Di tích lịch sử cấp quốc gia 'kêu cứu'

Nguyễn Quốc 03/08/2023 06:57

Cụm di tích đình và miếu Thế Lại Thượng được xếp hạng Di tích lịch sử và văn hóa cấp quốc gia vào năm 1999. Thế nhưng, theo thời gian, hiện nhiều hạng mục ở di tích này đang xuống cấp nghiêm trọng.

Đình làng Thế Lại Thượng hiện đã xuống cấp nghiêm trọng.

Cũng như nhiều ngôi làng khác tại tỉnh Thừa Thiên Huế, làng cổ Thế Lại có tuổi đời lên đến hàng trăm năm. Gắn với lịch sử phát triển của ngôi làng này là cụm di tích đình và miếu Thế Lại Thượng thuộc phường Gia Hội, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo đó, ngôi đình được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Ngôi đình có diện tích khoảng 1.200m2, được thiết kế theo kiểu nhà rường 3 gian 2 chái, kết cấu kèo cột gỗ với 26 cột chính và 4 cột hiên. Đặc điểm nổi bật nhất của ngôi đình là phong cách nhà rường, với nhiều hoạ tiết trang trí được chạm khắc tỉ mỉ, tinh tế.

Nội thất của đình gồm 2 phần: Hậu điện với 7 án thờ được khảm sành sứ, trang trí “Lưỡng long chầu nguyệt” cách điệu; phần tiền đường với hai bái đường có treo hai bức đại tự. Hiện nay toàn bộ đình để trống, tất cả bài vị được chuyển về miếu Thành Hoàng.

Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, ngôi đình đã và đang lưu giữ nhiều tư liệu Hán Nôm có giá trị đặc biệt quý hiếm, phản ánh lịch sử, văn hóa xã hội thế kỷ XIX, như cuộc xây dựng Kinh thành Huế, chính sách điền thổ triều Nguyễn, phong tục tập quán cổ truyền…

Nhiều hạng mục của di tích đã hư hỏng, xuống cấp.

Trong khi đó, miếu Thành hoàng Thế Lại Thượng có cổng Tam quan xây theo kiểu cửa vòm. Kiến trúc miếu theo kiểu nhà rường 3 gian 2 chái, có 36 cột gỗ, đề tài trang trí chủ yếu là tứ linh, hổ phù, hoa lá 4 mùa.

Đình và miếu Thế Lại Thượng là một cụm di tích chứa đựng nhiều giá trị nổi bật về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật và văn hóa xã hội. Cụm di tích này đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 05/1999 QÐ-BVHTT ngày 12/1/1999 của Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch).

Song, qua thời gian, hiện ngôi đình làng Thế Lại Thượng đang xuống cấp nghiêm trọng. Các cột trụ, xà gồ (đòn tay) được làm bằng gỗ bị mối mọt. Một số xà gồ bị hư hỏng hiện được gia cố bằng các cột gỗ khác để chống đỡ, tránh nguy cơ đổ sập. Trong khi đó, hệ thống mái ngói lợp xuất hiện nhiều điểm vụn vỡ; vách tường bị bong tróc từng mảng lớn, thiếu sự kết dính. Hệ thống cửa chính và cửa phụ của ngôi đình cũng bị hư hỏng nặng, được gia cố bằng thép và những thanh gỗ chống đỡ tạm bợ.

Theo người dân sinh sống xung quanh đình làng Thế Lại Thượng, di tích này đã xuống cấp trong một thời gian dài và có nguy cơ bị đổ sập bất cứ lúc nào nếu không được tu bổ kịp thời.

Ông Lê Văn Tâm (76 tuổi, người dân làng Thế Lại Thượng) cho biết, ngôi đình làng được xây dựng cách đây hàng trăm năm. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, ngôi đình bắt đầu xuống cấp và có nguy cơ đổ sập.

“Người dân chúng tôi mong muốn đình làng sớm được trùng tu, tu bổ để có thể giữ gìn và phát huy những giá trị của ngôi đình được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia này” - ông Tâm bày tỏ.

Trao đổi với phóng viên, TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, di tích đình và miếu Thế Lại Thượng đã được phân cấp cho UBND TP Huế trực tiếp quản lý. Thời gian qua, một số cử tri cũng có hỏi về thực trạng xuống cấp của di tích này nhưng do nguồn lực thiếu nên chưa thể đầu tư tu bổ, trùng tu ngay.

Còn ông Nguyễn Ích Huấn - Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin thành phố Huế cho biết, hiện nay, UBND TP Huế đang tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban liên quan và UBND phường Gia Hội tăng cường công tác vận động, xã hội hóa, đồng thời xem xét nguồn kinh phí phù hợp để bố trí, thực hiện tu bổ trùng tu trong thời gian tới.

Ngoài ra, HĐND TP Huế cũng đã có Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 12/4/2023 về việc thông qua Đề án phát triển mạng lưới Trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn thành phố Huế đến năm 2030. Theo đó, đình Thế Lại Thượng (phường Gia Hội) là một trong những đình làng được ưu tiên để tiến hành trùng tu, sửa chữa” - ông Huấn thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Di tích lịch sử cấp quốc gia 'kêu cứu'