Cách đây 10 năm, vào đầu năm 2006, một Dự án tìm kiếm những thành phố đã từng tồn tại được coi là đã chìm dưới đáy đại dương đã được khởi động bởi các nhà khoa học Mỹ. Họ gọi dự án này là “cuộc truy tìm những thành phố bị biến mất”. Tuy nhiên, không chỉ dưới đáy đại dương, mà cả trên mặt đất, cũng vẫn còn đó những thành phố một thời lừng lẫy, nay chỉ là những đống đổ nát, điêu tàn.
Vẻ huy hoàng của thành phố cổ Palmyra (Syria).
1. Dựa vào các hợp chất phân tử cực nhỏ được tìm thấy, các nhà khoa học tin rằng, ở sâu dưới đáy đại dương trước kia từng là lục địa. Người ta đã đưa những con robot thợ lặn xuống sâu dưới đáy đại dương, vì con người không thể xuống được. Thật kỳ lạ, người ta đã thu được nhiều bằng chứng của sự sống dưới lớp trầm tích dưới đáy biển.
Theo Bob Ballard- nhà nghiên cứu Địa lý quốc gia Mỹ, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy rất nhiều phân tử sống siêu nhỏ. Từ đó người ta đã vẽ lên một cuộc sống được coi là phồn thịnh của các cộng đồng dân cư tại đó, tất nhiên là cách chúng ta tính theo con số triệu năm.
Những gì còn lại của thành phố Petra (Jordan).
Tuy nhiên, sự tưởng tượng ấy không dễ thuyết phục người khác. Theo Bob Ballard, ông và nhóm nghiên cứu lấy làm buồn lòng rằng vì sao vẫn có người không chịu tin có những thành phố cổ đại đã yên nghỉ dưới đáy đại dương. “Họ cho rằng niềm tin của chúng tôi là ngây thơ và chúng tôi tôi đang làm những điều viển vông. Nhưng điều đó không làm chúng tôi nản chí” - Bob nói, đồng thời nhấn mạnh rằng, những thành phố bị biến mất hầu hết do chiến tranh tàn phá hoặc bị nước biển xâm lấn- điều đó quá dễ hiểu. Nhưng còn những thành phố xuất hiện trong các tác phẩm văn học cổ đại và những câu chuyện dân gian thì tính sao? Chúng có thật hay không? “Điều đó buộc chúng ta phải nghiên cứu, tìm hiểu cho đến khi thấy được sự thật mới thôi”- theo Bob Ballard.
Thành phố cổ Machu Picchu (Peru).
Trong những thành phố cổ tới nay hầu như không có dấu vết thì thành Troy lẽ nào lại không có thật? Tàn tích của nó được phát hiện vào thế kỷ 19 tại Anatolia, Thổ Nhĩ Kỳ với một bức tường cao 6,1m trên một gò đất ở Hisarlik. Nếu không phải là bức tường thành mang tính phòng ngự, bảo vệ thành phố thì là gì? Kế đó, thành phố huyền thoại Atlantis được coi là từng thuộc về Hy Lạp. Người ta cho rằng, nó đã bị chôn vùi dưới đáy đại dương vào khoảng năm 1500 trước Công nguyên, do một trận động đất dữ dội kèm theo núi lửa phun trào. Tới nay, những tiêu bản khảo cổ tìm thấy như cầu thang, bức tường và cả những bức tranh đã được tìm thấy trên đảo Santorini của Hy Lạp, đều dẫn về hướng của một đô thị từng rất phồn thịnh.
Theo tờ The Daily Mail của Anh, một nhóm các nhà khảo cổ dưới biển tuyên bố đã phát hiện và chụp được một loạt ảnh về vết tích của thành phố cổ Atlantis trong truyền thuyết tại một khu vực dưới đáy biển Caribbe. Những gì phát hiện được cho thấy nó có tuổi đời trước các kim tự tháp Ai Cập. Nhóm nghiên cứu tiết lộ, những bức ảnh chụp được cho thấy đó là một kiến trúc hoàn chỉnh, với rất nhiều con phố giao nhau. Thông tin đó làm người ta nhớ lại những miêu tả của nhà triết học Hy Lạp cổ đại Platon: Atlantis là một thành phố vĩ đại, với những kì quan kiến trúc và những công trình được xây dựng hết sức kì vĩ.
Dấu tích kiên cố của Tikal (Guatemala).
2. Tới nay, với những di chỉ còn sót lại, người ta cho rằng có nhiều thành phố cổ đại đã biến mất theo thời gian, với nhiều lý do khác nhau.
Machu Picchu của Peru là một trong những thành phố như vậy. Cùng với sự phân rã của đến chế Inca năm 1530, thì Machu Picchu cũng lu mờ. Năm 1911 nhà thám hiểm người Mỹ Hiram Bingham phát hiện ra thành phố bị mất này, đây được coi là phát hiện bậc nhất của ngành khảo cổ học. Machu Picchu lại được xây dựng ở một nơi có địa thế hiểm trở và người ta không giải thích được vì sao nó lại trở nên hoang phế.
Mohenjo Daro (Pakistan) từng được quy hoạch rất bài bản.
Còn dấu tích của thành phố Petra (Jordan) chính là gần 1.000 bia mộ, một tu viện và một quảng trường để thực hiện các nghi lễ cúng tế. Năm 1812, một người Thụy Sỹ tên là Johann Burckhardt đã tìm ra nó. Ở Guatemala, thành phố cổ Tikal cũng được coi thuộc về nền văn minh Maya. Với những kiến trúc đổ nát còn lại, người ta cho rằng vào lúc thịnh vượng, nó có thể lên tới 900.000 dân. Nó đã bị cây rừng che khuất cho đến mãi cuối thế kỷ 19 mới được phát hiện. Tới nay, những bức tượng được tạc trên vách đá cho thấy sự huy hoàng của Petra.
Machu Picchu cũng lừng lẫy không kém, tiêu biểu cho nền văn minh Inca. Nó được xây dựng trên độ cao 2.430m so với mực nước biển, ẩn mình trong thung lũng Urubamba của Peru. Năm 1911, một nhà khảo cổ châu Âu tên là Hiram Bingham người đã công bố công trình nghiên cứu về Machu Picchu, với tên gọi “Thành phố đã mất của người Inca”.
Phù điêu đá tuyệt đẹp còn lại của Nimrud Iraq.
Thật thiếu sót nếu không kể đến các thành phố đã mất khác, như Palenque của Mexico; Mohenjo Daro (Pakistan); Palmyra (Syria); Tanis (Ai Cập); Great Enclosure (Zimbabwe); Nimrud (Iraq); Persepolis (Iran); Stonehenge (Vương quốc Anh); Mesa Verde (Colorado, Mỹ). Nói như Bob Ballard, thì các thành phố cổ đã biến mất nhắc chúng ta một điều: Hãy khiêm tốn vì cách chúng ta vài chục ngàn năm, cả triệu năm, con người đã đủ sức dựng lên những công trình kiến trúc đồ sộ, hoàn hảo. “Chúng ta phải biết nghiêng mình trước những mảnh tường cũ nát, những bức phù điêu mờ mịt, chứ không chỉ trước những chiếc chuyên cơ, những con tàu ngầm hiện đại, kể cả du thuyền vũ trụ”- Bob Ballard nói.