Ngày 29/1, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell nhận định dịch bệnh viêm phổi do virus corona chủng mới (2019-nCoV) bùng phát ở Trung Quốc bất ngờ nổi lên là một mối đe dọa mới, vừa lúc triển vọng kinh tế toàn cầu đang khởi sắc trong những tháng gần đây.
Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell.
Phát biểu họp báo, Chủ tịch Powell phân tích việc Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại sơ bộ hồi đầu tháng này, giải pháp Brexit và các ngân hàng trung ương trên thế giới duy trì lãi suất thấp cho thấy nền kinh tế thế giới sẽ bắt đầu mở rộng nhanh hơn sau khi bị tác động bởi các tranh cãi thương mại. Ông cho rằng hiện nay viễn cảnh đó trở nên phức tạp do xuất hiện virus 2019-nCoV.
Quan chức FED nhận định, những tác động tiêu cực do dịch viêm phổi với tâm điểm là thành phố Vũ Hán sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong ngắn hạn và cũng ảnh hưởng tới các đối tác của Bắc Kinh trên toàn cầu. Tuy nhiên, ông lưu ý hiện vẫn chưa rõ quy mô thiệt hại kinh tế do virus này ở Trung Quốc và các nước trên thế giới.
Chủ tịch FED cảnh báo nguy cơ gián đoạn hoạt động ở Trung Quốc và trên toàn cầu, đồng thời cho biết ngân hàng này đang theo dõi chặt chẽ tình hình.
Trước đó cùng ngày, FED đã đưa ra quyết định giữ nguyên lãi suất như dự đoán, bất chấp những lo ngại về sự bùng phát của dịch viêm phổi do virus corona có thể gây tổn hại nền kinh tế toàn cầu. Các nhà hoạch định chính sách của FED cho rằng việc giữ nguyên lãi suất là phù hợp trong bối cảnh hiện nay khi tỷ lệ việc làm tăng ổn định và chi tiêu hộ gia đình tiếp tục tăng. Ngoài ra, FED cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức dưới mục tiêu 2% của ngân hàng này và những rủi ro địa chính trị có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ.
Các chuyên gia kinh tế Trung Quốc cũng đã dự báo, dịch bệnh bùng phát do vi rút corona sẽ khiến tăng trưởng của nước này trong quý I-2020 giảm khoảng từ 1% đến 5%. Chính quyền Trung Quốc đã áp đặt các hạn chế đi lại và tạm đóng cửa nhiều doanh nghiệp, trường học trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Mối lo ngại cũng đã gia tăng trên toàn thế giới khi nhiều quốc gia và doanh nghiệp đang tích cực thực hiện các biện pháp bảo vệ công dân và hoạt động làm ăn, kinh doanh của mình. Các hãng hàng không như British Airways, United Airlines hay Lufthansa đang cắt giảm hoặc tạm dừng các chuyến bay tới Trung Quốc.
Hiện hệ thống quán cà phê nổi tiếng thế giới Starbucks đã đóng cửa hơn một nửa số quán cà phê của mình tại Trung Quốc, còn Walt Disney cũng đã đóng cửa các khu nghỉ dưỡng và công viên giải trí tại Thượng Hải và Hong Kong (Trung Quốc) ngay trong thời điểm được coi là mùa hút khách nhất trong năm.
Năm 2019, FED đã 3 lần hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nước trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc. Tuy nhiên, trong cuộc họp cuối cùng của năm, FED đã giữ nguyên mức lãi suất và tuyên bố sẽ dừng điều chỉnh lãi suất trừ phi có biến động lớn trong triển vọng nền kinh tế.
Malaysia: Cân nhắc về việc đưa ra gói kích thích kinh tế
Tại Kuala Lumpur, ngày 30/1, Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Guan Eng (Lim Quan En) cho biết Chính phủ nước này đang cân nhắc về việc đưa ra gói kích thích kinh tế, cũng như sẵn sàng triển khai các biện pháp đối phó với tác động của dịch viêm phổi do virus corona gây ra. Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Lim Guan Eng nói rằng Chính phủ Malaysia đang nghiên cứu và phân tích mức độ tác động do virus này gây ra, đồng thời nhấn mạnh điều quan trọng nhất hiện nay là cần tập trung và ủng hộ những nỗ lực và các biện pháp do Bộ Y tế đưa ra nhằm ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của loại virus này.
Bộ trưởng Lim cũng tiết lộ trước khi dịch viêm phổi do virus corona mới bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Wuhan), tỉnh Hồ Bắc (Hubei) của Trung Quốc, Chính phủ Malaysia đã lên kế hoạch sử dụng một gói kích cầu kinh tế nhằm đối phó với tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và có thể sử dụng gói này nhằm đối phó với những ảnh hưởng do dịch bệnh này gây ra.