Giáo dục

Điểm chuẩn học bạ thấp, chất lượng đào tạo thế nào?

Nguyễn Hoài 13/06/2024 14:16

Điểm chuẩn bằng phương thức xét học bạ THPT của một số trường đại học chỉ ở mức từ 15-18 điểm/tổ hợp đặt ra nhiều nghi ngại về chất lượng tuyển sinh và đào tạo đại học.

Tới thời điểm đầu tháng 6, gần 30 trường đại học đã công bố điểm chuẩn xét tuyển theo phương thức học bạ. Trong đó, một số trường có mức điểm từ 15 đến 18 điểm/tổ hợp.

Theo quyết định công nhận điểm trúng tuyển trình độ đại học đợt tháng 4 năm 2024 của Trường Đại học Hòa Bình, điểm trúng tuyển trình độ đại học theo hình thức xét tuyển kết quả học tập THPT (điểm học bạ) cho 21 ngành đào tạo của trường dao động từ 15 đến 17 điểm, trừ khối ngành sức khỏe.

img_3963.jpg
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của trường đại học.

Trong đó, 3 ngành Thiết kế đồ họa, Thiết kế nội thất, Thiết kế thời trang có điểm chuẩn chỉ 15 điểm. Như vậy, thí sinh chỉ cần 5 điểm/môn là trúng tuyển đại học.

Không riêng Trường Đại học Hòa Bình, một số trường đại học khác cũng có mức điểm chuất xét tuyển bằng phương thức học bạ tương tự.

Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương có điểm chuẩn xét tuyển bằng phương thức xét học bạ THPT năm 2024 từ 15 - 22 điểm, trừ khối ngành sức khỏe.

Trường Đại học Gia Định đưa ra mức điểm chuẩn xét tuyển sớm cho 49 ngành là 16,5 điểm. Thí sinh chỉ cần đạt 5,5 điểm học bạ là đủ điều kiện trúng tuyển vào trường.

Một số trường đại học có mức điểm chuẩn xét tuyển học bạ từ 6 điểm/môn như: Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM với mức 18 điểm cho tất cả các ngành; Trường Đại học Công nghệ TPHCM, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Trường Đại học Đại Nam… có điểm chuẩn dao động từ 18-24 điểm.

Trong những mùa tuyển sinh gần đây, xu hướng của các trường đại học là sử dụng nhiều phương thức xét tuyển nhằm tạo điều kiện cho thí sinh. Trong đó, phương thức xét tuyển học bạ được nhiều thí sinh ưu tiên lựa chọn.

Tuy nhiên việc các trường đưa ra ngưỡng đầu vào thấp đặt ra nghi ngại về chất lượng tuyển sinh và đào tạo đại học.

GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, việc đại học mở rộng đầu vào là xu hướng đã được các nước trên thế giới thực hiện từ lâu, tuy nhiên quá trình đào tạo và đầu ra đại học rất chặt chẽ.

Thế nên, theo GS.TS Phạm Tất Dong, chất lượng đào tạo và xu hướng đổi mới của trường đại học như thế nào mới là yêu cầu quan trọng. Nếu đào tạo đại học theo hướng cũ thì sinh viên ra trường bị thất nghiệp là không thể tránh khỏi.

Trước việc nhiều ngành học của một số trường có điểm chuẩn xét học bạ ở ngưỡng thấp, nhiều ý kiến đề xuất cần có mức điểm sàn nhất định, nhất là với các trường tư để không tuyển những thí sinh quá kém vào đại học, đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực.

Hiện, Bộ GDĐT chỉ quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (còn gọi là điểm sàn) nhóm ngành đào tạo giáo viên và ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Các ngành đào tạo khác do cơ sở đào tạo quy định.

Thí sinh lưu ý, từ ngày 18/7 đến 17h ngày 30/7, các em đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần.

Theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, thí sinh sử dụng tài khoản đã được cấp để xử lý thông tin (nhập, xem, sửa) thông tin của thí sinh trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung.

Việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đối với các ngành/chương trình phải thực hiện theo hình thức trực tuyến trên Hệ thống hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điểm chuẩn học bạ thấp, chất lượng đào tạo thế nào?