Văn hóa

Dịch văn học - không chỉ là chuyển ngữ

Phạm Sỹ 27/05/2025 10:19

Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng tham gia sâu vào các lĩnh vực sáng tạo văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, trong lĩnh vực dịch văn học, nơi từng câu chữ mang theo chiều sâu văn hóa, lịch sử và cảm xúc thì ranh giới giữa con người và máy móc vẫn được xác lập rõ ràng. Bởi dịch văn học không chỉ là chuyển đổi ngôn ngữ, mà là hành trình tái hiện tinh thần tác phẩm…

ảnh 1
AI không thể chạm tới cảm xúc để thay thế con người trong dịch văn học.

Giới hạn của AI

Không thể phủ nhận khả năng xử lý dữ liệu và tốc độ của các công cụ dịch thuật hiện đại. AI có thể dịch hàng ngàn từ chỉ trong vài giây, phân tích ngữ pháp chính xác và đề xuất từ tương đối phù hợp. Trong một số lĩnh vực mà ngôn ngữ chủ yếu mang tính thông tin như tài liệu kỹ thuật, y học, khoa học… thì AI đã chứng minh được hiệu quả cao.

Tuy nhiên, khác với dịch thuật kỹ thuật hay dịch thông tin, dịch văn học đòi hỏi người thực hiện phải là người hiểu được cái "hồn" của ngôn ngữ. Một bản dịch tiểu thuyết, truyện ngắn hay thơ ca không thể chỉ là sự chuyển nghĩa từng từ một cách máy móc. Nó đòi hỏi sự đồng cảm sâu sắc với tác giả, khả năng cảm nhận tinh tế các lớp nghĩa và sự sáng tạo trong việc chọn lựa từ ngữ.

Dịch một cuốn sách không đơn thuần là chuyển ngữ, mà giống như cùng tác giả bước vào một hành trình dài đầy tinh tế và thử thách. Trên hành trình ấy, người dịch phải biết lắng nghe “giọng” của tác phẩm, thấu hiểu tâm tư của tác giả. Và trên hết, phải có một tình yêu sâu sắc với ngôn ngữ - đủ để cảm nhận được những tầng nghĩa ẩn sâu sau từng câu chữ.

Đây chính là yếu tố cốt lõi tạo nên sự sống động của bản dịch - điều mà dù được huấn luyện với hàng tỷ dữ liệu, trí tuệ nhân tạo vẫn chưa thể thay thế con người, bởi nó thiếu đi cảm xúc và sự rung động từ trái tim.

Là tác giả của gần 50 đầu sách, cả dịch thơ, truyện, sách biên soạn…, trong đó nhiều tác phẩm đi vào tâm hồn thơ ca của bao người Việt, chia sẻ về vấn đề này dịch giả Thúy Toàn cho biết, ông chưa bao giờ nghĩ trí tuệ nhân tạo có thể thay thế hoàn toàn con người trong công tác dịch thuật. Công tác dịch thuật cũng như sáng tác, nếu thiếu chiều sâu cảm xúc, trải nghiệm và cảm quan xã hội sâu sắc thì không thể dịch hay được.

Trí tuệ nhân tạo có thể dịch nhanh, đúng ngữ pháp nên áp dụng được trong việc dịch tài liệu kỹ thuật và những văn bản thông thường. Tuy nhiên, nếu dịch các tác phẩm văn học, thơ ca thì chắc chắn không thể thay thế con người. AI có thể bắt chước phong cách và cảm xúc trong bản dịch, nhưng thiếu trải nghiệm sống thực tế, thiếu chiều sâu cảm xúc - những yếu tố cốt lõi trong dịch văn học, thơ ca.

Để minh chứng cho nhận định của mình, ông dẫn lại một số câu trong bài thơ nổi tiếng “Đợi anh về” của nhà thơ Xi-mô-nốp, do Tố Hữu dịch sang tiếng Việt vào năm 1947 "Đợi anh, anh lại về/ Trông chết cười ngạo nghễ/ Ai ngày xưa rơi lệ/ Hẳn cho sự tình cờ…”

“Bản dịch của Tố Hữu thật sự tuyệt vời, chạm sâu vào tâm hồn và để lại dấu ấn trong trái tim của bao thế hệ độc giả Việt Nam. Trí tuệ nhân tạo sao có thể làm được những bản dịch đầy cảm xúc và tinh tế đến thế?” - dịch giả Thúy Toàn chia sẻ.

Từ góc nhìn của người sáng tác, nhà thơ Lữ Mai cho rằng, văn học không thể là chuỗi ngôn từ chỉ được chuyển ngữ một cách cơ học. Mỗi tác phẩm là kết tinh của cảm xúc, trải nghiệm, tư duy sáng tạo. Đó là những giá trị vẫn đang nằm ngoài giới hạn xử lý của các thuật toán hiện tại.

Theo nhà thơ Lữ Mai, khi một bản dịch được thực hiện hoàn toàn bởi AI mà thiếu vắng vai trò của con người, nhất là những người có sự đồng cảm, am hiểu ngôn ngữ văn chương thì ranh giới giữa hỗ trợ và thay thế sẽ trở nên mờ nhạt. Đó cũng là lúc giá trị sáng tạo, quyền sở hữu trí tuệ dễ bị xâm phạm nhất.

“Nếu không có sự minh bạch, tôn trọng đối với tác giả, tác phẩm gốc cũng như người dịch thì việc lạm dụng công nghệ sẽ dẫn đến hệ quả không nhỏ về đạo đức, pháp lý và học thuật” - nhà thơ Lữ Mai.

Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Phương Chi (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, AI có thể là trợ thủ đặc lực cho việc dịch các văn bản mang tính thông tin, nhưng không thể dịch văn học và các lí thuyết khoa học chuyên sâu (ở đây là lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn).

“Dịch là một sự hiểu - sự hiểu đó phụ thuộc nhiều vào trải nghiệm, tri thức, phong cách hành văn, vốn từ, cảm xúc của mỗi cá nhân người dịch. Những yếu tố mang sắc thái cá nhân đó AI không thể bao quát được. AI không thể mang nhiều thông điệp riêng biệt của mỗi người dịch muốn gửi gắm qua bản dịch của mình” – PGS.TS Phạm Phương Chi nhấn mạnh.

Không chỉ cần đúng mà còn cần đẹp

Theo nhà thơ Lữ Mai, dịch thuật văn học là hành trình đối thoại đầy sâu sắc, tinh tế giữa các nền văn hóa, các hệ tư tưởng và hơn hết là giữa những tâm hồn. AI có thể học cú pháp, hiểu nghĩa từ, thậm chí “bắt chước” văn phong, nhưng không thể cảm nhận được vẻ đẹp mơ hồ của một áng thơ, nỗi lặng im đầy ám ảnh trong một dòng văn hoặc trạng thái đặc biệt trong diễn đạt của người viết.

Bởi lẽ đó, AI chỉ nên được xem như công cụ hỗ trợ chứ không thể thay thế vai trò con người trong dịch thuật văn chương.

Cũng theo nhà thơ Lữ Mai, người dịch với niềm thấu cảm, khả năng phân tích tinh tế và trải nghiệm sống phong phú mới là người truyền đạt đúng “hồn cốt” của tác phẩm. Trong sự kết hợp giữa công nghệ và con người, con người phải đóng vai trò trung tâm mới có thể bảo đảm tính chính xác, đồng thời giữ nguyên tinh thần nghệ thuật mà tác giả gửi gắm.

Bởi lẽ, bản dịch văn học ngoài việc cần đúng thì cần phải đẹp, phải có sức sống, sự uyển chuyển... Để làm được điều đó, cần trái tim và trí tuệ của con người, trí tuệ nhân tạo chỉ là phụ.

Đây cũng là quan điểm của dịch giả Thúy Toàn. “Văn chương cũng rất đa nghĩa, có ẩn dụ, chơi chữ, AI làm sao có thể dịch đúng nếu không hiểu văn hóa gốc và ngữ cảnh. Khoa học có tiến bộ đến đâu thì trong sáng tác nói chung và công tác dịch thuật văn học nói riêng cũng chỉ có thể là công cụ hỗ trợ chứ không thể thay thế con người” - dịch giả Thúy Toàn nhấn mạnh.

Có thể thấy, sự phát triển của AI đang đặt lại những giới hạn nghề nghiệp, trong đó dịch văn học là một minh chứng. Tuy nhiên, thay vì lo lắng bị thay thế, người làm nghề cần khẳng định vai trò không thể thay thế của mình bằng chất lượng, chiều sâu và sự sáng tạo.

Ông Nguyễn Xuân Minh - Giám đốc Kế hoạch và Bản quyền Công ty sách Nhã Nam cho rằng, trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ dịch văn bản tin tức, tài liệu khoa học đơn giản nhưng không phù hợp với tác phẩm văn học. Trong quá trình chuyển ngữ, người dịch phải mường tượng thái độ, cách nói chuyện, xem nhân vật đang lên giọng hay hạ giọng để mô tả đúng sắc thái từ ngữ… AI dù có phát triển thế nào cũng khó chạm được đến ngưỡng đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dịch văn học - không chỉ là chuyển ngữ