Sáng 26/4, tại xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Di tích Khảo cổ Vĩnh Hưng.
Tham dự buổi lễ có ông Nông Quốc Thành. Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh và cán bộ, Nhân dân xã Vĩnh Hưng A.
Tháp Vĩnh Hưng (nằm ở ấp Trung Hưng 1B, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu là ngôi tháp có bề dày lịch sử lâu đời nhưng mãi đến những năm đầu thập niên của thế kỷ XX, các nhà khoa học mới biết đến và bắt đầu nghiên cứu tìm hiểu.
Tại đây, các nhà khảo cổ học đã khai quật được nhiều hiện vật hết sức quý giá với nhiều tượng đá, đồng, gốm, đá quý… đánh dấu một giai đoạn tồn tại và phát triển khá dài (từ thế kỷ IV đến thế kỷ XIII sau Công nguyên).
Trong những cuộc khai quật tháp Vĩnh Hưng, các nhà khảo cổ học đã tìm được nhiều hiện vật tượng bằng đồng, gốm, đá quý... hết sức giá trị. Trong đó, có 5 hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia: Tượng Nữ thần Laksmi, tượng Thần Sada Shiva, đầu tượng Thần Shiva, phù điêu Nữ thần Uma và tượng Nam thần. Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và khoa học, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 694 xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với di tích Khảo cổ Vĩnh Hưng.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều khẳng định, Di tích Khảo cổ Vĩnh Hưng được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt không chỉ là niềm tự hào của Nhân dân huyện Vĩnh Lợi, nhân dân Bạc Liêu mà còn góp phần giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng của di sản văn hóa vật thể dân tộc.
Tháp Vĩnh Hưng mang tính tiêu biểu và độc đáo là kiến trúc dạng tháp ở Nam Bộ còn nguyên dạng và mang tính chất duy nhất của một nền kiến trúc còn lại trên mặt đất của văn hóa Óc-Eo.
Để thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương xây dựng Quy hoạch di tích nhằm kịp thời có biện pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi các yếu tố gốc của di tích; định hướng tổ chức không gian các hạng mục công trình bổ trợ, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và tạo lập môi trường cảnh quan trong khu vực di tích.
Ngoài ra, tiếp tục hoàn chỉnh nội dung trưng bày và phục vụ tốt nhu cầu tìm hiểu, học tập của các tầng lớp Nhân dân trong và ngoài tỉnh; kêu gọi đầu tư để nâng cấp hạ tầng giao thông, kết nối kết nối tua, tuyến để nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn.
Cũng trong sáng ngày 26/4, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ khánh thành Dự án trưng bày nội thất bảo tàng tổng hợp tỉnh Bạc Liêu.
Dự buổi khánh thành có Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng.
Dự án trưng bày nội thất Bảo tàng tổng hợp Bạc Liêu trong khối nhà B,C thuộc Trung tâm triển lãm văn hóa, nghệ thuật và nhà hát Cao Văn Lầu, được HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 21 với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 75 tỷ đồng.
Dự án do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu làm chủ đầu tư. Dự án trưng bày nội thất Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bạc Liêu với phần trưng bày cố định có diện tích gần 2.000 m2 để đáp ứng nội dung trưng bày từ hiện vật đến sử liệu. Qua đó, chuyển tải 10 chủ đề tái hiện từ lịch sử hình thành vùng đất và con người Bạc Liêu đến quá trình đấu tranh bảo vệ đất nước và những thành tựu trong quá trình đổi mới của Đảng bộ, quân và dân Bạc Liêu.
Khi đưa vào hoạt động bảo tàng sẽ là trung tâm giáo dục về truyền thống yêu nước, tinh thần dũng cảm kiên cường trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc; ý thức giữ gìn, tôn vinh những giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương và bản sắc văn hóa của dân tộc. Đây cũng sẽ là điểm đến thu hút người dân trong tỉnh và du khách gần xa tham quan, học tập và trải nghiệm, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, con người Bạc Liêu.