Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, nhiều lần làm việc với các nhà đầu tư, đối tác nước ngoài, bên cạnh hạ tầng, vấn đề khiến các nhà đầu tư luôn băn khoăn là nguồn lao động. Do đó, Thủ tướng lưu ý, cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là các ngành nghề liên quan đến chuyển đổi số, công nghệ cao...
Thị trường lao động đúng nghĩa là phải cạnh tranh
Thủ tướng cho rằng, về chỉ tiêu tăng năng suất lao động vẫn chưa đạt được, thị trường lao động phát triển chưa đồng đều, cơ cấu chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu.
Từ đó, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Thủ tướng đặc biệt lưu ý đến việc phát triển thị trường lao động đúng nghĩa thị trường là phải cạnh tranh, hiện đại, linh hoạt, bền vững. Phát triển thị trường lao động cần đầu tư nhiều hơn, để tạo sự cạnh tranh nhiều hơn, đặc biệt đào tạo các kỹ năng nghề.
“Tôi đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các bộ ngành liên quan và các địa phương tập trung vào vấn đề lao động, trọng tâm là các ngành nghề mới nổi liên quan đến chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, công nghệ cao thì phải có lao động” - Thủ tướng nêu rõ.
Về vấn đề này, Nghị quyết số 06/NQ-CP Chính phủ ban hành ngày 10/1/2023 cũng đã xác định phát triển thị trường lao động phải linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội. Nghị quyết nêu rõ, giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành nghề mới, kỹ năng mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế, hội nhập quốc tế...
Để xây dựng và phát triển thị trường lao động, cần xây dựng chính sách việc làm gắn với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển việc làm bền vững, việc làm xanh gắn với quy hoạch kinh tế - xã hội và bố trí đầu tư; tăng cường các hình thức tín dụng để phát triển việc làm; quan tâm hỗ trợ đối tượng yếu thế tham gia vào thị trường lao động.
Nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động. Bên cạnh đó, duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức thấp dưới 7%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 6%.
Đặc biệt, Nghị quyết nêu rõ cần khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối, cung ứng lao động; đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đã có dự án và đang nghiên cứu đầu tư vào Việt Nam; Tổ chức đào tạo, cung ứng kịp thời nhân lực cho các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ.
Tăng cường kết nối cung cầu lao động
Thời gian qua, do khó khăn, nhiều DN đã cắt giảm việc làm, từ đó nhiều người lao động gặp khó khăn. Cụ thể tại Hà Nội, mới đây, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nắm tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, tuyển dụng, sử dụng lao động, cắt giảm việc làm trong DN. Từ đó, hướng dẫn, hỗ trợ DN thực hiện thanh toán đầy đủ tiền lương, tiền thưởng theo đúng quy định cho người lao động…
UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, đảm bảo cung ứng lao động kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các DN; nhất là sau Tết Nguyên đán 2023. Cùng với đó, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; tư vấn học nghề cho lao động thất nghiệp, giới thiệu cơ sở đào tạo nghề đảm bảo điều kiện để người lao động thất nghiệp (hưởng trợ cấp thất nghiệp) tham gia đào tạo nghề, sớm quay trở lại thị trường lao động; đồng thời kết nối với các doanh nghiệp tuyển dụng giúp người lao động thất nghiệp tìm được việc làm mới, ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; các chương trình dạy nghề gắn với nhu cầu của DN, dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn.
Một nghiên cứu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết, năng suất lao động của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện song vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực. Năm 2019, năng suất lao động của Việt Nam đạt 13,817 USD, chỉ bằng 8,7% của Singapore, 10,3% của Brunei, 23,2% của Malaysia, 41,2% của Thái Lan, 56,6% của Indonesia và 63,3% của Philippines. Theo JICA, sự chuyển dịch lao động kém năng suất từ các hoạt động nông nghiệp sang công nghiệp, xây dựng và dịch vụ là một yếu tố chính góp phần vào tăng trưởng năng suất ở Việt Nam trong 20 năm qua. Tuy nhiên, đóng góp cận biên vào tăng trưởng năng suất từ quá trình chuyển đổi này đang gặp khó khăn. "Bên cạnh đó, quy mô của các DN ở Việt Nam cũng là một rào cản đối với tăng trưởng năng suất. Phần lớn các DN là DN hộ gia đình có quy mô siêu nhỏ và nhỏ, do đó họ thiếu phương tiện kinh tế đáng kể để đầu tư và cải tiến công nghệ, thiết bị, tổ chức hoặc sản xuất" - JICA chỉ ra và cho biết số lượng lao động tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên hoặc có trình độ chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm 38,8%.
"Nâng cao kỹ năng của người lao động và tạo điều kiện cho người lao động Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng nguồn nhân lực toàn cầu là một vấn đề cấp bách đòi hỏi phải có những thay đổi đáng kể trong hệ thống nguồn nhân lực Việt Nam" - khuyến nghị của JICA.