Đi trên dây

Lê Anh Đức 30/05/2017 10:45

Cho ý kiến vào Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015, các đại biểu Quốc hội đã phân thành hai luồng ý kiến trái chiều đối với Khoản 3, Điều 19, về việc luật sư phải có nghĩa vụ tố giác thân chủ khi xâm phạm an ninh quốc gia và phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Đương nhiên mỗi luồng ý kiến đồng thuận hay phản bác (dự thảo luật) đều có cái lý riêng, song xu hướng chung của luật pháp đa số các nước trong khu vực và trên thế giới là luật sư phải tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, tứ

Trước tiên phải khẳng định ngay rằng, mọi người trong xã hội ngoài quyền còn có nghĩa vụ công dân, nghĩa là góp sức xây dựng và bảo vệ Nhà nước pháp quyền XHCN. Một công dân yêu nước luôn phải có trách nhiệm ngăn ngừa, đấu tranh với những hiện tượng gây tổn hại cho lợi ích của quốc gia, dân tộc. Song, có rất nhiều cách để thể hiện lòng yêu nước, thể hiện trách nhiệm công dân, chứ không nhất thiết là phải hạn chế quyền, hay đưa ra những quy định xung đột với hệ thống pháp luật hiện hữu, hoặc đi ngược lại với xu hướng chung của luật pháp quốc tế.

Với quy định: Người bào chữa sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật Hình sự, có cái lợi là sẽ kịp thời ngăn chặn tội phạm, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, thử đặt vấn đề một cách khách quan theo diễn biến tâm lý tội phạm, thì liệu có ai “mách” với luật sư việc họ đang và sẽ phạm tội không? Đa số vụ án Luật sư chỉ có thể biết khi thân chủ đã hoàn thành hành vi hoặc hành vi ấy đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng cáo buộc cấu thành tội phạm, bởi lúc đó họ mới có nhu cầu thuê người bào chữa, hoặc tư vấn pháp luật.

Việc luật sư đến các cơ quan tố tụng để tố giác hành vi của thân chủ vừa tiết lộ cho anh ta để nhờ bào chữa (hoặc tư vấn pháp luật), đồng nghĩa với việc không tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và vi phạm Luật Luật sư và Bộ luật Tố tụng hình sự. Tại Tiết c, Khoản 1, Điều 9, Luật Luật sư quy định rõ: Nghiêm cấm luật sư tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác. Tại điểm d, Khoảng 1, Điều 9 cũng quy định cấm luật sư lừa dối khách hàng. Theo đó, việc yêu cầu luật sư đến cơ quan tố tụng tố giác thân chủ đã vi phạm vào 2 điều cấm nêu trên.

Hãy bàn kỹ hơn về quy định tại điểm c, Khoản 1, Điều 9, Luật Luật sư về việc “trừ pháp luật có quy định khác”. “Quy định khác” mà Luật Luật sư đề cập ở đây chính là Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Tại điểm g, Khoản 2, Điều 73, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: Người bào chữa không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản... Đây là quy định “đóng”, không còn “mở” theo kiểu trừ pháp luật có quy định khác. Theo đó, nếu Bộ luật Hình sự 2015 khi sửa đổi, bổ sung mà thêm quy định bắt luật sư phải tố giác thân chủ không chỉ đi ngược quy định về đạo đức hành nghề luật sư mà còn xung đột với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Việc Bộ luật Hình sự quy định trái với Bộ luật Tố tụng hình sự không chỉ đơn giản là vấn đề xung đột trong hệ thống pháp luật, mà còn khiến tiêu tốn thêm khá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự.

Đó là còn chưa kể tại Điều 389, Bộ luật Hình sự quy định các loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng rất rộng. Theo đó, khả năng các luật sư bị các cơ quan tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự là rất cao. Vẫn biết mỗi nghề nghiệp đều có rủi ro, tai nạn nghề nghiệp, song nếu tỷ lệ rủi ro quá cao không những không khuyến khích được nghề nghiệp đó, ngược lại còn dần khiến người hành nghề kinh sợ, dẫn đến việc làm nửa vời không đến nơi đến chốn. Trong trường hợp cụ thể này, nếu tâm lý luật sư dao động, nơm nớp lo sợ tai nạn nghề nghiệp như đi trên dây sẽ dẫn đến việc bào chữa hình thức, không thực chất do không dám đi sâu vào tìm hiểu vụ án.

Trở lại vấn đề thân chủ sẽ “mách” luật sư rằng họ đã hoặc sẽ phạm tội nào đó xâm phạm an ninh quốc gia hay tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đã đề cập ở trên. Ngay cả khi người phạm tội có bô lô ba la cho luật sư biết họ đã hoặc sẽ phạm tội thì cũng chỉ là lời nói phiến diện theo kiểu “chém gió”, chứ không có bất cứ bằng chứng khách quan nào để khẳng định đó là thật. Trong trường hợp này sao có thể xác định luật sư có “biết rõ” thân chủ có phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia hay tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hay không để mà tố giác? Không cẩn thận, luật sư còn bị thân chủ kiện ngược vì tội vu khống, hoặc bị truy cứu về tội tố cáo sai sự thật.

Khi mà luật sư chỉ nhăm nhăm đi tố cáo thân chủ thì viễn cảnh người bị tình nghi không còn tin luật sư nữa là điều không thể tránh khỏi. Và khi người ta mất lòng tin ở luật sư thì sẽ không thuê (hoặc nhận) bào chữa, theo đó sẽ không còn tranh tụng mà chỉ còn phía buộc tội ở các phiên tòa. Như vậy là trái với tinh thần Hiến pháp 2013 và chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước. Vậy nên, mong rằng các đại biểu Quốc hội, cân nhắc một cách thấu đáo hơn khi “quyết” vấn đề này. Đừng khiến các luật sư nhụt chí khi phải đi trên dây, không đảm bảo việc tranh tụng, không đảm bảo nguyên tắc, quyền được bào chữa của bị can, bị cáo và những người bị tình nghi phạm tội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đi trên dây