Sức khỏe

Dịch sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường

Dương Toàn (thực hiện) 12/06/2024 09:55

Số liệu về tình hình dịch bệnh cho thấy, năm nay, dịch sốt xuất huyết (SXH) có những diễn biến phức tạp. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi cùng PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng.

bai-chinh.jpg
PGS.TS Trần Đắc Phu.

PV: Những năm gần đây, SXH không còn quy luật cứ 4-5 năm lại xuất hiện một đợt đỉnh dịch, thay vào đó, năm nào dịch bệnh này cũng diễn biến rất khó lường, thậm chí năm sau tăng mạnh hơn so với năm trước. Ông có thể lý giải nguyên nhân của tình trạng này?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Để làm rõ vấn đề này, chúng ta cần hiểu rõ về nguyên nhân gây dịch SXH và các yếu tố khiến dịch bùng phát. SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại virus có tên là Dengue gây ra. Đây là căn bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác nếu như bị muỗi vằn mang mầm bệnh đốt.

Loại muỗi này phát triển mạnh nhất ở nhiệt độ trên 25 độ C và sinh sản ở những dụng cụ chứa nước trong, ví dụ như những đồ chứa nước mưa như những bể chứa nước, chậu thủy sinh, chum chứa nước…

Bên cạnh đó, đây cũng là dịch bệnh khó khoanh vùng, kiểm soát bởi với sự di chuyển từ địa phương này tới địa phương khác dễ dàng trên phạm vi cả nước, người dân có thể bị muỗi mang mầm bệnh đốt tại nơi này, và phát bệnh ở nơi khác.

Từ những yếu tố nói trên, nếu so sánh với tình hình thực tế hiện nay ở nước ta, có thể lý giải được nguyên nhân vì sao dịch SXH bùng phát mạnh, thậm chí là phá vỡ quy luật thường thấy trong vài năm trở lại đây. Nguyên nhân đầu tiên là do quá trình đô thị hóa diễn ra, nhiều phế liệu, phế thải do con người tạo ra không được thu gom xử lý kịp thời tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng và phát triển. Nguyên nhân tiếp theo là do biến đổi khí hậu, khí hậu ấm hơn được cho là giúp muỗi sinh sản nhanh hơn và giúp virus nhân lên gấp nhiều lần trong cơ thể muỗi. Sự dịch chuyển của hàng hóa và con người ngày càng gia tăng cũng là một nguyên nhân khiến dịch bệnh này bùng phát. Ngoài ra, ý thức phòng, chống dịch của người dân vẫn còn chưa tốt.

Tất cả những yếu tố nói trên khiến dịch SXH tại nước ta diễn biến rất phức tạp, khó lường, phá vỡ quy luật theo chu kỳ 4-5 năm mới có một đợt đỉnh dịch. Thậm chí, nếu như trước kia dịch này thường gia tăng từ tháng 4 đến tháng 11 tại miền Bắc thì hiện nay quy luật này cũng đã thay đổi. Dịch có thể xuất hiện sớm hơn và kết thúc muộn hơn.

Ông có thể dự đoán tình hình dịch bệnh SXH trong thời gian tới?

- Tôi cho rằng dịch SXH sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường trong thời gian tới. Đặc biệt là nếu không có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả chính quyền và người dân thì số ca mắc sẽ gia tăng, từ đó dẫn tới số ca mắc bệnh nặng cần nhập viện điều trị cũng sẽ gia tăng, các bệnh viện có nguy cơ rơi vào tình trạng quá tải nếu không có sự chuẩn bị sẵn sàng dẫn tới số ca tử vong sẽ gia tăng.

Những năm gần đây, biện pháp phun hóa chất để diệt muỗi SXH được áp dụng rất tích cực trên khắp các địa phương trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, trước thực tế dịch ngày càng gia tăng sau mỗi năm, không ít người dân đã đặt ra nghi vấn về tính hiệu quả của biện pháp này. Ý kiến của ông thế nào?

- Thực ra, việc phun hóa chất diệt muỗi là một biện pháp mang tính tình thế. Đây là biện pháp áp dụng khi mật độ hoạt động của muỗi truyền bệnh đã đạt đến mức độ nguy hiểm, vượt ngưỡng cho phép. Nói là giải pháp tình thế là bởi hiệu quả của nó chỉ trong vài ngày đến 1 tuần, mục đích chính của biện pháp này là giải quyết muỗi trưởng thành mang mầm bệnh tại các ổ dịch.

Như vậy, để phòng chống dịch SXH, cần thực hiện những biện pháp mang tính căn cơ gì, thưa ông?

- Đầu tiên, cần nhấn mạnh, việc phòng chống SXH không phải là việc của riêng ai hay việc của bộ, ban, ngành nào, mà cần sự chung tay của cả người dân và chính quyền.

Biện pháp căn cơ nhất để phòng chống dịch là diệt loăng quăng, bọ gậy. Do vậy, chính quyền cần vào cuộc để tuyên truyền người dân hiểu được tình hình dịch bệnh và cách phòng, chống. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như: chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Không có bọ gậy thì sẽ không có SXH. Đặc biệt, khi bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dịch sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường