Tại TP Hồ Chí Minh từ đầu năm đến nay có hơn 7.550 ca sốt xuất huyết, còn tại Hà Nội tính đến ngày 4/6, đã ghi nhận 1.281 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Số mắc tăng 481 trường hợp số ca mắc sốt xuất huyết trong năm 2017 đã tăng 2,6 lần. Đặc biệt, thời gian qua tại hai địa bàn trên có 4 ca nhiễm sốt xuất huyết dẫn đến tử vong càng khiến việc phòng chống sốt xuất huyết là rất quan trọng, không thể chủ quan, lơ là!
Phun thuốc diệt muỗi để phòng tránh dịch sốt xuất huyết.
Nhiều nơi lơ là
Câu chuyện nữ sinh viên 19 tuổi của Học viện Ngân hàng (thuê trọ tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội) tử vong vì sốt xuất huyết (SXH) hồi trung tuần tháng 5 vừa qua càng khiến dư luận quan tâm, đồng thời dấy lên nghi ngại về công tác phòng, chống dịch SXH giữa Thủ đô Hà Nội.
Dù đây là ca tử vong đầu tiên tại Hà Nội trong những tháng đầu năm 2017 nhưng điều đó vẫn khiến cho dư luận hồ nghi về những nỗ lực của ngành y tế dự phòng của Hà Nội. Được biết, nữ sinh viên này được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và kết quả mẫu bệnh phẩm xác định, bệnh nhân dương tính với virus SXH Dengue typ 1.
Tuần qua, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, so với cùng kỳ năm 2016, số ca mắc SXH trong năm 2017 đã tăng 2,6 lần dù chưa phải đỉnh dịch. Cụ thể, tính đến ngày 4/6, số mắc SXH trên địa bàn Hà Nội là 1.281 ca, trong đó có 126 bệnh nhân đang điều trị.
Có một điều cần lưu ý, là bệnh nhân SXH phân bố tại 28/30 quận, huyện (trừ Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây), 224 xã, phường, thị trấn (chiếm 38% số xã, phường, thị trấn của Thành phố). Các đơn vị có số mắc cao tập trung chủ yếu ở các quận nội thành: Đống Đa 372, Hoàng Mai 253, Hai Bà Trưng 111, Thanh Xuân 84…
Còn tại TP HCM, ngày 7/6 Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP ghi nhận 7.559 ca bệnh sốt xuất huyết, tương đương cùng kỳ năm 2016. Riêng trong tuần cuối cùng của tháng 5, TP có 233 trường hợp mắc SXH, tăng 6,9% so với 4 tuần kế trước.
Mặc dù TP đã đưa ra nhiều giải pháp phòng bệnh hiệu quả và tiết kiệm trong công tác triển khai phòng chống dịch, nhưng nhiều địa phương vẫn không thực hiện đạt yêu cầu công tác kiểm soát này. Qua công tác kiểm tra, đã phát hiện có 12/14 quận huyện không đạt yêu cầu trong công tác kiểm soát điểm nguy cơ.
Hậu quả nặng nề
Từ 7 năm nay, ngày 15/6 hằng năm được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổ chức ASEAN và đại biểu 10 nước thành viên ASEAN chọn là Ngày ASEAN phòng chống SXH. Theo nhận định của WHO, SXH là một trong những bệnh truyền nhiễm có tốc độ gia tăng nhanh nhất trên thế giới, trong đó các nước ASEAN là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của SXH. Căn bệnh này không bị ngăn cách bởi biên giới các quốc gia.
Tại Việt Nam, SXH lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam. Bệnh SXH là bệnh do muỗi truyền và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vaccine ngừa bệnh SXH hiện đang được nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng.
Theo ThS.BS Nguyễn Trí Dũng- Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, vì mầm bệnh SXH luôn hiện hữu trong cộng đồng, nên muỗi vằn gia tăng sau những cơn mưa bất chợt ấy khiến nguy cơ lây nhiễm bệnh SXH cũng gia tăng theo. Do đó, BS Nguyễn Trí Dũng khuyến cáo, người dân không được chủ quan.
“Ngoài các hoạt động phòng bệnh như diệt muỗi, diệt loăng quăng, ngủ màn… khi mắc bệnh với các dấu hiệu ban đầu, nhiều người chủ quan không nghĩ ngay đến việc kiểm tra sức khỏe. Vào cao điểm dịch bệnh SXH ở mùa mưa, tâm thế cảnh giác của cộng đồng với dịch bệnh này cần rất cao độ, giúp công tác điều trị kịp thời. Còn bây giờ đang vào mùa thấp điểm dịch bệnh SXH, khá ít nghĩ rằng mình hoặc con em mình lại mắc bệnh SXH. Tâm lý này dễ dẫn đến hậu quả nặng nề”, theo BS Dũng.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, thời tiết hiện tại là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH phát triển có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm 2017. “Chúng tôi đã cảnh báo theo diễn biến thời tiết ElNino, nắng nóng lắm sẽ mưa nhiều, dễ sinh SXH”- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh.
Đến sớm và tăng cao?
Mặc dù hiện là giai đoạn cuối của mùa dịch SXH năm 2016-2017, nhưng với sự khó lường của thời tiết, các mầm bệnh SXH luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch bệnh. Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cảnh báo, năm nay mùa mưa đến sớm nên nguy cơ SXH “vào mùa” sớm và tăng cao hơn so với năm 2016.
Ông Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho rằng, trong thời gian tới SXH còn diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam. SXH là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vì có thể gây tử vong, tạo thành dịch lớn. Đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là ngăn chặn muỗi đốt như diệt muỗi, bọ gậy…
Do đó, ngành y tế yêu cầu các địa phương triển khai diệt lăng quăng, kiểm soát những điểm nguy cơ và thực hiện vệ sinh môi trường. Riêng việc phun hóa chất trên diện rộng sẽ thực hiện trong giai đoạn đỉnh điểm của mùa dịch. Bên cạnh đó, cộng đồng cũng cần chủ động các biện pháp: vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng, ngủ mùng thường xuyên... khi có biểu hiện mắc bệnh cần đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời, tránh nguy hiểm có thể xảy ra.