trải nghiệm thực tế ảo VR “Đi tìm hoàng cung đã mất”. Nhờ vào công nghệ VR, 3D được sử dụng cùng kính thực tế ảo, ghế ngồi chuyên dụng, chương trình cho phép du khách có thể di chuyển, tham quan toàn bộ không gian bao gồm cả các công trình đang còn hay đã mất của kinh thành thời Nguyễn một cách chân thực và sống động nhất. Qua đó giúp họ hiểu hơn về kiến trúc, câu chuyện lịch sử liên quan đến di sản này.
Hay cuối năm 2023, sản phẩm chiếu sáng 3D (3D mapping) đã dần được áp dụng tại nhiều đơn vị di sản như Văn Miếu - Quốc Tử giám, Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long, Hoàng thành Huế… là những hình ảnh, video 3D mang hiệu ứng thị giác độc đáo và biến đổi liên tục dựa theo ý tưởng hoặc câu chuyện sáng tạo. Hình thức này được ứng dụng phổ biến trên các hiện vật, di tích, trong các sự kiện.
Trong khi đó, phần lớn các bảo tàng cũng đã ứng dụng công nghệ ở các mức độ khác nhau. Mức độ đơn giản là xây dựng trang web, số hóa một số hiện vật dưới dạng 2D, 3D. Cao hơn là ứng dụng đồng bộ trên nền tảng Android và IOS, để khách tham quan có thể quét mã QR, tìm hiểu thông tin về các hiện vật. Số hóa đang giúp cho hoạt động bảo tàng trở nên hấp dẫn hơn với người xem.
Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, mỗi ngày có khoảng hơn 2.000 lượt truy cập, xem tài liệu, hiện vật. Theo ông Đào Tuấn Anh - Trưởng phòng Truyền thông Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, bảo tàng sẽ tiếp tục xây dựng các ứng dụng tham quan thông minh trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, tích hợp nền tảng đa ngôn ngữ trên thiết bị audio phục vụ thuận lợi cho khách tham quan nước ngoài.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số cùng phát huy thế mạnh truyền thông trên mạng xã hội trong thời gian qua của các di tích, bảo tàng trên toàn quốc là những tín hiệu tích cực để thu hút du khách, đặc biệt là đánh vào thị hiếu của người trẻ.
Từ đây tạo dựng cho thế hệ trẻ cách nhìn nhận và tiếp cận với lịch sử, văn hóa theo cách mới, vừa giúp họ tiếp thu kiến thức, vừa thúc đẩy chính bản thân người trẻ trở thành những người kết nối văn hóa giữa hiện tại và tương lai. Đây sẽ là cách làm hay cần được các đơn vị tiếp tục nhân rộng và triển khai để ngày càng có thêm nhiều người tìm đến với di tích, bảo tàng, nhân thêm những giá trị văn hóa đến với du khách trong nước và quốc tế.
TS Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: Kết hợp nhiều yếu tố để thu hút du khách
Thời gian qua, đứng trước thách thức phải đổi mới để phục vụ khách tham quan hiệu quả hơn, thu hút công chúng đến với Bảo tàng, chúng tôi đã nghiên cứu xây dựng những sản phẩm công nghệ góp phần gia tăng trải nghiệm cho khách như ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA. Chỉ với chiếc điện thoại di động hoặc máy tính bảng có kết nối internet, khách tham quan có thể tự do khám phá các tác phẩm được trưng bày của Bảo tàng ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.
Tiếp đó, Bảo tàng đã cho ra mắt công nghệ tham quan trực tuyến 3D tour; Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến (gọi tắt là VAES). Gần đây, Bảo tàng ứng dụng hiệu quả các công nghệ 3D mapping hay các công nghệ về hình ảnh khác để các trưng bày chuyên đề của Bảo tàng trở nên mới mẻ, hấp dẫn và thu hút các tầng lớp công chúng yêu nghệ thuật.
Cùng với đó, để thuận lợi cho du khách khi quan tâm đến bảo tàng, từ đầu năm 2024, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chính thức đưa Hệ thống vé điện tử trực tuyến - liên thông - đa phương thức vào phục vụ khách tham quan. Hệ thống vé điện tử mang lại tiện ích phục vụ khách tham quan, thuận lợi hơn cho hướng dẫn viên và doanh nghiệp lữ hành. Đồng thời giúp Bảo tàng đánh giá được đặc điểm, hành vi, xu hướng của khách tham quan, từ đó có những điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của công chúng.
Thêm vào đó, gần đây lượng khách đến với Bảo tàng tăng gấp đôi so với những năm trước đây. Thông qua khảo sát điều tra của Bảo tàng đã cho thấy, công chúng biết đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam rộng rãi hơn trước là qua mạng xã hội của bảo tàng và qua những video/clip của các bạn trẻ đến thăm bảo tàng đăng tải.
Việc làm của các bạn trẻ đã giúp lan tỏa mỹ thuật đến với công chúng ở khắp mọi nơi, có thể nói các bạn trẻ chính là cầu nối đang giúp bảo tàng nối cánh tay dài đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Tôi mong rằng trong thời gian tới với những phương thức truyền thông và ứng dụng công nghệ hiện đại, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút thêm nhiều người đến tham quan, trải nghiệm.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành: Đẩy mạnh kết hợp các phương thức truyền thông
Truyền thông đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động của các khu du lịch lịch sử, bảo tàng cũng như bất cứ thiết chế văn hóa nào mở cửa cho công chúng. Ngoài nhiệm vụ quảng bá thông tin để thu hút khách, truyền thông còn đóng vai trò giáo dục cho đối tượng công chúng mục tiêu, tạo nhu cầu thưởng thức sản phẩm và dịch vụ văn hóa trong tương lai.
Trong thời đại số việc truyền thông không nên chỉ dừng lại ở các hình thức truyền thống như tờ rơi, banner, poster, bảng biển, báo chí mà còn cần được mở rộng sang các kênh mạng xã hội như YouTube, Instagram, Facebook và các mạng xã hội khác. Truyền thông bao giờ cũng phải bắt đầu từ một câu chuyện hay, một chất liệu hấp dẫn. Đội ngũ làm sản phẩm tham quan của một số khu di tích, bảo tàng đã dày công nghiên cứu và xây dựng được một hành trình trải nghiệm độc đáo dành cho khách tham quan.
Chính cái hay của tour trải nghiệm này (hình ảnh, âm thanh, ẩm thực, địa điểm độc đáo, sự sắp đặt âm thanh, ánh sáng và hoạt cảnh cùng với thời gian tham quan ngoài giờ thông thường...) kết hợp với giới hạn về số lượng khách được tham quan và cách truyền thông hiện đại đã tạo nên sức hút cho những địa điểm.
Bên cạnh đó, truyền thông cũng cần phải có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Kênh truyền thông hiện đại ở đây là các kênh truyền thông xã hội (social network) bao gồm các kênh mạng xã hội hình ảnh (Pinterest, Instagram), video (YouTube, Instagram reels, TikTok, Vimeo), âm thanh (Club house, postcast, post course)... các forum theo chủ đề.
Về nội dung cần được chuẩn bị để phù hợp với từng đối tượng công chúng mục tiêu đặc biệt là với người trẻ tuổi. Về hình thức cần sử dụng text ngắn, video ngắn để dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ lan tỏa. Có thể dùng các hình thức mà giới trẻ yêu thích như hình vẽ đơn giản, vui vẻ, dễ hiểu. Và chú ý đến sự ảnh hưởng lớn của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (gọi là KOLs, KOCs), tạo điều kiện để họ lan tỏa thông tin.