Xã hội

Di tích lịch sử 27/7: Nơi cội nguồn tri ân

Toán Nguyễn - Tuấn Tú 24/07/2024 07:28

Là di tích có ý nghĩa đặc biệt, nơi khởi nguồn phong trào đền ơn đáp nghĩa trong cả nước, Khu di tích lịch sử quốc gia 27/7 tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gắn liền với các sự kiện lớn của dân tộc mỗi dịp tháng 7 hàng năm.

Chúng tôi về Di tích lịch sử 27/7 đúng vào dịp cô và trò của Trường tiểu học Đồng Doãn Khuê đang tham gia quét dọn, vệ sinh tại đây. Được biết đây là một trong những trường học thường xuyên tổ chức cho giáo viên và học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa tại khu di tích.

Cô giáo Hà Thị Mười - Hiệu trưởng Trường tiểu học Đồng Doãn Khuê thông tin: Chúng tôi rất tự hào vì là trường học ở gần với Di tích lịch sử 27/7, cùng với đó là trách nhiệm rất lớn, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”. Mỗi tháng ít nhất một lần là thầy, cô và học trò lại sang di tích quét dọn, nhặt lá; ngày lễ thì đến dâng hương; ngày Rằm, mồng 1 thì thắp hương.

Trường tiểu học Đồng Doãn Khuê cũng thường xuyên tổ chức chương trình ngoại khóa cho các học sinh tại đây với mục đích giáo dục truyền thống cách mạng, tìm hiểu lịch sử... Các chương trình khen thưởng hay kết nạp Đảng cho giáo viên, kết nạp Đội cho học sinh cũng được tổ chức tại khu di tích. Trong không khí thiêng liêng ấy, những cán bộ, học sinh sẽ thấy tự hào và phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn.

th-dong-doan-khue-4-.jpg
Thầy cô và học trò Trường tiểu học Đồng Doãn Khuê tham gia dọn dẹp vệ sinh hàng tháng tại Khu di tích lịch sử 27/7.

Di tích lịch sử quốc gia 27/7 hiện nay luôn được lựa chọn là một trong những địa điểm quan trọng, là cầu nối giữa quá khứ lịch sử hào hùng của dân tộc với hiện tại xây dựng xã hội văn minh, giàu mạnh. Nơi đây là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống, tưởng nhớ công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng, thương binh, liệt sĩ.

Mỗi năm, Khu di tích lịch sử 27/7 đón hàng nghìn lượt đoàn đại biểu, các đoàn học sinh, sinh viên trên cả nước đến tham quan và là điểm đến trong hành trình về nguồn. Đây là phương pháp giáo dục lịch sử, kết hợp giữa lý thuyết và thực tế, thu hút rất đông đảo các tầng lớp nhân dân, cán bộ, giáo viên và học sinh nhiệt tình tham gia.

th-dong-doan-khue-1-.jpg
Khu di tích lịch sử 27/7 là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên.

Ông Nguyễn Đình Đông (67 tuổi) là người đã làm việc tại Khu di tích lịch sử 27/7 được 15 năm cho biết: Là một cựu chiến binh nên ông cảm thấy bản thân luôn trách nhiệm, nhiệt huyết để tỏ lòng thành kính với các anh hùng cách mạng, thương binh, liệt sĩ. Công việc hàng ngày là bảo vệ, quét dọn và chuẩn bị chu đáo tiếp đón các đoàn khách đến tham quan, dâng hương, về nguồn.

Ông Đông nói thêm: “Tôi được phục vụ rất nhiều đoàn khách, là lãnh đạo trung ương, các tỉnh, các tầng lớp cán bộ, thế hệ trẻ... đến dâng hương, viếng thăm di tích. Sau mỗi lần như thế, tôi lại căn dặn con cháu biết quan tâm, yêu thương những người trong gia đình, biết chia sẻ với người khó khăn. Đặc biệt mong muốn con cháu mình phải cố gắng học tập, phải phấn đấu để đứng trong hàng ngũ cán bộ, Đảng viên và trở thành những người có ích cho xã hội”.

73aefeec61a5c4fb9db4.jpg
Dưới tán cây đa cổ thụ, nơi tổ chức mít tinh công bố ra đời Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7/1947.

Di tích lịch sử ngày 27/7 - "nơi cội nguồn tri ân" là điểm tựa, niềm tin, động lực để huyện Đại Từ và tỉnh Thái Nguyên, cùng cả nước khơi dậy niềm tự hào dân tộc, vững bước phát triển, xứng đáng với công lao, sự hy sinh xương máu của lớp lớp thế hệ cha anh, hy sinh xương máu vì độc lập tự do, thống nhất đất nước và hạnh phúc của Nhân dân.

Sự ra đời của Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7

Ngược dòng lịch sử, thời điểm năm 1946 - 1947, trong bối cảnh cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp đang rất ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ chọn một ngày trong năm là “Ngày Thương binh” để đồng bào có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa và yêu mến thương binh. Thực hiện Chỉ thị của Người, hội nghị gồm đại biểu các cơ quan Trung ương và một số địa phương đã họp và thống nhất chọn ngày 27/7 hàng năm là Ngày Thương binh toàn quốc.

Địa điểm được lựa chọn công bố tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên diễn ra vào chiều 27/7/1947. Cuộc mít tinh khoảng 300 người tham gia gồm đại diện Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Đoàn Thanh niên, Nha Thông tin, Cục Chính trị Quân đội quốc gia và chính quyền địa phương. Đại diện Cục Chính trị đã công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắn gửi tới toàn thể Nhân dân, các cấp, các ngành quan tâm tới các thương binh, bệnh binh và thân nhân các gia đình liệt sĩ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Di tích lịch sử 27/7: Nơi cội nguồn tri ân