Được sự cho phép của Bộ VHTT&DL, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với Viện Khảo cổ học mở hố thám sát thăm dò dấu vết lăng mộ Vua Quang Trung tại gò Dương Xuân (Trường An, TP Huế) với diện tích 22 m2. Cuộc khảo sát diễn ra từ 30/9 đến 15/10.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân.
Mặc dù đã ở cái tuổi 80 nhưng từ khi các hố thám sát được mở (7/10), hầu như ngày nào nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cũng xuất hiện ở khu vực chùa Thuyền Lâm, chùa Vạn Phước… thuộc phủ Dương Xuân xưa. Ông cho biết: Tôi rất vui bởi dấu vết, hiện vật xuất hiện trong 5 hố thám sát đều có dấu hiệu một quần thể kiến trúc với đời sống cao cấp khớp với chứng minh của mình trong quá trình nghiên cứu công trình: Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung.
Từ nhiều chục năm nay, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã bỏ công sưu tập tư liệu, nghiên cứu về văn hóa Huế. Trong hơn 60 đầu sách đã được xuất bản, có 2 công trình mà ông dày công hơn cả, đó là “Đi tìm dấu tích thời niên thiếu Bác Hồ ở Huế” (NXB Văn học 2003) và “Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương – sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung” (NXB Thuận Hóa 2007, tái bản năm 2015) .
Đối với công trình “Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương – sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết: Do lăng mộ Vua Quang Trung đã bị triều Nguyễn “tận pháp trừng trị” và cấm thần dân nhắc đến, vì thế những nhà nghiên cứu tiền bối hoạt động thời Nguyễn không dám đả động đến lăng mộ vua Quang Trung. Nếu vô tình gặp phải thì tránh, thậm chí có người còn làm nhiễu thông tin, đánh lạc hướng đi nữa.
Để giải mã “bí ẩn lịch sử” này sau khi đọc lại những lời chú, lời dẫn trong thơ văn của các trọng thần thời Quang Trung là Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã đề ra cho mình hướng nghiên cứu mới.
Trong bài thơ “Cảm Hoài” Ngô Thì Nhậm sáng tác năm 1792 khi được cử sang Trung Quốc báo tang Vua Quang Trung và cầu phong cho Vua Cảnh Thịnh, ở câu 8 đã viết: Đan Dương cung điện nhật tam thu (trông về Cung điện Đan Dương một ngày coi bằng ba thu), tác giả đã chú thêm một thông tin cho cụm từ Cung điện Đan Dương là “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho hay: Nhờ Ngô Thì Nhậm nên chúng ta biết được cung điện của Vua Quang Trung tên là Đan Dương. Sau khi vua Quang Trung mất, được triều Quang Toản giữ bí mật táng vua ngay trong Cung điện. Từ đó Cung điện Đan Dương trở thành lăng Đan Dương hay Đan Lăng…
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nhận định: Lăng vua mới có Tiểu giám giữ, lăng vua phải ở gần chùa Thiền Lâm thì bọn Tiểu giám mới thường đến hầu rượu Phan Huy Ích được, bởi “Nhà của quan Thái sư (Bùi Đắc Tuyên) là chùa Thiền Lâm cũ, nằm phía Nam sông Hương. Từ những chỉ dấu này, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân tiếp tục tìm hiểu về chùa Thiền Lâm, bởi theo ông, nếu tìm được chùa Thiền Lâm thì có thể tìm được phủ Dương Xuân đã mất tích…
Tại một hố thám sát ở gò Dương Xuân.
Chùa Thiền Lâm hiện nay trước kia chỉ là một cái am nhỏ không đề biển tên chùa, hằng ngày không dóng chuông. Những người giữ chùa phần lớn là các thầy tu bán thế có vợ có con, chùa được xem như một chùa tư.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: Năm 1988, Tỳ kheo Chơn Trí từ chùa Tường Vân ra mua lại chùa Thiền Lâm của một vị thầy tu bán thế. Ông này có hàng chục người con. Sau khi tiếp nhận, Tỳ kheo Chơn Trí cùng 6 đệ tử đào đất trồng rau màu thì phát hiện dưới lòng đất có hàng vạn viên gạch vồ, đá táng cột lớn, đá làm bậc cấp và chân bia, các tấm bia đều bị đục hết chữ hoặc mài nhẵn. Điều đó chứng tỏ ở đây có những kiến trúc bị đập phá, chôn sâu dưới đất.
“Tỳ-kheo Chơn Trí còn cho biết phía Bắc vườn chùa Thiền Lâm người ta đào móng xây nhà phát hiện nhiều hố chôn tập thể. Chứng tỏ đã có những cuộc giao chiến đẫm máu ở đây” - ông Xuân lưu ý. Sau khi có đầy đủ tư liệu về chùa Thiền Lâm, ông đã tập trung tìm hiểu về phủ Dương Xuân.
Đại Nam Nhất Thông Chí cho biết Phủ Dương Xuân trên gò Dương Xuân; phía nam gò Dương Xuân có đàn Nam Giao; nói cách khác phía Bắc đàn Nam Giao có phủ Dương Xuân. Tài liệu của phương Tây cũng cho biết vào năm 1749 Pierre Poivre – một nhà buôn Pháp đã đến phủ Dương Xuân gặp chúa Võ Vương.
Ông cho biết phủ Dương Xuân được xây dựng trên một cái gò (élévation). Cánh phía Bắc nhìn về sông Hương, cánh phía Nam có chỗ cao chỗ thấp, ở cuối có một cái hồ (étang). Dùng bản đồ đi từ chùa Thiền Lâm, tìm một điểm cao (gò) gần chùa Thiền Lâm có đặc điểm như Pierre Poivre đã viết. Địa điểm đó là nơi tọa lạc chùa Vạn Phước ngày nay thuộc phường Trường An, TP Huế.
Theo Đại Nam Nhất Thống Chí viết về chùa Tuệ Lâm và địa bạ thành lập năm 1907, tên mới của gò Dương Xuân từ đầu thế kỉ XIX đã được đổi thành gò ấp Bình An.
Nghiên cứu tư liệu và thực địa, thấy trên gò ấp Bình An này có những biểu hiện không bình thường như sau: Ở trên gò có nhiều kiến trúc đã bị đập phá chôn sâu dưới đất: Các đá táng cột trong chùa Vạn Phước, đá táng cột chôn sâu trên con đường từ chùa Vạn Phước xuống hồ sen bên suối Tiên, đá lát sàn nhà trong nhà ông Nguyễn Hữu Oánh. Chứng tỏ phủ Dương Xuân ở đây đã bị đập phá chôn vùi xuống đất.
Đại Nam Nhất Thống Chí viết: “Tự kinh binh loạn kim thất kỳ xứ”. Có nghĩa phủ Dương Xuân mất tích vì binh loạn Tây Sơn năm Bính Ngọ (1786). Người xóa sổ phủ Dương Xuân không ai khác là nhà Nguyễn. Vì sao nhà Nguyễn lại xóa sổ một công trình của Liệt thánh của mình? Vì phủ Dương Xuân đã bị quân Tây Sơn chiếm ở.
Lực lượng nào của Tây Sơn đã ở phủ Dương Xuân? Theo Đại Nam Thực Lục lăng mộ Quang Trung đã bị quật phá. Lăng mộ Vua Quang Trung ở trong Cung điện Đan Dương (tức là Cung điện Đan Dương ở gần chùa Thiền Lâm) đã bị quật phá.
Như vậy Phủ Dương Xuân và Cung điện Đan Dương theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân là một. Theo thời gian, phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn là tiền thân của Cung điện Đan Dương thời Quang Trung. Nói cách khác vua Quang Trung đã sử dụng phủ Dương Xuân làm Cung điện Đan Dương. Do đó Cung điện Đan Dương bị quật phá hủy diệt hết dấu tích nên phủ Dương Xuân mất tích đúng như Đại Nam nhất thống chí triều Nguyễn đã viết.
Với công trình của mình, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã tìm được dấu tích vùng cung phủ Dương Xuân- Đan Dương trong khu vực gò ấp Bình An từ chùa Thiền Lâm qua đến chùa Vạn Phước ngày nay. Những dấu vết, hiện vật biểu hiện khảo cổ học vừa qua tại các hố thám sát theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho thấy giữa công trình nghiên cứu và biểu hiện khảo cổ học đã khớp nhau.
Tuy nhiên, phạm vi ranh giới Cung điện Đan Dương như thế nào, quần thể kiến trúc Cung điện có bao nhiêu nhà, các kiến trúc to nhỏ ra sao, dấu tích còn lại của lăng Đan Dương trong Cung điện Đan Dương chỗ nào… nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cậy nhờ ngành sử học và ngành khảo cổ học Việt Nam giải quyết để công trình nghiên cứu có giá trị lịch sử đạt được kết quả cuối cùng.